Báo chí thế giới liên tiếp đưa tin ngày 14 tháng 12 tại căn cứ không quân "Nevatim", với cặp máy bay chiến đấu F-35I đầu tiên vừa được Mỹ bàn giao, Israel trở thành đồng minh của Mỹ đầu tiên có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. F-35, theo định danh của Israel là "Adir", có nghĩa là "tuyệt vời".
Israel có kế hoạch mua 75 máy bay tiêm kích F-35I tới năm 2030. Chỉ cần như thế, các nước thù địch với Tel Aviv đã đủ "lạnh xương sống", thậm chí tinh thần phi công đã "xuống tới mắt cá chân".
Các nhà quân sự giàu kinh nghiệm cũng khó hình dung ra sức mạnh của Không quân Israel khi có F-35, nhưng đều chung hướng nhận định rằng, F-35 đã mạnh, nay lại như "hổ mọc thêm cánh". Nhưng đó chưa phải là điều ghê gớm nhất. Còn hơn thế!
Đây đúng là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 là niềm mơ ước với mọi lực lượng không quân trên thế giới, có khả năng đột phá mọi hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới.
F-35 vào tay một quốc gia tiềm lực khoa học mạnh
Israel đang đặt ra mục tiêu xây dựng hai phi đội F-35 trong vòng một thập kỷ tới, trong đó mỗi phi đội gồm 25 chiếc.
Nhưng điều này mới đáng nể, theo thoả thuận, Israel là quốc gia duy nhất có quyền "cài đặt" lên F-35 hệ thống thiết bị, vũ khí của họ ngay từ đầu. Trong khi cả 8 nước đối tác khác (Anh, Italy, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Canada) chưa được ân huệ này.
Các nguồn tin cũng tiết lộ các máy bay tiêm kích F-35I sử dụng hệ thống phòng thủ của Elbit Systems, tích hợp cùng hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến tương thích với các vũ khí dẫn đường chính xác của Israel. Nhưng người Israel chắc chắn không dừng ở đó. Vì sao?
Ảnh minh họa: F-35I của Israel.
Ai cũng biết, Israel có nền công nghiệp quốc phòng mạnh, với khả năng chế tạo ra các thiết bị điện tử, công nghệ cao, hệ thống phòng thủ hàng đầu thế giới.
Tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất của Israel là Israel Aerospace Industries (IAI). Ngoài ra có hàng loạt công ty như Lahav, Rafael, Công ty Elta, Military Industries (IMI)… toàn là các Công ty chế tạo vũ khí cự phách, nổi tiếng thế giới đảm bảo cho quốc gia nhỏ bé này tiềm năng quân sự mạnh nhất vùng Trung Đông.
Ngoài việc là đồng minh thân cận của Mỹ được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại họ lần lượt tự nghiên cứu và sản xuất nhiều loại vũ khí mới mang lại hiệu quả rất cao.
Gần hơn, các công ty của Israel cũng đang tham gia vào việc sản xuất máy bay F-35 như IAI sản xuất cánh cho F-35A, Elbit Systems chế tạo hệ thống hiển thị trên mũ phi công,...
Nên nhớ F-35 có khả năng đánh mục tiêu trên không và mặt đất vào ban đêm và trong điều kiện thời tiết xấu, Israel sẽ đưa vào hệ thống phân biệt "bạn hay thù" để tránh tai nạn "ta đánh mình".
Những toan tính lớn?
Theo các chuyên gia, Tel Aviv tìm cách duy trì quân sự tuyệt đối và công nghệ vượt qua đối thủ tiềm tàng, như Iran…
Mặc dù chi phí mua máy bay rất đắt, nhưng "đáng đồng tiền bát gạo" vì Không quân Israel cho rằng, nước này có diện tích rất nhỏ, nên "ưu thế trên không trở nên cần thiết, "bảo đảm sự tồn tại" của nhà nước".
Tiêm kích F-35I vừa được Mỹ bàn giao cho Israel.
Có phải thế không? Máy bay F-35 còn là máy bay tấn công cực mạnh, người ta chưa quên, không quân Israel từng đem bom tấn công các cơ sở hạt nhân của các quốc gia thù địch láng giềng.
Điển hình như là Chiến dịch Opera diễn ra cực kỳ thành công, khi 1 phi đội 8 chiếc F-16 Israel tấn công hủy diệt lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq ngày 7/6/1981, chúng được hộ tống bởi 6 tiêm kích F-15.
Chiến dịch Opera chỉ mất 80 giây để loại bỏ vĩnh viễn tham vọng hạt nhân của Tổng thống Saddam Hussein, xóa sạch 6 năm thành quả nghiên cứu của quốc gia này.
Việc phá hủy lò phản ứng Osirak được coi là một trong những vụ tấn công phủ đầu thành công nhất trong lịch sử hiện đại. "Lịch sử Trung Đông đã thay đổi trong khi Israel không mất một chiếc máy bay nào". Sự kiện này cũng đánh dấu một cột mốc khiến chính quyền Saddam sụp đổ sau cuộc tiến công của Mỹ và đồng minh năm 2003.
Xa nữa, trong các cuộc chiến tranh với Ai Cập, Sirya, Jordani, thập kỷ 60 và 70, lúc đó chỉ có máy bay Mirage, F-4, các phi công của Israel đã tác chiến tấn công đường không rất can trường, bay rất thấp, thậm chí luồn lách qua các tháp nhọn của nhà thờ Hồi giáo, khiến đối phương bị đánh tan tành… nhiều sân bay bị xoá sổ.
Thậm chí phi công Liên-Xô sang giúp, Ai cập lái nhiều máy bay chiến đấu cũng bị bắn hạ.
Về bản lĩnh can đảm và trình độ cao của phi công chiến đấu Israel, phải kể về phi công Zivi Nedivi của Israel từng khéo léo đưa chiếc F-15D tơi tả trên bầu trời sa mạc Negev trở về căn cứ.
Số là ngày 11 tháng 4 năm 1983, trong khi diễn tập, F-15D bất ngờ va chạm một chiếc A-4 khiến chiếc A-4 nổ tung, F-15D gãy hẳn một vế cánh.
Phi công tài ba Zivi Nedivi đã sáng tạo, bình tĩnh khởi động buồng đốt hậu (afterburner), tạo cân bằng, hạ cánh an toàn, với tốc độ khi hạ cánh gần gấp đôi vận tốc thông thường, máy bay dừng lại khi còn cách hàng rào chỉ… 10 m
Đội ngũ phi công của họ không có điều kiện trình bày ở đây. Chỉ vắn tắt ở vài chữ "chuyên nghiệp và đẳng cấp, đáng nể".
Đến lúc này việc ta phải chú ý phân tích và nhìn nhận kỹ, theo dõi nghiêm túc lời nói của các nhân vật, như Tướng thủy quân lục chiến Joseph Dunford Mỹ, nhấn mạnh khả năng xuất kích cũng như thực hiện nhiệm vụ từ các bãi đáp hay tàu sân bay trên biển của F-35 "sẽ thay đổi cách thức chúng ta chiến đấu và chiến thắng".
Có F-35 trong tay, Israel sớm có lực lượng không quân tiên tiến nhất, tăng cường khả năng "răn đe". Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cho biết, "điều này sẽ cho phép Không quân Israel bảo đảm vĩnh viễn sự vượt trội của mình tại Trung Đông".
Trong một cuộc phỏng vấn với "Nezavisimaya Gazeta" Vladimir Batjuk - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự, chính trị Hoa kỳ và Canada đã lưu ý rằng Tel Aviv cam kết duy trì quân sự tuyệt đối và công nghệ vượt qua đối thủ tiềm tàng.
Và các nhân vật có mặt trong ngày bàn giao F-35 cho Israel mới đây, Tổng thống Israel Reuven Rivlin cho rằng loại vũ khí mới nhất này sẽ thay đổi Trung Đông và định nghĩa lại khả năng ngăn chặn và không gian hoạt động của Israel. Ông Rivlin khẳng định máy bay F-35 sẽ giúp Israel "thay đổi cuộc chơi".
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thì tuyên bố: "Lịch sử đã dạy chúng tôi rằng chỉ có sức mạnh mới giúp ngăn chặn, đem lại hòa bình và sự tôn trọng. Mục tiêu của Israel là giành ưu thế mọi mặt: trên không, trên biển, trên bộ và trong thế giới mạng."
"Cuộc chơi" nào ư? thì lịch sử đã tiên lượng. Một nước nhỏ như Israel không chịu lép vế trước bất cứ thế lực nào, dù đó là nước lớn, nước giàu, hay một thế lực đối địch luôn toan tính trói tay dân tộc này. Cùng với F-35, sẽ hiện đại hoá hơn nữa, Không quân Israel ( IAF) đang ấp ủ những toan tính hẳn là… rất kinh hoàng. Hãy chờ mà xem!