Tiêm kích Su-57 cấp tốc rời khỏi Syria: Thử nghiệm thất bại?

Nam Đồng |

Thời gian Nga triển khai tiêm kích Su-57 tối tân tới Syria rồi vội vã rút về diễn ra trong khoảng thời gian ngắn đến không ngờ.

Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Sergei Shoigu cho biết, hai chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm tại Syria và được rút về nước.

"Biên đội máy bay đã ở đó một khoảng thời gian không dài, chỉ 2 ngày, trong đó đã tiến hành một số thử nghiệm bao gồm cả chiến đấu", ông Shoigu thông báo tại cuộc trả lời phỏng vấn hôm thứ năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết thêm: "Tôi có thể nói rằng các cuộc kiểm tra đã thành công, những chiếc phi cơ này đã trở về nhà cách đây một tuần".

Tiêm kích Su-57 cấp tốc rời khỏi Syria: Thử nghiệm thất bại? - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-57 của Không quân Nga

Nga cấp tốc rút tiêm kích Su-57 khỏi chiến trường Syria chắc chắn đã gây ra không ít hụt hẫng cho giới quan sát quân sự quốc tế, hầu hết các chuyên gia đều hy vọng rằng nó sẽ được triển khai ít nhiều trong nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, bảo vệ cho các máy bay cường kích làm nhiệm vụ, hoặc có thể tham gia oanh tạc mục tiêu mặt đất ở quy mô hạn chế.

Trước tiêm kích Su-57 đã có trường hợp tương tự đó là chiếc xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT, nó cũng chỉ có mặt tại Syria một thời gian rất ngắn dường như chủ yếu cho vai trò "quay phim chụp ảnh" mục đích "lên dây cót" tinh thần cho binh sĩ rồi lại quay trở về Nga.

Việc làm trên của giới quân sự Nga có thể xem như bước đi khá hợp lý vì dù sao chúng cũng là những vũ khí chưa hoàn thiện 100%, xuất hiện quá lâu ngoài chiến trường chưa chắc đã mang lại tác dụng mà còn có nguy cơ ngược lại nếu chẳng may chúng bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, việc rút Su-57 về sớm còn giúp nó tránh được "tai mắt" là những phương tiện trinh sát điện tử mà Mỹ và Israel bố trí dày đặc xung quanh, giảm thiểu mối nguy bị "lộ bài" quá sớm nhất là khi còn chưa bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

Tiêm kích Su-57 cấp tốc rời khỏi Syria: Thử nghiệm thất bại? - Ảnh 2.

Chiếc tiêm kích Su-57 đã có một "cuộc dạo chơi" ngắn ngủi ở Syria

Tuy vậy vẫn không thể không đặt ra nghi ngờ rằng chiếc Su-57 đã phát sinh một số lỗi kỹ thuật nào đó dẫn tới quyết định cấp tốc điều động trở lại, cần lưu ý thêm rằng động cơ của Su-57 mang tên "Sản phẩm 30" bị nghi ngờ là nguyên nhân chính khiến cho một mẫu thử T-50 phải hạ cánh khẩn cấp vào hôm 11/10/2017.

Khoảng thời gian vỏn vẹn 2 ngày rõ ràng là quá ngắn, khó mà đánh giá đầy đủ các khí tài tích hợp trên chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 này vì điều kiện chiến trường Syria là vô cùng phức tạp.

Hy vọng rằng sau vài ngày tới sẽ có thêm thông tin liên quan tới hoạt động của cặp Su-57 này tại Syria để đưa ra được cái nhìn chính xác nhất.

Hình ảnh ít ỏi về quãng thời gian có mặt tại Syria của tiêm kích tàng hình Su-57

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại