Tiêm kích thế hệ 5 TQ bay vù vù - Ấn Độ khiến Pháp phải "hối hận" và Rafale là tội đồ

Bảo Lam |

Người Pháp đã phải hối hận về "chiến thắng" trong gói thầu thế kỷ của Ấn Độ. Những khó khăn và bất đồng nhiều tới mức gần như đã biến tiêm kích Rafale trở thành một kẻ tội đồ.

Người Pháp đã phải hối hận về "chiến thắng"

Cuộc đấu thầu của Ấn Độ với tên gọi (MMRCA) không tự dưng đã và tiếp tục được gọi là "bản hợp đồng thế kỷ", mặc dù số lượng ban đầu chỉ gồm 126 chiếc tiêm kích đa năng thế hệ 4++.

Tất cả, như chúng ta đã biết, sẽ được làm rõ khi so sánh. Nếu thị trường máy bay chở khách thế giới được tính bằng hàng nghìn chiếc, thì với lực lượng không quân chiến đấu, con số này chỉ là vài chục chiếc.

Sản phẩm độc đáo hiện nay là chiếc F-35 của Mỹ, nhưng đó là một câu chuyện hoàn toàn khác: Từ đầu có nhiều đồng minh của Mỹ tham gia chương trình này, và F-35 hiện nay đang là chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 duy nhất được sản xuất hàng loạt trên toàn cầu. Cho nên không cần phải nói nhiều.

Ấn Độ chưa bao giờ là đồng minh chính của Mỹ, khi phần lớn đặt niềm tin vào sự hỗ trợ kỹ thuật-quân sự của Nga và Pháp, mặc dù người Mỹ ngày càng trở nên lớn mạnh hơn trên thị trường vũ khí Ấn Độ.

Xin lưu ý rằng, xương sống của Không quân Ấn Độ là các máy bay tiêm kích Su-30MKI thế hệ 4++ của Nga. Những máy bay này từng rất hiện đại vào thời điểm giữa hoặc thậm chí cuối thập niên 90, tuy nhiên Ấn Độ hiểu rằng đã tới lúc cần phải bổ sung những máy bay nào đó hiện đại hơn.

Tiêm kích thế hệ 5 TQ bay vù vù - Ấn Độ khiến Pháp phải hối hận và Rafale là tội đồ - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.

Tại vòng đầu tiên trong cuộc tuyển chọn của Ấn Độ có tên gọi Chiến đấu cơ đa năng hạng trung - Medium Multi-Role Combat Aircraft (MMRCA) đã có 6 chiếc máy bay tham gia: Boeing F/A-18E/F Super Hornet, Dassault Rafale, Eurofighter Typhoon, Lockheed Martin F-16 Fighting Falcon, MiG-35 và Saab JAS 39 Gripen.

Khi đó, tiêm kích MiG-35 của Nga đã bị hất văng ra ở giai đoạn đầu của cuộc tranh đấu, chỉ còn lại 2 chiếc Dassault Rafale và Eurofighter Typhoon (đều của châu Âu) đối đầu với nhau. Và người Ấn Độ đã quyết định lựa chọn Rafale.

Nhưng ngay sau đó, người Pháp đã phải hối hận về "chiến thắng" này: Những khó khăn và bất đồng nhiều tới mức gần như đã biến tiêm kích Rafale trở thành một kiểu tội đồ. Cuối cùng, số lượng các cỗ máy nói trên được Ấn Độ mua đã giảm xuống còn 36 chiếc.

Mặt khác, vì khó có thể gọi Dassault Rafale sản phẩm thành công về khía cạnh thương mại bởi tính đến thời điểm năm 2019, chỉ có hơn 170 chiếc tiêm kích loại này được xuất xưởng, thậm chí sản xuất vài chục chiếc này cũng là vấn đề không hề nhỏ đối với người Pháp.

Tiêm kích thế hệ 5 TQ bay vù vù - Ấn Độ khiến Pháp phải hối hận và Rafale là tội đồ - Ảnh 3.

Tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo.

Chú trọng vào nguồn nội lực?

Sự thay đổi về mặt gốc rễ trong chương trình MMRCA đã xảy ra ngay trong năm 2018, khi Lực lượng không quân Ấn Độ mở gói thầu mới để mua sắm 114 tiêm kích đa năng.

Dự án có giá trị gần 20 tỷ USD này, về bản chất, là việc tái khởi động chương trình MMRCA đã thất bại: Đôi khi người ta gọi nó một cách không chính thức là MMRCA 2.0.

Trước đó, Không quân Ấn Độ đã gửi thông tin yêu cầu sơ bộ (RFI) dài 72 trang tới các nhà cung cấp nước ngoài. Những ứng cử viên tiềm năng là biến thể mới của F-16, Boeing F/A-18E/F, Rafale, Eurofighter Typhoon, Gripen E, cũng như MiG-35 và Su-35 của Nga.

"Vết đen" đã xuất hiện không lâu trước khi những kết luận đầu tiên được đưa ra. Hôm 18/5/2020, tờ Defense Security Monitor đã thông báo rằng Ấn Độ dự định dừng mua 114 máy bay chiến đấu để chuyển sang các máy bay chiến đấu sản xuất trong nước HAL Tejas.

Dự án này là một chương trình riêng. Đó là chiếc tiêm kích hạng nhẹ, chẳng phải thế hệ thứ 4 cũng không phải thế hệ thứ 3, với khả năng mang 4 tấn vũ khí tương tự như các máy bay MiG-29 đời đầu và cũng chỉ có 8 giá treo vũ khí.

Có thể, dự án này quan trọng đối với sự phát triển của ngành chế tạo hàng không Ấn Độ, tuy nhiên chiếc máy bay mà từng cất cánh lần đầu tiên vào năm 2001 xa xôi mới chỉ được sản xuất với số lượng khiêm tốn vài chục chiếc, bao gồm 16 nguyên mẫu.

Ở mức độ ý tưởng, đã xảy ra điều mà các dự án quân sự châu Á thường gặp phải: Cỗ máy đã "kịp" lỗi thời từ rất lâu trước khi nó được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi người Ấn Độ đã quyết định không đặt cược vào nó. Mới đây, tư lệnh Không quân Ấn Độ, nguyên soái không quân Rakesh Kumar Singh Bhadauria đã thông báo rằng MMRCA 2.0 vẫn được triển khai.

"Dự án này thuộc dòng máy bay giống với Rafale, nhưng trong trường hợp này sẽ là sản phẩm Make in India, với sự gia tăng của các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, và sự hỗ trợ của khu vực tư nhân.

Tôi nghĩ rằng trong tương lai điều này sẽ phải mang tới những công nghệ cần thiết để hỗ trợ ngành chế tạo hàng không.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng phải có các máy bay thế hệ mới từ quan điểm những khả năng và các công nghệ, để chúng tôi có thể tiến lên phía trước", trang tin quân sự tổng hợp Bmpd trích dẫn lời tư lệnh Không quân Ấn Độ.

Tiêm kích thế hệ 5 TQ bay vù vù - Ấn Độ khiến Pháp phải hối hận và Rafale là tội đồ - Ảnh 5.

Tiêm kích MiG-35 do Nga chế tạo.

Nga có thể mời chào sản phẩm nào

Cơ hội thành công của Su-35, mà ban đầu thậm chí còn không lọt vào dự án MMRCA lần trước, là khá ít.

Theo lời tư lệnh Không quân Ấn Độ, cỗ máy không phù hợp với "dòng" máy bay này, và ngoài ra, so với chính Rafale, Su-35 cho đến nay vẫn chưa được trang bị radar mảng pha chủ động, hiện nó vẫn trung thành với radar N035 Irbis mảng pha bị động.

Chiếc tiêm kích mới MiG-35 của Nga có nhiều cơ hội hơn. Cỗ máy này, về ý tưởng rất giống với Dassault Rafale và sẽ lý tưởng nếu được trang bị trạm định vị radar Zhuk-A mảng pha chủ động.

Trong số những đặc điểm vượt trội khác của nó - đó là các trạm định vị quang điện tử tích hợp, khả năng bị phát hiện bằng radar nhỏ và chi phí vận hành thấp.

Tất cả điều đó không có nghĩa là MiG-35 "tốt hơn" Su-35S: Đơn giản là trong trường hợp này, trông nó có cơ hội thành công cao hơn. Gián tiếp, phía Ấn Độ thể hiện sự quan tâm đối với sản phẩm mới qua những sự kiện năm 2019.

Xin lưu ý rằng trong năm ngoái, các phi công Ấn Độ đã hai lần bay trên tiêm kích MiG-35 trong khuôn khổ Triển lãm hàng không MAKS 2019 được tổ chức ở thành phố Zhukovksy, ngoại ô Moscow, Nga.

Tiêm kích thế hệ 5 TQ bay vù vù - Ấn Độ khiến Pháp phải hối hận và Rafale là tội đồ - Ảnh 6.

Phi công Không quân Ấn Độ bay thử trên tiêm kích MiG-35 Nga.

"Nếu dựa vào tình hình kinh tế liên quan tới đại dịch CoViD-19, thì biến thể được nâng cấp toàn diện MiG-35 có tất cả những cơ hội để giành chiến thắng - chúng ta đề xuất các điều kiện có lợi nhất.

Hơn nữa, tôi tin rằng nếu không bị những vấn đề nội bộ (của phía Ấn Độ) cản trở, MiG-35 sẽ trở thành chiếc tiêm kích, mà cùng với Su-30MKI bảo vệ toàn bộ không phận của Ấn Độ trước mọi hành động xâm phạm", Phó giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, ông Constantin Makienko chia sẻ cách đây không lâu.

Tuy MiG-35 có chút ưu thế trước Su-35, nhưng thực tế so với những cỗ máy mới của phương Tây, trong trường hợp này, sự đánh giá trên trông có vẻ hơi vội vàng.

Hãy bắt đầu từ việc cả Rafale, lẫn Eurofighter Typhoon (thậm chí chưa đề cập tới các cỗ máy của Mỹ) được sản xuất hàng loạt với số lượng vài chục và thậm chí cả vài trăm chiếc, và được nhiều quốc gia trên thế giới vận hành trong nhiều năm.

Trong trường hợp liên quan tới MiG-35, thì mọi thứ lại trái ngược. Tại Diễn đàn ARMY-2018, Công ty MiG đã ký với Bộ Quốc phòng Nga bản hợp đồng cung cấp chỉ 6 chiếc MiG-35 đến năm 2023.

Còn trước đó khá lâu, Bộ Quốc phòng Nga đã đánh tiếng rằng họ sẽ ưu tiên các tiêm kích Su, điều hoàn toàn hợp lý trên quan điểm đồng nhất đội máy bay của Lực lượng không quân vũ trụ Nga. MiG cũng không nhận được sự quan tâm từ phía các nước khác.

Tất cả những yếu tố này, nhiều khả năng, đang khiến người Ấn Độ vốn mong muốn có được cỗ máy đã được kiểm chứng tốt hơn, cảm thấy lo ngại. Mặt khác, tình huống này hoàn toàn không có nghĩa là dấu chấm hết cho tiềm năng thương mại của MiG.

Trong một bản hợp đồng thế kỷ khác cũng trị giá tới hàng chục tỷ USD, Ấn Độ đã rút khỏi đề án máy bay tàng hình Su-57, còn hiện giờ không thể quyết định được làm thế nào để có tiêm kích thế hệ 5. Để tự sản xuất, sẽ tốn kém tới vài chục tỷ USD và nhiều năm lao động miệt mài.

Còn tại Trung Quốc, tiêm kích thế hệ 5 đang bay vù vù… điều giáng một cú tát đau vào sự kiêu căng của Ấn Độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại