Chiếc máy bay tiêm kích MiG-29K trên hạm đã rơi xuống biển sau khi cất cánh từ tàu sân bay Kuznetsov của Nga. Chiếc hàng không mẫu hạm này đang triển khai hoạt động tuần tra chiến đấu gần lãnh hải của Syria trên Địa Trung Hải. Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận sự cố này và cho biết rằng, nguyên nhân chính là do lỗi kỹ thuật.
Căn cứ vào những thông tin được công bố, không có thiệt hại về người, viên phi công kịp bung dù thoát hiểm và được trực thăng cứu hộ tìm đón thành công. Theo một trong những giả thiết đưa ra, chiếc tiêm kích bất ngờ rơi khi vừa cất cánh, một giả thiết khác – vụ tai nạn xảy ra lúc chiếc máy bay này quay trở về tàu sân bay sau khi kết thúc nhiệm vụ chiến đấu.
Theo thông tin của Tạp chí Combat Aircraft, đó là chiếc tiêm kích huấn luyện 2 chỗ ngồi MiG-29KUB, và tổng cộng chỉ có 2 chiếc trên tàu sân bay Kuznetsov.
Các phương tiện truyền thông nước ngoài ngay lập tức đề cập tới khả năng thời điểm tấn công của liên quân Nga-Syria nhằm vào các phiến quân bị bao vây ở Aleppo sẽ thay đổi sau khi vụ tai nạn này xảy ra.
Để đánh giá sự việc này, cần phải hiểu như sau:
1. Biên đội tàu chiến dưới sự dẫn đầu của "Đô đốc Kuznetzov" được cử tới lãnh hải Syria để kiểm tra khả năng tác chiến của biên đội, triển khai công tác huấn luyện và phối hợp giữa các lực lượng trong điều kiện chiến đấu.
Bên cạnh đó, cũng xác định tương lai của lực lượng tàu sân bay trong thành phần hạm đội hải quân Nga và những nhiệm vụ đặt ra đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Bởi vì, để hỗ trợ một cách tích cực cho chiến dịch tại Aleppo, nếu cần thiết, Nga chỉ cần cử tới đây 2 trung đoàn Không quân là đủ.
Tiêm kích MiG-29KUB trên tàu sân bay Kuznetsov.
2. Có thể thấy, đây là các máy bay mới nâng cấp, được trang bị hệ thống định vị sóng và những thiết bị điện tử do Nga phối hợp với Ấn Độ nghiên cứu chế tạo.
Bên cạnh đó, Trung đoàn không quân tàu sân bay Kuznetsov vừa mới được thành lập vào tháng 2/2016, và các phi công chưa kịp làm quen với các máy bay chiến đấu mới.
Lấy ví dụ, người Anh phải lên kế hoạch "thuê" các phi công Mỹ lái các máy bay trang bị cho tàu sân bay của mình vì những phi công của họ không thể vượt qua được các kỳ sát hạch.
3. Mức độ thiệt hại của quân đội Nga tại cuộc xung đột Syria trong vòng 1 năm qua rất thấp, và không chỉ trong quá trình chiến đấu mà còn do những vấn đề về kỹ thuật.
Tuy nhiên, không nên quên rằng, một số vụ tai nạn đã từng xảy ra trên chiếc tàu sân bay Kuznetsov. Theo hãng thông tấn TASS (Nga), đây là vụ tai nạn thứ 3 có sự tham gia của các máy bay trong phi đội tiêm kích trang bị cho tàu sân bay này.
Hôm 18/10/2004, tại khu vực phía đông bắc Đại Tây Dương, chiếc máy bay huấn luyện Su-25UTG đã hạ cánh cứng trên mặt tàu sân bay. Vụ tai nạn đã khiến cho chiếc máy bay này bị gẫy càng phải và trượt gần 90m trên mặt tàu.
Phi công không hề hấn gì, tuy nhiên bề mặt chống nhiệt phả ra từ các động cơ phản lực máy bay của mặt tàu sân bay bị hư hỏng. Hậu quả của vụ tai nạn đã nhanh chóng được khắc phục, không có ai bị thương.
Còn hôm 5/9/2005 (lần thứ 2 trong lịch sử của "Đô đốc Kuznetzov"), trong khuôn khổ chuyến bay huấn luyện tại khu vực bắc Đại Tây Dương, chiếc tiêm kích Su-33 trang bị cho tàu sân bay đã văng ra khỏi mặt tàu và rơi xuống biển do dây hãm tốc độ trên tàu bất ngờ bị đứt trong lúc máy bay hạ cánh.
May mắn là viên phi công điều khiển máy bay không bị thương. Người ta đã phải dùng ngư lôi ngầm để phá hủy chiếc máy bay này bởi vì nó được trang bị các thiết bị điện tử bí mật.