Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây trên Sputnik, nhà báo, nhà bình luận ngoại giao và quan sát quân sự Rakesh Krishnan Simha đã đưa ra một thông tin thú vị đó là:
"Không quân Pakistan tiến hành tấn công một sở chỉ huy cấp lữ đoàn của Ấn Độ bằng các tiêm kích F-16 nhưng đã bị đánh chặn bởi MiG-21 dưới sự bảo vệ của Su-30MKI. Một chiếc F-16 của Pakistan đã bị bắn rơi".
Nếu thông tin này được xác thực thì có thể lý giải một cách dễ dàng tại sao "quan tài bay" MiG-21 Bison lại có thể dễ dàng bắn hạ F-16 đến như vậy, bất chấp chúng khác biệt về thế hệ.
Thực vậy, dù đã qua nâng cấp lên chuẩn MiG-21 Bison nhưng rõ ràng so với F-16 thì những chiếc MiG thế hệ 3++ vẫn khó có cửa ăn miếng trả miếng sòng phẳng đối với dòng tiêm kích thế hệ 4 thực thụ.
Tiêm kích MiG-21 của Không quân Ấn Độ.
MiG-21 Bison hiện đại hay không hiện đại?
Chương trình hiện đại hóa của Không quân Ấn Độ gặp nhiều trở ngại lớn. Vấn đề ở chỗ không phải là họ thiếu tiền mà vì họ không đưa ra được định hướng rõ ràng về những loại máy bay tiêm kích tương lai nên mục tiêu duy trì số phi đội không quân chiến đấu đã liên tục bị thất bại.
Đã thế, máy bay mới thì chưa có, trong khi máy bay đang trong biên chế lại đang ngày càng cũ đi và điều này là một trong những nguyên nhân chính gây ra những tai nạn thảm khốc do lỗi kỹ thuật đối với MiG-21, MiG-23 và MiG-27. Trong đó MiG-21 bị mệnh danh là "quan tài bay", cướp đi mạng sống của nhiều phi công Ấn Độ.
Vì thế, cuối những năm 1990, trong tình thế "đặng chẳng đừng", Không quân Ấn Độ đã quyết định nâng cấp ít nhất 125 chiếc MiG-21 của mình lên chuẩn MiG-21 Bison dưới sự trợ giúp của Nga.
Gói nâng cấp đã "lột xác" hoàn toàn loại máy bay huyền thoại, đưa nó trở thành tiêm kích tương đối hiện đại khi được trang bị radar Kopyo với tầm trinh sát bán cầu trước đến 57km, theo dõi mục tiêu có diện tích phản xạ radar cỡ 3m2 từ cự ly 45km và có khả năng theo dõi được 10 mục tiêu cùng lúc và điều khiển cho tối đa 2 tên lửa tiêu diệt 2 mục tiêu đồng thời.
MiG-21 Bison của Không quân Ấn Độ có thể mang được tên lửa R-77 (RVV-AE)
Nhưng dù qua nâng cấp với hệ thống điện tử hàng không mới, MiG-21 Bison vẫn không phát huy được tối ta hiệu quả của vũ khí hiện đại có trong trang bị do tầm trinh sát của radar còn ngắn hơn cả tầm bắn tối đa 80km của tên lửa R-77 (RVV-AE).
Tuy vậy, MiG-21 Bison vẫn thực sự là sát thủ trên không nhờ phi công được trang bị mũ bay tích hợp HMS để sử dụng tên lửa R-73 tầm gần (tối đa 30km) theo kiểu "nhìn đâu trúng đấy".
Và muốn bắn hạ đối phương là tiêm kích thế hệ 4 như F-16 thì MiG-21 Bison vẫn cần có người hỗ trợ.
Su-30MKI Ấn Độ xuất chiêu, F-16 Pakistan bị đo ván: Xứng tầm anh tài
Như đã nói ở trên, tầm trinh sát tối đa của tiêm kích MiG-21 Bison ở bán cầu trước chỉ là 57km, thua xa so với chỉ số 160km của F-16A/B Block 15 của Pakistan, do vậy nếu hai loại máy bay này không chiến với nhau thì phần thua thiệt vẫn là máy bay của Ấn Độ.
Nhưng "quan tài bay" của Ấn Độ đã làm nên điều thần kỳ, hạ đo ván F-16 Pakistan, cho dù cũng có 1 MiG-21 bị bắn hạ. Tỷ số được cho là 1:1, 2 bên đều "ăn được" của nhau một chiếc tiêm kích thực thụ, còn chiếc Mi-17V-5 bị rơi không được tính, cho dù nó có thể là đã bị trúng tên lửa từ máy bay F-16.
Tiêm kích Su-30MKI thực hành tiếp dầu trên không.
Su-30MKI đã làm tốt nhiệm vụ CAP (tuần tra chiến đấu trên không), tuy vậy chúng không thực sự tham chiến mà thực hiện vai trò là "mắt thần trên không"dẫn hướng cho lực lượng xung kích là các MiG-21 Bison chọn hướng tiếp cận có lợi để tiến vào đủ tầm hiệu quả của radar cơ hữu điều khiển đạn tên lửa (có thể là loại R-73 tầm nhiệt) hạ gục F-16.
Radar NIIP N011M Bars trên Su-30MKI có thể phát hiện các mục tiêu, kể cả mục tiêu cỡ nhỏ như tên lửa hành trình và trực thăng bay treo với cự ly trinh sát tới 400km và có thể bám sát mục tiêu ở cự ly tối đa 200km ở bán cầu trước và 60km ở bán cầu sau, có thể theo dõi 15 mục tiêu trên không và xạ kích vào 4 mục tiêu đồng thời.
Radar của Su-30MKI có tầm phát hiện mục tiêu gấp hơn 2 lần so với của F-16 Pakistan do vậy không lý gì mà chúng không phát hiện ra đối phương sớm hơn để chỉ thị cho MiG-21 Bison đột kích bất ngờ và phóng đạn và F-16 Pakistan bị bắn rơi là chuyện không có gì khó hiểu.
Ngoài ra, chính dữ liệu radar của Su-30MKI đã ghi lại toàn bộ diễn biến trận đánh một cách chính xác để Không quân Ấn Độ có cơ sở chắc chắn để khẳng định F-16 Pakistan trúng đạn, đam xuống đất và biến mất khỏi màn hình.
Có thể nói mặc dù không trực tiếp lập công nhưng rõ ràng Su-30MKI đã gián tiếp góp phần vào việc trợ giúp cho "ông lão" MiG-21 hạ đo ván F-16 Pakistan, phần nào thể hiện sức mạnh của "ông ba mươi" khiến nhiều quốc gia trên thế giới lùng mua và phải khiến Nga - quốc gia chế tạo ra chính nó để phát triển phiên bản Su-30SM trang bị cho chính không quân của mình,