Tiêm kích hàng bãi: Mỹ còn dùng, sao Việt Nam phải ngại!

Bạch Dương |

Fox News cho biết, do đang thiếu trầm trọng máy bay chiến đấu mà Không quân Thủy quân Lục chiến Mỹ buộc phải tái sử dụng tiêm kích F/A-18 đang bảo quản tại căn cứ Davis-Monthan.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do quá trình cắt giảm ngân sách dành cho không quân trong vòng 10 năm qua, khiến cho số lượng máy bay, số phi đội sẵn sàng chiến đấu, cũng như phi công và nhân viên kỹ thuật đều sụt giảm nghiêm trọng.

Trong các binh chủng, Thủy quân Lục chiến Mỹ (USMC) là lực lượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, họ chỉ còn 276 tiêm kích F/A-18 Hornet (87 máy bay trong tình trạng kỹ thuật tốt), bên cạnh 140 chiếc AV-8B Harrier đã cũ, tỷ lệ rơi và gặp sự cố kỹ thuật cao.

Do chương trình F-35B còn nhiều khiếm khuyết, chiếc tiêm kích hàng hình cất hạ cánh thẳng đứng thế hệ 5 này vẫn chưa biết đến lúc nào mới chính thức vào biên chế USMC, vì vậy họ đã lên kế hoạch mua thêm 16 máy bay F/A-18E/F Super Hornet để duy trì sức chiến đấu cho các phi đội.

Tuy nhiên con số trên vẫn là quá nhỏ bé so với nhu cầu, cho nên không còn cách nào khác, Thủy quân Lục chiến Mỹ buộc phải gọi "tái ngũ" 30 chiếc F/A-18C đang được bảo quản tại căn cứ không quân Davis-Monthan, bang Arizona.

Tiêm kích hàng bãi: Mỹ còn dùng, sao Việt Nam phải ngại! - Ảnh 1.

Tiêm kích F/A-18 Hornet tại căn cứ không quân Davis-Monthan

Những chiếc F/A-18 trên thuộc đối tượng dự bị, chúng được đưa ra khỏi các phi đội không quân chủ yếu do tình trạng thiếu ngân sách hoạt động. Với tuổi thọ khung thân 8.000 giờ bay trong khi mới sử dụng khoảng 5.000 - 6.000 giờ, nếu được đại tu và nâng cấp, thời hạn phục vụ của Hornet vẫn tương đương Su-30MK2 mới sản xuất.

Giải pháp tình thế trên giúp cho Thủy quân Lục chiến Mỹ duy trì được sức chiến đấu cũng như khả năng răn đe với chi phí rất hợp lý, đây rõ ràng là một mô hình nên được áp dụng cho những quốc gia nghèo có ngân sách quốc phòng còn hạn chế.

Tiêm kích hàng bãi: Mỹ còn dùng, sao Việt Nam phải ngại! - Ảnh 2.

Tiêm kích F/A-18 của Thủy quân Lục chiến Mỹ

Thời gian qua xuất hiện thông tin sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, Việt Nam muốn nhận được các tiêm kích F-16 đã qua sử dụng thuộc chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ.

Điều này gây một số quan ngại như Không quân Việt Nam thuộc đối tượng tiến thẳng lên hiện đại, mua đồ cũ thì có đi ngược với chủ trương trên? Thêm vào đó, tính năng của F-16 secondhand cũng gây không ít băn khoăn, liệu chúng có đáp ứng đầy đủ yêu cầu tác chiến?

Các ý kiến phản biện trên không phải không có lý, nhưng còn một điều tối quan trọng nữa đó là phải căn cứ vào điều kiện thực tế của Việt Nam.

Hiện nay ngân sách chi cho quốc phòng của Việt Nam còn tương đối eo hẹp, không thể đáp ứng nhu cầu mua sắm số lượng lớn tiêm kích hạng nhẹ trong thời gian ngắn, trong khi đây đang là lỗ hổng lớn khi MiG-21 đã nghỉ hưu còn Su-22 thời gian phục vụ không còn dài.

Nếu quyết tâm mua sắm máy bay mới, lộ trình sẽ kéo dài tới trên chục năm. Đây là điều khó chấp nhận khi tình hình quốc tế cũng như khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào, đối phương liệu có chờ chúng ta xây dựng hoàn chỉnh lực lượng?

Tuy rằng đã cũ nhưng F-16 sau đại tu vẫn phục vụ thêm được tối thiểu 2.000 giờ bay, gói nâng cấp F-16V Viper còn giúp cho những chiếc tiêm kích này tiệm cận với chiến đấu cơ thế hệ 5, sẽ không bị lạc hậu trong ít nhất 20 năm nữa.

Do vậy, mua lại chiến đấu cơ đã qua sử dụng như một giải pháp tình thế nhằm lấp đầy khoảng trống trước mắt của Không quân Việt Nam là một phương án không tồi.

Việc làm này hoàn toàn không đi ngược với chủ trương hiện đại hóa không quân và nhất là không ảnh hưởng tới "niềm kiêu hãnh", khi một trong những lực lượng có ngân sách dồi dào nhất của Quân đội Hoa Kỳ vẫn còn đang phải vận dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại