Bức ảnh chiếc máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi MiG-35UB, được chế tạo tại Nhà máy Hàng không Lukhovitsky (một Công ty con của Tập đoàn chế tạo máy bay MiG của Nga gần Thủ đô Moscow) đã được công bố. Điều này có nghĩa là công tác thử nghiệm nhà máy của loại máy bay này sắp kết thúc.
Tất cả đã sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt
Vào cuối năm 2016, hai nguyên mẫu đầu tiên của phiên bản MiG-35 đã được chế tạo tại Nhà máy Lukhovitsy dùng để tiến hành thử nghiệm cấp nhà máy.
Năm 2017, Tập đoàn MiG đã chế tạo thêm 4 mẫu máy bay loại này để tiếp tục thử nghiệm, trong đó có 1 chiếc loại 2 chỗ ngồi MiG-35UB Spark để dùng cho huấn luyện phi công. Năm 2018, những thử nghiệm với các mẫu MiG-35 trên vẫn được tiếp tục (cả phiên bản một và 2 chỗ ngồi).
Tuy nhiên, việc thử nghiệm bay theo đội hình phải đến đầu năm nay mới xuất hiện. Các bài kiểm tra sẽ chỉ được hoàn thành khi cả bốn mẫu chế thử đáp ứng tất cả các yêu cầu của nhà sản xuất.
Theo kế hoạch, thời gian chỉnh sửa lỗi kỹ thuật sẽ kết thúc vào cuối năm 2019. Sau khi kết thúc thử nghiệm nhà máy, các bài kiểm tra nhà nước sẽ được tổ chức tại Viện nghiên cứu hàng không Gromov ở Zhukovsky (gần Thủ đô Moscow).
Khi kết thúc các bài kiểm tra cấp nhà nước, việc sản xuất hàng loạt MiG-35 sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, việc có tiếp tục mua sắm loại máy bay này hay không của Bộ Quốc phòng Nga đang chờ sự thành công của đợt thử nghiệm cấp nhà nước tới đây?
Trước hết, Bộ quốc phòng Nga đã có một hợp đồng mua 6 chiếc máy bay loại này với mục đích thử nghiệm. Trong Chương trình mua sắm vũ khí nhà nước đến năm 2027 (SAP-2027), Bộ Quốc phòng Nga, mặc dù đã lên kế hoạch mua 24 chiếc MiG-35, nhưng hợp đồng cụ thể về vấn đề này chưa được ký kết. Có lẽ đây vẫn là một tin tốt cho loại máy bay nhiều kỳ vọng này.
Nếu chỉ sản xuất với số lượng hạn chế như vậy, giá thành sản xuất loạt của MiG-35 chắc chắn sẽ rất đắt đỏ dù theo nhà sản xuất MiG, chi phí vận hành của MiG-35 cũng giảm so với các loại máy bay khác, cụ thể là loại tiền nhiệm của nó là MiG-29.
Hiện tại theo báo giá của nhà sản xuất, giá MiG-35 không hề rẻ, nó thấp hơn không nhiều so với loại Su-35S hạng nặng (khoảng 60 triệu USD/ chiếc). Nhà sản xuất hy vọng Bộ Quốc phòng Nga sẽ là khách hàng lớn nhất mua MiG-35.
Máy bay chiến đấu MiG-35
Số phận MiG-35 sẽ đi về đâu?
Hiện nay số lượng máy bay chiến đấu hạng nhẹ của Quân đội Nga chỉ còn 125 chiếc MiG-29 được chế tạo từ thời Liên Xô. Dù được nâng cấp nhưng số MiG-29 này cũng đã gần hết niên hạn sử dụng và đang phải rút dần ra khỏi biên chế.
Như vậy ngay từ bây giờ, quân đội Nga phải có kế hoạch thay thế bằng loại máy bay chiến đấu hiện đại hơn và ứng viên thay thế MiG-29 không có loại nào ưu việt hơn MiG-35.
Hiện tại Bộ Quốc phòng Nga đang có ý kiến trái chiều về vấn đề này, đa số không tán thành mua MiG-35. Nếu điều này trở thành sự thật thì rất có thể Nga sẽ trở thành cường quốc quân sự duy nhất trên thế giới không biên chế máy bay chiến đấu hạng nhẹ.
Theo học thuyết quân sự của Nga hiện nay, số lượng máy bay chiến đấu hạng nặng phải có số lượng nhiều hơn gấp đôi số máy bay chiến đấu hạng nhẹ; số lượng máy bay chiến đấu hạng nặng của Nga hiện nay gồm các loại Su-27/30/35 và tương lai là Su-57.
Nếu một cuộc chiến tổng lực xảy ra, theo lý thuyết, loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ sẽ dễ dàng được bù đắp hơn về số lượng bị hao hụt chiến đấu. Do vậy, không phải là vô căn cứ khi Mỹ rất chú ý đến duy trì lực lượng máy bay đa năng hạng nhẹ F-16 trong nhiều năm nữa, trước khi được thay thế hoàn toàn bởi loại máy bay hạng nhẹ khác là F-35.
Theo quan điểm của cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga - Rosoboronexport, MiG-35 có tiềm năng xuất khẩu cao, trong triển lãm hàng không vũ trụ MAKS-2017, 29 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến MiG-35. MiG-35 cũng có triển vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu mang tính bước ngoặt của Ấn Độ để mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ tới đây.
Vào năm 2010, MiG-35 khi đó còn là sản phẩm thô, được lắp động cơ đời cũ và radar lạc hậu, chưa hoàn thành các thử nghiệm nên đã thất bại trong gói thầu mua sắm 126 máy bay chiến đấu của không quân Ấn Độ. Đây là gáo nước lạnh giội vào tham vọng của Nga khi họ muốn giành được hợp đồng béo bở của Ấn Độ mà vội vàng "đốt cháy giai đoạn" phát triển và thử nghiệm.
Tên lửa treo dưới cánh MiG-35
MiG-35 có thực sự là "phiên bản" lột xác?
Hiện tại MiG-35 đã sẵn sàng ở mức tốt nhất và thực sự là màn lột xác. Ngoài những ưu điểm được kế thừa từ người anh MiG-29, MiG-35 được trang bị một hệ thống điện tử hoàn toàn mới thuộc thế hệ 4++; cùng với đó là nhiều công nghệ của máy bay thế hệ 5 cũng được trang bị trên MiG-35.
Ví dụ như Zhuk-A là loại radar mảng pha điện tử chủ động (EASA), có thể phát hiện máy bay chiến đấu ở khoảng cách đến 200 km và tàu chiến từ cách 300 km, độ phân giải khi lập bản đồ khu vực là 1m x 1m; Zhuk-A đồng thời bám bắt đến 30 mục tiêu và dẫn bắn 10 mục tiêu nguy hiểm nhất; radar hoạt động theo nguyên lý nhảy tần, nên có khả năng chống chế áp điện tử tốt.
Động cơ RD-33MK cũng là sự cải tiến lớn, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về động cơ cho máy bay thế hệ thứ tư. Động cơ sử dụng phương pháp đánh lửa plasma, cũng như hệ thống điều khiển kỹ thuật số hoàn toàn để tối ưu hóa tất cả các chế độ hoạt động.
Động cơ mới cho lực đẩy lên tới 9.400 kgf ở chế độ đốt sau, cùng với đó là mức tiêu thụ nhiên liệu cũng giảm. Ngoài ra động cơ còn sử dụng vòi phun vecto điều chỉnh 3 chiều (3D) theo yêu cầu của khách hàng, giúp máy bay có khả năng siêu cơ động.
Ngoài trang bị radar mới, nhà sản xuất MiG còn trang bị thêm thiết bị trinh sát quang điện tử và quan sát ảnh nhiệt giúp phi công có thể quan sát và tiến công hiệu quả hơn các mục tiêu mặt đất, mặt biển.
MiG-35 được trang bị hệ thống phòng thủ mạnh mẽ, bao gồm các tổ hợp mồi bẫy, tác chiến điện tử, phương tiện chế áp tên lửa của đối phương. Thiết bị liên lạc cho phép biến MiG-35 thành máy bay chỉ huy trên không, thực hiện chức năng chỉ huy nhóm trong chiến đấu.
Radar Zhuk-A lắp trên MiG-35
Hệ thống điện tử hàng không của MiG-35 có kiến trúc mở, giúp đơn giản hóa tối đa việc kết nối thiết bị mới mà không cần dùng đến phần mềm cài đặt và sửa lỗi, đồng thời dễ dàng nâng cấp trong tương lai.
Lớp sơn phủ đặc biệt giúp MiG-35 giảm đáng kể mức độ phản xạ radar cũng như bức xạ nhiệt của máy bay (mức độ phản xạ radar khoảng 1 m2). Mặc dù vẫn giữ hình dáng cổ điển, nhưng MiG-35 trên bầu trời gần như vô hình trước radar đối phương.
Trên thực tế, MiG-35 không còn là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nó phải xếp vào loại máy bay chiến đấu cỡ trung bình.
Tải trọng vũ khí của MiG-35 đạt 6,5 tấn bao gồm các loại bom có và không điều khiển; tên lửa không đối không, đối đất và đối hải, được gắn trên 10 giá treo dưới cánh. Ngoài bom và tên lửa, MiG-35 còn được trang bị một pháo hàng không 30mm GSh-30-1 với cơ số đạn 150 viên, chuyên sử dụng trong cận chiến.
Về khả năng tải trọng vũ khí, hiện nay MiG-35 chỉ kém Su-35, tuy nhiên MiG-35 nhẹ và có khả năng cơ động tốt hơn Su-35, tốc độ leo cao lớn hơn Su-35 đến 50m/s (330 m/s của MiG-35 và 280 m/s của Su-35) và độ quá tải tối đa của MiG-35 là 10g còn của Su-35 chỉ là 9g.
Đối với hệ thống điện tử hàng không, cả hai máy bay đều trang bị loại mới nhất, radar của MiG-35 thậm chí còn tốt hơn so với Su-35S.
Những tính năng thể hiện "sức mạnh" như tầm hoạt động, trần bay, khả năng tiến công các mục tiêu trên không, mặt đất, số vũ khí mang theo, thì Su-35 cao hơn nhưng đó cũng là điều dễ hiểu bởi vì Su-35 là loại máy bay chiến đấu hạng nặng.
Nhưng số phận vẫn long đong?
Tình hình tiếp tục khó khăn là do mức giá khá cao của MiG-35. Trong thời gian qua, các nguồn lực quốc phòng của Nga đã được tập trung đầu tư cho Su-57 và nâng cấp các tiêm kích hạng nặng hiện có như Su-30M2, Su-30SM và Su-35S cho nên hy vọng được trang bị hàng loạt với MiG-35 là không nhiều.
Bên cạnh đó là thái độ của Bộ Quốc phòng Nga: Trong những năm qua, Văn phòng MiG không còn được ưu ái như dưới thời Liên Xô. Có vẻ như đã có một chiến dịch ngầm, được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Văn phòng thiết kế Sukhoi, nhằm hạ thấp vai trò và làm mất uy tín của MiG-35.
Cùng với đó là sự bất ổn tài chính và các vụ bê bối tham ô quy mô lớn trong Công ty 10 năm qua, đây cũng là một đòn giáng vào uy tín của đội ngũ nhân viên Văn phòng thiết kế MiG.
Kết cục của cuộc đối đầu giữa hai Văn phòng Su và MiG đang diễn ra không có lợi cho MiG-35. Khách hàng đặt câu hỏi tại sao lại phải bỏ tiền ra mua một chiếc tiêm kích hạng nặng đắt chẳng kém gì Su-30 trong khi tính năng kỹ chiến thuật lại kém hơn?
Sẽ rất khó tìm được khách hàng cho MiG-35 khi chính quốc gia sản xuất ra MiG-35 cũng không mặn mà với việc trang bị chúng. Đây là lý do khiến cho chiếc máy bay này đến nay vẫn chưa thoát khỏi vận long đong; mặc dù MiG-35 là máy bay chiến đấu hiện đại và mọi điều kiện sản xuất loạt đã sẵn sàng./.
MiG-35, tiêm kích thế hệ 4++ của Nga phô diễn sức mạnh