Tiêm kích JF-17 Trung Quốc-Pakistan: Đến kiếp nào mới thoát... ế?

Thiên Minh |

Có thể nói, trong thời gian gần đây, mỗi khi có thông tin JF-17 "chộp" được một khách hàng thì ngay lập tức lại có "chuyện chẳng lành" xảy ra.

Theo tạp chí Diplomat, trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Kuwait vào tuần trước, Tư lệnh Không quân Pakistan (PAF) Sohail Aman đã đề xuất khả năng cung cấp cho Kuwait các máy bay chiến đấu JF-17 Thunder (do tổ hợp hàng không Pakistan - PAC + tập đoàn Thành Đô/Trung Quốc sản xuất) và máy bay huấn luyện PAC Super Mushshak.

Cho tới nay, Pakistan đã thất bại trong nỗ lực tìm kiếm một hợp đồng xuất khẩu lớn cho mẫu tiêm kích đầu tiên mà nước này tự phát triển và sản xuất.

Diplomat nhận định, bất chấp mối quan hệ quân sự hữu hảo giữa Pakistan và Kuwait (trong đó phi công Kuwait tới Pakistan huấn luyện) thì triển vọng cho thương vụ này có vẻ mong manh, do Kuwait gần đây đã đặt hàng 28 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon với tổng giá trị ước tính lên đến 9 tỷ USD.

Tuy nhiên, Pakistan vẫn có thể thành công nếu chào bán phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi JF-17B cho Kuwait.

Tiêm kích JF-17 Trung Quốc-Pakistan: Đến kiếp nào mới thoát... ế? - Ảnh 1.

Tiêm kích JF-17 tại triển lãm hàng không Paris tháng 6/2015

Như Diplomat đã thông tin trước đó, Islamabad dự kiến chuyến bay đầu tiên của phiên bản JF-17B sẽ diễn ra vào cuối năm nay. PAF có kế hoạch giới thiệu chính thức nguyên mẫu máy bay huấn luyện JF-17B đầu tiên vào tháng 4/2017.

Pakistan đã sản xuất tổng cộng 16 máy bay JF-17 trong năm 2015 và đặt mục tiêu tăng sản lượng lên tới 24 chiếc trong năm 2016. Trong công đoạn chế tạo khung máy bay, Pakistan đảm nhiệm 58% và Trung Quốc 42%.

JF-17 dự kiến sẽ thay thế toàn bộ phi đoàn máy bay chiến đấu Dassault Mirage III/5 của PAF vào năm 2020. Tổng cộng, hiện có khoảng 65 chiếc JF-17 trong biên chế của PAF.

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, tờ Sunday Express tiết lộ rằng Sri Lanka đáng lẽ sẽ ký thỏa thuận mua 8–12 máy bay chiến đấu JF-17. Song, điều này đã không xảy ra vì có sự can thiệp từ bên ngoài.

Có thể nói, trong thời gian gần đây, mỗi khi có thông tin JF-17 "chộp" được một khách hàng thì ngay lập tức lại có "chuyện chẳng lành" xảy ra.

Năm ngoái, ông Khalid Mahmoodm, một lãnh đạo cấp cao của Không quân Pakistan tuyên bố có tới 11 quốc gia quan tâm tới JF-17, trong đó có Myanmar, Sri Lanka, Ai Cập và Argentina. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, chưa có hợp đồng chính thức nào được thông qua.

Malaysia, quốc gia gần đây nhất được cho là khách hàng của JF-17, đã thẳng thắn tuyên bố không có thỏa thuận nào được ký kết giữa 2 phía.

Mặc dù có mức giá cạnh tranh nhưng JF-17 có vẻ là mặt hàng khó tiêu thụ đối với PAC và tập đoàn Thành Đô.

Trường hợp của Sri Lanka gây tò mò nhất khi nước này vốn được đánh giá là khách hàng rất tiềm năng của JF-17 nhưng lại bỗng dưng "quay lưng".

Theo Sunday Express, chính phủ Sri Lanka, do Tổng thống Maithripala Sirisena dẫn đầu, đã hủy bỏ kế hoạch mua máy bay chiến đấu JF-17 sau khi nhận được một công hàm ngoại giao từ New Delhi.

Trong đó, chính phủ Ấn Độ đã gửi kèm một bản đánh giá tính năng kỹ thuật của JF-17 với các nhận xét tiêu cực và "chỉ ra rằng Sri Lanka không cần tới mẫu máy bay này".

Bình luận về động thái trên của Sri Lanka, Diplomat cho rằng, có vẻ do chính quyền của ông Sirisena có xu hướng nghiêng về phía lợi ích của Ấn Độ nhiều hơn, thay vì thân Trung Quốc như chính quyền cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa nên nước này đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận mua JF-17.

Tiêm kích JF-17 Trung Quốc-Pakistan: Đến kiếp nào mới thoát... ế? - Ảnh 2.

Máy bay huấn luyện MFI-17 Super Mushshak.

So với JF-17, Pakistan đạt được nhiều thành công hơn trong lĩnh vực xuất khẩu máy bay huấn luyện MFI-17 Super Mushshak - một phiên bản của mẫu MFI-17 Supporter (Sản phẩm của hãng Sabb - Thụy Điển) do PAC chế tạo theo giấy phép.

Gần đây, Islamabad có vẻ đã tiến tới các giai đoạn đàm phán cuối cùng để đạt được thỏa thuận xuất khẩu 52 máy bay huấn luyện Super Mushshak cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các khách hàng trước đó của MFI-17 bao gồm Iran, Iraq, Oman và Saudi Arabia.

Máy bay chiến đấu JF-17 tại triển lãm hàng không Paris 2015

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại