Năm 1986, Syria đã được Liên Xô viện trợ 24 chiếc máy bay tiêm kích MiG-29. Việc chuyển giao được bắt đầu từ năm 1987. Ngoài ra nước này cũng đặt mua một số lượng khác từ Liên Xô, ước tính tổng cộng vào khoảng hơn 40 chiếc.
Trong cuộc xung đột ở Syria, người ta rất ít khi thấy MiG-29 tham chiến, kể cả trong tuần tiễu đánh chặn trên không lẫn sử dụng vũ khí không đối đất để tiêu diệt các nhóm phiến quân, khủng bố.
Số lần người ta ghi lại được hình ảnh MiG-29 xuất hiện rất ít ỏi, thay vào đó chủ yếu là các máy bay cũ hơn là Su-22, MiG-21, MiG-23 và thậm chí là cả máy bay huấn luyện L-39.
Một số nguồn tin cho rằng Nga đã nâng cấp một số lượng nhất định MiG-29 lên chuẩn MiG-29SM.
Đây là phiên bản dành riêng cho Syria với radar mới N019ME có tầm phát hiện 80km đối với mục tiêu có diện tích phản xạ radar cỡ 3m2 và tới 91km đối với mục tiêu cỡ 5m2 ở chế độ quét bán cầu trước, khóa và tấn công 2 mục tiêu đồng thời.
Loại radar này còn có thể dẫn bắn được các loại tên lửa không đối không tầm trung R-27ER1, R-27ET1 (T1) với đầu dò chủ động và đầu dò hồng ngoại cũng như tên lửa RVV-AE đời mới sử dụng đầu dò radar chủ động.
Hồi tháng 10-2018, một số hình ảnh cho thấy MiG-29 nâng cấp đã lộ diện ở trong tình trạng trực sẵn sàng chiến đấu cùng với tên lửa RVV-AE "sát thủ".
Với tên lửa RVV-AE (NATO định danh AA-12 Adder), loại vũ khí tiêu chuẩn cho tiêm kích tàng hình Su-57 thế hệ 5 của Nga, MiG-29 Syria chúng có thể hạ gục các mục tiêu phương tiện bay có tốc độ đến 3.600 km/h trên độ cao từ 20 m đến 25 km.
Dù mang trong mình những nâng cấp đáng nể nhưng cho đến nay MiG-29 vẫn rất ít khi bay thị uy chứ chưa nó tới việc tham chiến.
Không ít ý kiến cho rằng với năng lực hiện tại, MiG-29 Syria đủ sức đối đầu với tiêm kích F-16 của Israel.
Trong khi đó Israel đang ngày càng tăng cường các cuộc tấn công vào Syria. Rất khó hiểu khi cả vũ khí phòng không mạnh nhất là S-300 và tiêm kích mạnh nhất MiG-29 đều "im lìm lặng lẽ".
Giới quan sát nhận định, MiG-29 hiện tại vẫn là dòng quốc bảo của Syria, vì thế họ giữ lại cho những trận chiến quan trọng hơn, hiện không cho tham chiến, tránh việc bị đối phương bắn hạ.
Không quân Israel ngoài chiến đấu cơ F-16, họ còn có chiến đấu cơ F-15 và đặc biệt là F-35 với khả năng không chiến cực mạnh, cho MiG-29 tham chiến không khác nào hành động tự sát.
Mặt khác do thiếu thốn kinh phí nên việc huấn luyện cho phi công cũng như duy trì linh kiện thay thế cho MiG-29 đang rất hạn chế, đó là nguyên do khiến phi đội MiG-29 sẵn sàng hoạt động ngày càng ít đi.
Cuối cùng quân đội Syria vẫn chủ yếu tấn công phiến quân nên họ dùng các loại máy bay cường kích như Su-22 và L-39 sẽ hiệu quả hơn.
Đó là một số nguyên do khiến dòng chiến đấu cơ mạnh nhất Syria tiếp tục "nằm đất" trong cuộc nội chiến đang diễn ra hiện nay.