Tại khu sản xuất của nhà máy in 3D thuộc công ty Castem, Nhật Bản không hề có bất cứ một khuôn đúc để sản xuất linh kiện hay sản phẩm giống như các tại các nhà máy theo mô hình truyền thống, tất cả các sản phẩm ở đây đều được số hóa, dữ liệu số hóa sẽ được đưa vào các máy in 3D để in ra các sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng.
Ông Tamura Akihiro - Bộ phận chế tác thép, Công ty Castem, Nhật Bản chia sẻ: "Lợi thế của công nghệ in 3D mà chúng tôi đang thực hiện đó là có thể đưa hệ thống sản xuất hoạt động một cách đồng nhất, như từ nhập dữ liệu kỹ thuật số đến khi in ra các sản phẩm, hệ thống sản xuất đồng nhất không chỉ tiết kiệm thời gian, mà còn làm cho chi phí sản xuất giảm khá nhiều".
Công nghệ in hiện đại này có thể sản xuất nhiều sản phẩm với nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau từ nhựa hay kim loại, khuôn mẫu cũng có thể linh hoạt hơn và dễ điều chỉnh khi có sự thay đổi từ thị trường, thông thường nếu muốn thay đổi mẫu sản phẩm thì công ty phải thay đổi khuôn sản xuất, nhưng ở đây chỉ cần bấm nút một cách đơn giản là có thể làm ra một mô hình sản phẩm theo mong muốn với chất lượng tương tự.
Ông Toda Takuo - Giám đốc điều hành công ty Castem, Nhật Bản: "Chúng tôi hiện đang ứng dụng công nghệ in 3D để sản xuất các linh kiện cho robot, linh kiện chất bán dẫn hoặc các linh kiện kỹ thuật siêu nhỏ đòi hỏi kỹ thuật phức tạp khác, công nghệ 3D đã hỗ trợ sản xuất các thiết bị này với hiệu quả cao hơn cho với phương pháp sản xuất thông thường khác".
Các thiết bị hay linh kiện sẽ được số hóa và đưa vào máy in 3D, máy in có thể in được 3,6 triệu màu và hỗ trợ sản xuất các thiết bị siêu nhỏ với độ chính xác cao. Công nghệ in tại nhà máy này có thể in những linh kiện có kích thước rất nhỏ, khoảng 16 micromet, do đó, sản xuất chi tiết và linh kiện phức tạp không còn là một rào cản đối với các nhà sản xuất. Ngoài ra, với lợi thế như cần ít nhân công hơn cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí vật liệu, hiện nay, dây chuyền in 3D đang được một số công ty tại Nhật Bản ứng dụng trong sản xuất quy mô lớn.