Máy bay tàng hình của Iran chỉ là "hổ giấy", hay chính xác hơn là "hổ nhựa"?
Trong 40 năm qua, mặc dù bị phương Tây cấm vận gay gắt, nhưng Iran vẫn duy trì hoạt động phi đội máy bay chiến đấu F-4 Phantom và F-14 Tomcat do Mỹ chế tạo (đặc biệt là 9 năm chiến tranh trên không cường độ cao với Iraq) mặc dù đã bị cắt đứt nguồn cung phụ tùng.
Không dừng lại ở việc bảo trì, họ còn tân trang lại những chiếc máy bay chiến đấu F-5 Freedom Fighter cũ thành máy bay chiến đấu Saeqeh hai động cơ, làm ngạc nhiên giới chuyên gia hàng không thế giới.
Iran cũng chế tạo thành công động cơ phản lực J85, thành tựu ít quốc gia có thể làm được và họ cũng sản xuất được nhiều loại máy bay không người lái tương đối hiện đại.
Buồng lái chiếc Qaher-313 quá nhỏ cho một người có hình dáng bình thường
Nhưng tất cả những thành tựu trên cũng không thể khẳng định Iran đã thành công trong việc chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Đơn cử một cường quốc về công nghiệp hàng không là Nga, chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 đầu tiên Su-57 của họ liên tục trễ hẹn vì chi phí và thách thức kỹ thuật khó có thể vượt qua.
Nhiều quốc gia có tiềm lực cả về kinh tế và công nghệ từ Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ hay Nhật Bản mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển. Liệu Tehran có khiến cả thế giới tin rằng họ đã âm thầm phát triển máy bay tàng hình của riêng của họ?
Ngày 2/2/2013 tại Lễ kỷ niệm 34 năm ngày Cách mạng Hồi giáo của Iran thành công, Quân đội Iran đã công bố mô hình máy bay tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của họ, Qaher-313 "Kẻ chinh phục". Buổi lễ có Tổng thống Iran khi đó là ông Ahmadinejad tham dự.
Tiêm kích Qaher-313 có hình dáng rất "ngầu", được thiết kế trên khung sườn của chiếc F-5 Freedom Fighter, nhưng đã được sửa đổi để có hình dáng khí động học của chiếc F-22 Raptor.
Đôi cánh Qaher-313 gợi nhớ đến tiêm kích MiG-17 của Liên Xô được thiết kế vào thập niên 1950, đôi cánh trên mũi máy bay dường như được vay mượn từ thiết kế của chiếc Dassault Rafale của Pháp.
Qaher-313 (F-313) thực ra là một chiếc F-5 Freedom Fighter thay vỏ?
Qaher-313 có phải là một chiếc máy bay thật hay chỉ là mô hình, câu hỏi này đã gây ra nhiều tranh luận. Nhưng theo ông David Cenicotti, chuyên gia hàng không của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã chỉ ra: Qaher-313 chỉ là máy bay mô hình.
Lý do xuất phát từ các đặc điểm sau:
Buồng lái máy bay quá nhỏ để phù hợp với người có chiều cao trung bình và có cấu tạo vô cùng đơn giản.
Một bức ảnh chụp buồng lái khá thô sơ, trong đó đồng hồ báo tốc độ chỉ 500 km/h, chưa bằng 1/2 tốc độ của một máy bay chở khách dân sự bay với tốc độ cận âm. Ngoài ra mũi của máy bay quá nhỏ để có thể bố trí radar.
Cụm loa phụt phản lực của động cơ không rõ ràng, cửa hút khí cho động cơ dường như quá nhỏ.
Qaher-313 có phải là một chiếc máy bay thật hay chỉ là mô hình?
Và quan trọng nhất đó là không thấy khoang vũ khí. Thông thường máy bay tàng hình thường mang vũ khí bên trong các khoang để không bị bộc lộ tín hiệu trước radar đối phương.
Nhưng Qaher-313 có vẻ không có khoang vũ khí đồng nghĩa với việc vũ khí của nó phải treo bên ngoài và làm mất chức năng "tàng hình" nếu có.
Iran cũng thông báo Qaher có thể mang theo hai quả bom 900 kg và 6 tên lửa không đối không nhưng khung máy bay quá nhỏ, không đủ diện tích để có thể mang hết được số vũ khí trên.
Một chi tiết dễ nhìn thấy nhất là vật liệu chế tạo Qaher-313 có lẽ được làm bằng nhựa dẻo nó sáng bóng và không nhìn ra các đinh tán hay ốc vít như các loại máy bay khác. Buồng lái có thể chỉ là tấm mica mờ và không có chốt mở.
Truyền thông nhà nước Iran đã tung ra một đoạn video về chiếc Qaher đang thao diễn trên không, nhưng nhìn lướt qua đoạn phim thấy rõ đó là một chiếc máy bay không người lái. Truyền thông Iran sau đó đã phải xác nhận thông tin này.
Một bức ảnh ấn tượng khác mô tả chiếc Qaher-313 bay trên khu vực đồi núi nhưng sản phẩm này được tao ra hoàn toàn từ kỹ thuật Photoshop.
Như vậy có thể tạm kết luận, Qaher-313 là một mô hình bằng nhựa và được làm cho mục đích tuyên truyền của Iran.
Qaher 2.0: Có thể chạy nhưng không bay?
Nếu phiên bản Qaher 1.0 làm ra hoàn toàn dùng mục đích tuyên truyền thì Qaher 2.0 có tính thuyết phục hơn.
Tháng 4/2017, trước sự chứng kiến của Tổng thống Iran Rouhani, chiếc Qaher-313 phiên bản 2.0 đã thực hiện chạy đà trên đường băng, nhưng nó vẫn chưa thể cất cánh.
Qaher 2.0 có buồng lái phù hợp với một phi công có hình dáng trung bình, hai động cơ phản lực có thể quan sát rõ.
Động cơ máy bay có thể là loại Iran tự chế theo mẫu động cơ J85 của Mỹ được chế tạo từ những năm 1950.
Qaher có chiều dài 16 m nhưng sải cánh chỉ có 11 m, khung máy bay đầy lỗi thiết kế về hình dáng khí động học cũng như các điểm có thể phản xạ radar.
Chuyên gia hàng không Galen Wright phát hiện thấy rằng áp suất lốp của Qaher là 50 psi.
Để so sánh, lốp trước của chiếc F-16 có áp suất lên tới 300 psi. Điều này cho thấy mô hình Qaher quá nhẹ để trở thành một máy bay chiến đấu phản lực thực sự có thể đưa vào trang bị.
Wright cũng không tin rằng Iran sở hữu vật liệu và công nghệ gia công chính xác để chế tạo máy bay tàng hình.
Đáng chú ý, hãng tin Fars News của Iran mô tả Qaher mới là phiên bản thử nghiệm của Iran; nhưng trong yêu cầu cấp bách, Qaher 313 có thể mang theo các tên lửa chống hạm, tiến công cụm tàu sân bay Mỹ.
Cuối cùng Iran cũng có thể thiết kế một chiếc máy bay "có thể di chuyển được" và hình dáng của chiếc máy bay tàng hình. Tuy nhiên đó chỉ là mô hình thử nghiệm và nó tiếp tục được dùng cho mục đích tuyên truyền.
Việc tham khảo kinh nghiệm của Mỹ, Nga và Trung Quốc để cho ra đời một chương trình máy bay chiến đấu tàng hình thực sự là việc khó khăn. Do vậy việc Iran tuyên bố chế tạo thành công máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 có thể vì mục đích tuyên truyền của quốc gia này.
Nhưng chắc chắn Iran có lý do để sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình, vì họ lo sợ một cuộc tấn công của Mỹ hoặc Israel với những loại vũ khí vượt trội, trong đó có máy bay chiến đấu tàng hình "thứ thiệt" như F-22 hoặc F-35.
Việc Iran "tự thân vận động" phát triển tiêm kích tàng hình từ A đến Z có lẽ là giải pháp tốn kém và ít thực tế nhất. Nó cũng là bằng chứng về cảm giác bất an kéo dài của quốc gia này trước Mỹ và các "địch thủ" ở khu vực Trung Đông.
Qaher-313 (2.0) thử nghiệm chạy đà.
Tàu khu trục "tàng hình": Mỹ có nên lo lắng?
Hiện nay Hải quân Mỹ chỉ có chiếc USS Zumwalt, được thiết kế với mục đích thay thế các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, đây là lớp tàu được đánh giá có tính năng tàng hình trước các loại radar.
Mặc dù hạ thủy chiếc đầu tiên vào tháng 10/2013, nhưng đến nay USS Zumwalt vẫn đang trong quá trình hoàn thiện vì vô số lỗi thiết kế.
Nhưng vào tháng 12/2018, hãng tin Anh Reuters đưa tin: Hải quân Iran tuyên bố đưa chiếc tàu khu trục tàng hình hoàn toàn mới mang tên Sahand vào biên chế chính thức trong hạm đội của họ.
"Sahand là kết quả của một thiết kế táo bạo và sáng tạo dựa hoàn toàn vào công nghệ trong nước của Hải quân Iran", Giám đốc nhà máy đóng tàu hải quân Iran - Admirus Alireza Sheikhi phát biểu với Truyền hình nhà nước Iran.
Con tàu này có sàn đỗ trực thăng, vũ khí gồm tên lửa đối hạm, đối đất, đất đối không, hải pháo, ngư lôi và có khả năng tác chiến điện tử cao.
Chiếc khu trục hạm tàng hình Sahand của Hải quân Iran đang hiện diện ở eo biển chiến lược Hormuz.
Sahand có lượng giãn nước khoảng từ 2.000 đến 2.500 tấn, chiều dài 100m, thủy thủ đoàn 140 người. Sahand có thể hoạt động trong 5 tháng liên tục trên biển mà không cần tiếp tế.
Việc Iran công bố đưa tàu khu trục "tàng hình" vào biên chế, thể hiện thách thức công nghệ mới nhất đối với các tàu Hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực.
Những tiến bộ trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự của Iran (như họ tuyên bố) có thể là mối đe dọa ngày càng tăng đối với hải quân Mỹ ở khu vực vùng Vịnh, đe dọa trực tiếp hoạt động tự do hàng hải trong các tuyến đường biển chính trong khu vực.
Tướng John Richardson Tư lệnh Hải quân Mỹ tuyên bố trước báo giới:
"Chúng tôi luôn cam kết bảo đảm cũng như tiếp tục duy trì an ninh và ổn định trong khu vực; Hải quân Mỹ tiếp tục sát cánh cùng các đối tác của mình để duy trì tự do hàng hải và dòng chảy thương mại tự do trên các tuyến đường biển quốc tế", Tướng John Richardson Tư lệnh Hải quân Mỹ.
Việc hải quân Iran đưa khu trục hạm tàng hình Sahand vào biên chế, có thể không làm thay đổi cán cân lực lượng của Hải quân Iran với lực lượng Mỹ đồn trú ở đây,
Nhưng tính năng "tàng hình" của tàu khu trục Iran có thể là một thách thức đối với lực lượng Hải quân Mỹ ở eo biển quan trọng chiến lược Hormuz vẫn là một câu hỏi?
Iran đã bổ sung một khu trục hạm Sahand thứ ba vào hạm đội hải quân trong một buổi lễ tại thành phố cảng phía nam Bandar Abbas cuối năm 2018.