Được biết nội dung nâng cấp sẽ chủ yếu tập trung vào việc hiện đại hóa đầu dò hồng ngoại của tên lửa R-27T và R-73, giúp tăng cường khả năng chống nhiều cũng như nâng tầm phát hiện mục tiêu lên gấp 1,5 lần.
Không quân Trung Quốc hiện chủ yếu trang bị hai dòng tên lửa nói trên cho tiêm kích Su-27SK và Su-30MKK/MK2 nhập khẩu từ Nga, cùng một số biến thể sao chép dựa trên nền tảng này.
Đây được xem là bước đi nhằm cố gắng duy trì khả năng chiếm ưu thế trên không của họ trước các quốc gia trong khu vực, tuy nhiên điều này cũng đặt ra dấu hỏi về chất lượng các loại tên lửa không đối không được Trung Quốc tự sản xuất trong nước.
Vympel R-27 (tên ký hiệu của NATO AA-10 Alamo, ký tự Cyrillic P-27) là một loại tên lửa không đối không tầm trung của Liên Xô, nó được sử dụng chính trong Không quân Nga và CIS (cộng đồng các quốc gia độc lập), cũng như xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Gia đình tên lửa R-27 gồm 2 phiên bản chính: loại dẫn đường bằng tia hồng ngoại IR (R-27T) và radar bán chủ động (R-27R).
Tên lửa R-27R có chiều dài 4,08 m; đường kính thân 0,23 m; sải cánh 0,77 m; trọng lượng 254 kg; vận tốc tối đa Mach 2,5 - 4; tầm bắn 0,2 - 80 km (130 km với bản R-27ER); mang theo đầu đạn nặng 39 kg.
Trong khi đó tên lửa R-27T có chiều dài 3,08 m; đường kính thân 0,23 m; sải cánh 0,77 m; trọng lượng 245 kg; vận tốc tối đa Mach 4; tầm bắn 0,5 - 70 km (120 km với bản R-27ET); mang theo đầu đạn nặng 39 kg.
R-73 (tên ký hiệu của NATO AA-11 Archer) được Vympel NPO phát triển, đây là một loại tên lửa tầm ngắn hiện đại của Nga, nó được thiết kế để sử dụng trong các cuộc không chiến tầm gần nhằm thay thế cho Molniya R-60 (AA-8 Aphid).
Điểm độc đáo của R-73 là đầu dò của nó có góc quan sát lên đến 60°, có thể hiển thị lên trên màn hình gắn ở mũ phi công (HMS), cho phép tăng khả năng tiêu diệt mục tiêu trong không chiến quần vòng cự ly ngắn.
Tên lửa R-27R có chiều dài 2,93 m; đường kính thân 0,165 m; sải cánh 0,51 m; trọng lượng 105 kg; vận tốc tối đa Mach 2,5; tầm bắn 0,3 - 30 km (40 km với bản R-74); mang theo đầu đạn nặng 7,4 kg. Mặc dù có ưu thế về tầm bắn nhưng R-73 và R-27T vẫn bị nhận xét là thua xa các dòng tên lửa dẫn đường hồng ngoại thế hệ mới như Python-5 của Israel hay AIM-132 ASRAAM của châu Âu (thiếu chức năng khóa mục tiêu sau khi phóng).