Triển vọng cực lớn...
Cụ thể, ông Ilya Tarasenko cho biết Công ty của mình sẽ sớm đệ trình một bản đề xuất chi tiết tới Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Modi về việc bán thêm nhiều tiêm kích MiG-29K và sẵn sàng chuyển giao công nghệ để sản xuất dòng máy bay chiến đấu hiện đại này ngay tại nước sở tại, qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ bạn hàng thân thiết với Ấn Độ.
Hồi tháng 1 năm nay, Hải quân Ấn Độ đã bắt đầu phát động các công đoạn của việc triển khai chương trình đặt mua 57 tiêm kích đa năng cho các tàu sân bay của mình, trong đó họ đã phát hành thư mời bày tỏ quan tâm (RFI), gửi tới các hãng chế tạo máy bay tiêm kích hàng đầu trên thế giới.
Hợp đồng mua máy bay tiêm kích mới có thể lên tới nhiều tỷ USD của Hải quân Ấn Độ đã khiến MiG - nhà chế tạo chiến đấu cơ hàng đầu của Nga hết sức quan tâm và sẽ dồn mọi nỗ lực để giành được gói thầu cực kỳ quan trọng này.
Bởi lẽ, nếu thắng, MiG sẽ chính thức thoát khỏi giai đoạn bĩ cực do có quá ít hợp đồng đặt mua máy bay mới, kể cả đơn hàng từ chính "người nhà" - Bộ Quốc phòng Nga.
TGĐ MiG nhấn mạnh, họ sẽ đệ trình bản đề xuất chi tiết trong đó nói rõ rằng sẽ không ngần ngại chuyển giao công nghệ và thành lập liên doanh phát triển tiêm kích MiG-29K với các công ty Ấn Độ.
Tiêm kích MiG-29K (phiên bản huấn luyện MiG-29KUB 2 người lái) trên tàu sân bay của Ấn Độ
"Chúng tôi đang cân nhắc rất nhiều phương án để tranh thủ hiện thực hóa triển vọng hợp tác rất lớn, bao gồm cả việc tham gia sâu vào Chương trình "Make in India" do Thủ tướng Ấn Độ Modi phát động, kích thích sản xuất trong nước, nhất là nội địa hóa vũ khí hiện đại", ông Tarasenko tuyên bố trong một bài trả lời phỏng vấn của Hãng tin PTI (Ấn Độ).
... nhưng thách thức không nhỏ
Hiện nay, có tới 6 loại tiêm kích đa năng là ứng viên cực mạnh, canh tranh quyết liệt với nhau để giành được cơ hội biên chế cho tàu sân bay Ấn Độ gồm: Rafale (Dassault, Pháp), F-18 Super Hornet (Boeing, Mỹ), MiG-29K (Nga), F-35B và F-35C (Lockheed Martin, Mỹ) và Gripen (Saab, Thụy Điển).
Trong số đó, chỉ có F-18, Rafale và MIG-29K là tiêm kích 2 động cơ, ba ứng viên còn lại đều là tiêm kích 1 động cơ.
Ông Tarasenko tuyên bố MiG đã có truyền thống hợp tác tốt đẹp với các lực lượng vũ trang Ấn Độ từ hơn 50 năm qua khi cung cấp nhiều máy bay cũng như dịch vụ sau bán hàng giành cho quốc gia Nam Á này. Ông tin rằng, MiG sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mẽ mối quan hệ mật thiết với Ấn Độ.
Tiêm kích MiG-29 của Hải quân Ấn Độ.
Nga là một trong những nhà cung cấp vũ khí và đạn dược quan trọng cho Ấn Độ. Đặc biệt, trong chuyến thăm của (nguyên) Bộ trưởng BQP Ấn Độ Arun Jaitley tới Nga hồi tháng 6, hai bên đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc đàm phán về chuyển giao công nghệ và thành lập các liên doanh để phát triển những loại vũ khí trang bị tiên tiến.
"MiG-29K là lựa chọn tốt nhất cho Hải quân Ấn Độ", ông Tarasenko tuyên bố. Hiệu quả tuyệt với của dòng tiêm kích tàu sân bay đa năng này đã được chứng minh khi chúng xuất kích từ tàu sân bay Kuznetsov tấn công tiêu diệt chính xác các mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Ông nói rằng các máy bay MiG-29K biên chế trên tàu sân bay INS Vikramaditya hiện đang tham gia cuộc tập trận chung giữa hải quân Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản và đã giành được sự thán phục của các binh sĩ nước ngoài nhờ những ưu thế vượt trội về kỹ - chiến thuật so với tiêm kích F/A-18 của Boeing.
"Thêm vào đó, MiG-29K đã hoạt động hiệu quả trong thực chiến khi cùng các lực lượng của Hải quân Nga tiến hành các cuộc tấn công từ biển Địa Trung Hải vào các vị trí của IS ở Syria hồi năm 2016.
Đng thời, từ chính chiến trường khốc liệt này, nhiều kinh nghiệm tác chiến đặc biệt, độc đáo đã được Không quân Hải quân Nga tích lũy, nếu được truyền thụ, các phi công Ấn Độ sẽ có được những điều kiện chiến đấu tốt nhất".