Trang mạng Sohu (Trung Quốc) gần đây đăng tải bài viết đề cập tới mối quan hệ đối tác đang lớn mạnh giữa Trung Quốc và Pakistan. Theo bài viết này, trong bối cảnh hiện tại, sẽ rất có lợi nếu Bắc Kinh tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự với Islamabad.
Tác giả bài viết tỏ ra chắc chắn rằng, với sự giúp đỡ từ mối quan hệ hợp tác này, Pakistan có thể đối phó với Ấn Độ một cách hiệu quả hơn. Nói tới đây, bài viết đề cập lại sự kiện xảy ra hồi tháng Hai năm ngoái, khi Không quân Ấn Độ xâm phạm không phận Pakistan và phát động tấn công, phá hủy một doanh trại của khủng bố ở Balakota.
Sohu lưu ý rằng, hiện Trung Quốc và Pakistan đang tích cực hợp tác trong các dự án tác chiến đường không. Do đó, Pakistan có thể cân nhắc khả năng tham gia vào chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 J-31.
"Đối mặt với sự xâm lăng của Ấn Độ, Pakistan sẽ muốn mua các tiêm kích J-10C của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Pakistan có thể mua một lô J-10C thì chẳng phải sẽ tốt hơn nếu cho họ lựa chọn J-31 hay sao?" - Bài viết trên Sohu cho hay.
Theo tác giả bài viết, thậm chí nếu Pakistan ký hợp đồng mua một số tiêm kích J-10 thì chúng sẽ không đủ để chống lại các chiến đấu cơ Su-30MKI và Rafale mà Ấn Độ mua từ Pháp.
Hiện Ấn Độ đang gặp phải một số vấn đề với hợp đồng Rafale. Pháp cam kết với Ấn Độ sẽ chuyển giao lô Rafale đầu tiên trong tháng 4-5 nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên hiện kế hoạch này đã bị trì hoãn.
"Tại sao không cho Pakistan cơ hội tiến lên một bước - một lựa chọn mới với J-31" - Tác giả bài viết nhấn mạnh quan điểm của mình, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng J-31 sẽ giúp Không quân Pakistan có được lợi thế trong cuộc đối đầu với hai loại máy bay trên của Ấn Độ.
Cần lưu ý rằng, chương trình J-31 đã bị trì hoãn tại Trung Quốc. Mẫu máy bay này vốn được xác định là nền tảng tương lai cho lực lượng tiêm kích hạm trên tàu sân bay Trung Quốc. Tuy nhiên, nó có một số vấn đề chưa được giải quyết, như vấn đề liên quan tới tham số cất-hạ cánh...