Liên tiếp những vụ tai nạn thảm khốc với Su-30MKI Ấn Độ
Các thống kê về tai nạn hàng không quân sự đều cho thấy Không quân Ấn Độ có tỷ lệ máy bay rơi thuộc hàng cao nhất thế giới. Đáng buồn thay, nhiều vụ tai nạn trong số đó lại rơi vào những loại tiêm kích hiện đại, đặc biệt là Su-30MKI - niềm tự hào của công nghiệp hàng không Nga-Ấn.
Ngày30/04/2009, trong chuyến bay huấn luyện thường kỳ, một chiếc tiêm kích Su-30MKI bị rơi ở Rajasthan, tiểu bang lớn nhất của Ấn Độ, khiến 1 trong 2 phi công thiệt mạng. Nguyên nhân của vụ tai nạn không được cơ quan điều tra tiết lộ.
Ngày 30/11/2009, một tiêm kích Su-30MKI rơi ở vùng Jathegaon, sau khi bị bốc cháy. Cả 2 phi công đều kịp thời nhảy dù thoát hiểm. Vụ tai nạn đã khiến Không quân Ấn Độ ra lệnh dừng bay đối với toàn bộ các tiêm kích Su-30MKI. Kết quả điều tra sau đó cho thấy có vật thể lạ lọt vào động cơ.
Tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ gặp tai nạn
Ngày 13/12/2011, một tiêm kích Su-30MKI khác bị rơi ở gần căn cứ Lohegaon gần như ngay sau khi cất cánh, 2 phi công nhảy dù an toàn. Những báo cáo ban đầu cho thấy hệ thống điều khiển fly-by-wire bị hỏng. Chỉ huy phi đội Gurkirat Singh Sohal, một phi công trên máy bay đã được trao tặng huân chương Dũng cảm Vayu Sena.
Ngày 19/02/2013, một chiếc tiêm kích Su-30MKI rơi ở trường bắn Pokhran trong khi tham gia các khoa mục huấn luyện của cuộc tập trận Iron Fist. Cánh phải của máy bay đột nhiên phát nổ sau khi vừa thực hiện xong bài bay huấn luyện, 2 phi công nhảy dù an toàn. Kết quả điều tra không được công bố.
Ngày 14/10/2014, 1 chiếc Su-30MKI bị rơi khi đang huấn luyện cũng ở gần căn cứ Lohegaon, 2 phi công nhảy dù an toàn. Điều tra cho thấy hệ thống phóng dù khẩn cấp trên chiếc tiêm kích này tự kích hoạt mà không hề có cảnh bảo. Toàn bộ Su-30MKI lại phải nằm sân một thời gian.
Ngày 15/03/2017, một Su-30MKI rơi ở Rajasthan, 2 phi công nhảy dù an toàn nhưng máy bay đâm xuống đất đã khiến 3 dân thường bị thương.
Ngày 23/05/2017, một chiếc Su-30MKI đâm xuống đất ở khu vực cách căn cứ không quân Tezpur's Salanbari chừng 60km, cả 2 phi công đều thiệt mạng.
Và vụ mới nhất xảy ra hôm 27/06/2018, một chiếc Su-30MKI bị tai nạn ở gần Nashik trong chuyến bay thử trước khi bàn giao cho Không quân Ấn Độ. Hai phi công thử nghiệm nhảy dù an toàn.
Đó là chưa tính tới vụ tai nạn đối với chiếc tiêm kích Su-30MKI (phiên bản thử nghiệm) mà Nga mang đi trình diễn tại Triển lãm hàng không Paris Airshow 1999. Nguyên nhân do phi công biểu diễn thao tác sai dẫn tới việc máy bay quệt xuống đất, bốc cháy, buộc phải nhảy dù. May mắn là cả 2 phi công này đều an toàn.
Như vậy, tính trong 10 năm qua, Không quân Ấn Độ đã mất trắng 8 chiếc tiêm kích Su-30MKI, tất cả đều bị phá hủy hoàn toàn bởi các vụ tai nạn nghiêm trọng, có 3 phi công thiệt mạng. Đây là tỷ lệ rơi phải nói là rất cao so với nhiều loại máy bay tiêm kích khác.
Tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ gặp tai nạn.
Tiêm kích Su-30MKI "năm cha ba mẹ": Ấn Độ trả giá đắt
Như đã nói ở trên, nguyên nhân của các vụ tai nạn đối với tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ hầu hết đều không được tiết lộ công khai, tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng ngoài lỗi của phi công thì dường như "năm cha ba mẹ" mới là nguyên nhân chính gây ra số vụ tai nạn cao kỷ lục.
Thật vậy, có lẽ trên thế giới chỉ có duy nhất tiêm kích Su-30MKI mới cấu thành từ nhiều linh kiện, khối linh kiện, vũ khí trang bị của nhiều quốc gia đến như thế.
Trên Su-30MKI có radar và các cảm biến tầm xa của Nga, hệ thống dẫn đường và màn hình hiển thị đa năng của hãng Thales, Pháp; còn hệ thống tác chiến điện tử, pod chỉ thị mục tiêu của Israel và cuối cùng là máy tính cùng hệ thống điện tử hàng không phụ trợ của Ấn Độ.
Tiêm kích Su-30MKI bay trình diễn. Ảnh: AP.
Chúng đã được tích hợp với nhau để tạo nên những chiếc tiêm kích Su-30MKI đầy uy lực và là niềm tự hào của Không quân và nền công nghiệp hàng không Ấn Độ, dưới sự hỗ trợ của Nga. Tuy nhiên, chính vì những cấu phần có xuất xứ từ nhiều nguồn nên khi hoạt động không phải lúc nào cũng trơn tru, và thế là tai nạn xảy ra.
Không chỉ dừng ở đó, chính xuất xứ "năm cha, ba mẹ" này đã khiến Ấn Độ "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông" lúng túng như gà mắc tóc. Mua thêm Su-30MKI phiên bản hiện tại thì không phải là giải pháp tốt bởi 10-20 năm nữa chúng đã trở nên lạc hậu.
Còn nâng cấp thì Nga làm được, thậm chí làm tốt, họ sẵn sàng biến Su-30MKI thành phiên bản Super Sukhoi (Super 30) với những tính năng tiệm cận tiêm kích tàng hình thế hệ 5. Một gói nâng cấp như vậy đã được Nga gửi tới chào cho Ấn Độ.
Hợp đồng nâng cấp đầu tiên đã được ký giữa 2 nước vào năm 2010, theo đó Nga sẽ nâng cấp 40 tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ lên chuẩn Super 30, trị giá tới 2 tỷ USD.
Tính ra, để nâng cấp mỗi chiếc máy bay này, Ấn Độ phải chi ra số tiền 50 triệu USD, gần bằng tiền mua 1 chiếc Su-30MKI mới theo đơn giá sản xuất của Hindustan. Quá đắt đỏ!
Để nâng cấp toàn bộ 272 chiếc Su-30MKI thì số tiền thật khủng khiếp, chỉ ít cũng phải tốn gần 14 tỷ USD, và hầu hết các khí tài trang bị trên nó lại phải sửa đổi theo chuẩn Nga để xóa cái gọi là "năm cha, ba mẹ".
Còn nếu Ấn Độ kêu gọi các bên Nga, Pháp, Israel cùng tham gia nâng cấp Su-30MKI thì cũng chưa chắc đã thành công, bởi để tích hợp các cấu phần có xuất xứ khác nhau lại đặt ra bài toán vô cùng phức tạp.
Nhận thấy rõ điều này, Không quân Ấn Độ mới báo cáo BQP nước này rằng "đừng mua Su-30MKI nữa" mà nên lựa chọn giải pháp khác đó là mua máy bay hoàn toàn mới. Nhưng buồn thay, gói thầu khổng lồ trị giá hàng chục tỷ USD vẫn giậm chân tại chỗ.
Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ trình diễn tính năng