Một chiếc JF-17 của Không quân Pakistan. (Ảnh: Reuters)
Cùng thời gian đó, Trung Quốc khoe mẫu JF-17 tại Triển lãm hàng không quốc tế Trung Quốc thường niên ở Chu Hải.
Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc và Pakistan nhằm tiếp thị mẫu máy bay thế hệ 4 mà hai bên hợp tác sản xuất với khách hàng quốc tế.
JF-17 mới được đưa vào biên chế ở ba quốc gia, gồm Pakistan, Myanmar và Nigeria, với tổng số 145 chiếc tính đến tháng 10/2021, theo số liệu mới nhất của Aviation Week.
Số liệu của Aviation Week cho thấy con số này sẽ tăng lên 185 vào giữa thập kỷ này, đưa JF-17 trở thành mẫu máy bay chiến đấu Trung Quốc phổ biến nhất ở nước ngoài cho đến cuối năm 2023.
Được thiết kế bởi Công ty Công nghiệp máy bay Thành Đô và Tổ hợp hàng không Pakistan, JF-17 cất cánh lần đầu vào năm 2003. Mẫu máy bay 1 động cơ, 1 chỗ ngồi này được gọi là JF-17 Thunder ở Pakistan và FC-1 Kiêu Long ở Trung Quốc.
Hoạt động ở tầm cao hơn 15km và tốc độ tối đa 1.200 dặm/giờ, JF-17 có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ, như đánh chặn và tấn công mặt đất. Nó có thể mang lượng vũ khí khoảng 3.100 tấn trên 7 điểm treo và được trang bị súng tự động hai nòng 23mm.
Một vài chiếc JF-17 đầu tiên được sản xuất hoàn toàn ở Trung Quốc, nhưng Pakistan hiện nay làm ra khoảng 58%.
Pakistan đưa mẫu máy bay này vào biên chế từ năm 2007, thay thế phi đội già cỗi gồm Nam Xương A-5, Thành Đô F-7, cùng các máy bay Mirage III và V.
Với ít nhất 125 chiếc, JF-17 hiện là xương sống của không quân Pakistan. Máy bay này được nói là đã thực hiện các đợt không kích phiến quân ở vùng tây bắc Pakistan và bắn hạ một chiếc máy bay không người lái do Iran sản xuất ở vùng tây nam Pakistan năm 2017.
Các sĩ quan nghỉ hưu và đương nhiệm Pakistan nói rằng một chiếc JF-17 đã bắn hạ chiếc MiG-21 của Ấn Độ trong vụ đụng độ trên không giữa hai nước hồi tháng 2/2019.
JF-17 đã được nâng cấp nhiều lần từ khi ra mắt lần đầu tiên. Phiên bản mới nhất là Block III mang nhiều cải tiến đáng kể.
Pakistan hiện sử dụng nhiều JF-17 nhất. (Ảnh: Reuters)
Pakistan hiện sử dụng nhiều JF-17 nhất. Myanmar là khách hàng quốc tế đầu tiên, hiện có 6 chiếc, và Nigeria sở hữu 3.
Với mức giá từ 15 – 25 triệu USD/chiếc, JF-17 rẻ hơn gần như tất cả các loại máy bay chiến đấu thế hệ 4 khác trên thị trường. Những tính năng bổ sung giúp mẫu này trở nên hấp dẫn với các nước có ngân sách quốc phòng hạn chế.
Nhiều quốc gia đã thể hiện quan tâm đến JF-17. Iraq được nói là đã đồng ý mua ít nhất 12 chiếc. Ai Cập cũng thể hiện quan tâm đến JF-17 theo kế hoạch mở rộng hợp tác quốc phòng với Pakistan. Azerbaijan từ nhiều năm trước đã bày tỏ ý muốn mua JF-17. Bolivia và Argentina cũng đang cân nhắc.
Tăng doanh số bán JF-17 sẽ giúp Trung Quốc mở rộng thị phần trên thị trường của loại vũ khí không quá phức tạp nhưng vẫn hiệu quả, sau một thời gian dài các nước thu nhập thấp và trung bình dựa vào máy bay, xe bọc thép và pháo Nga.
Tuy nhiên, việc bán thêm JF-17 có thể không khiến những khách hàng này phụ thuộc vào công nghệ quân sự Trung Quốc. Nhiều nước vẫn mua máy bay hiện đại do phương Tây chế tạo và tránh rơi vào thế quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp. Đó là lý do họ vừa mua hàng của Mỹ, của châu Âu, Nga và Trung Quốc.