Hình minh họa.
Từ "ám chỉ" của ấn phẩm Mỹ
Ít ngày trước, ấn phẩm "1945" của Mỹ đăng tải bài viết "Russia Biggest Fear: The F-35 Is Now A Nuclear Bomber" tạm dịch "Nỗi sợ hãi lớn nhất của người Nga: F-35 đã trở thành một oanh tạc cơ hạt nhân". Trong bài viết, nhà phân tích Peter Suciu lưu ý về 3 thông tin như sau:
+ Cuộc thử nghiệm ném bom hạt nhân chiến thuật B61-12 của 2 tiêm kích F-35A tại Căn cứ Không quân Nellis ở Nevada vào tháng 10/2021.
+ Phi đội tiêm kích số 495 của Không quân Mỹ được trang bị F-35A được lệnh triển khai tới Căn cứ Không quân Lakenheath của Anh vào cuối tháng 12/2021.
+ NATO vừa "âm thầm" thêm Căn cứ Lakenheath vào danh sách các địa điểm lưu trữ hạt nhân của liên minh vào trung tuần tháng 4/2022.
Tiêm kích F-35 ném thử nghiệm bom B-61-12
Nhà phân tích nhận định rằng các thông tin nói trên cho thấy F-35 sẽ sớm được trang bị bom B61-12 và Mỹ cùng "các đồng minh Châu Âu sở hữu F-35" sẽ dùng chúng để thay thế các phi đội F-16 và Tornado trong việc thực hiện thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO.
Ở phần còn lại của bài viết, ông Suciu đề cập tới tính năng tàng hình của F-35 cũng như sức mạnh của bom B61-12 mà không đề cập trực tiếp tới việc tại sao cặp đôi này lại là "Nỗi sợ hãi lớn nhất của người Nga" như trong tiêu đề.
Tuy nhiên có thể thấy là vị chuyên gia người Mỹ đang ám chỉ về một thông điệp răn đe hạt nhân mới của Washington tới không chỉ là Moscow mà còn nhiều "đối thủ" khác.
Vậy liệu người Nga có thật sự nên lo ngại hoặc thậm chí là "sợ hãi" về các thông tin nói trên hay không?
B61-12 được nâng cấp từ bom trọng lực hạt nhân B61 với 4 tùy chọn đương lượng nổ tương đương từ 0,3 đến 50 kiloton TNT. Mỹ hiện có kế hoạch loại bỏ dần B-61 và sản xuất tổng cộng 480 quả B61-12 từ 2022 đến 2025.
Các chuyên gia ước tính Mỹ hiện sở hữu tổng cộng 680 bom B61, trong đó có 230 quả dành cho các nền tảng triển khai phi chiến lược bao gồm tiêm kích F15 và F-16.
Tiêm kích tàng hình F-35 (Ảnh: Không quân Mỹ).
Tới "lỗ hổng" được chính Washington thừa nhận
Ước tính đến đầu tháng 5/2022, 770 chiếc F-35 đã được sản xuất và bàn giao cho các khách hàng trên khắp thế giới.
Tuy nhiên trong một bài viết được đăng tải ít ngày trước, tờ The War Zone dẫn một báo cáo của Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) vào cuối tháng 4/2022 cho thấy kết quả đáng buồn về hiệu suất và khả năng bảo trì của tiêm kích tàng hình thế hệ 5.
Báo cáo của GAO nhấn mạnh rằng F-35 "tiếp tục không đạt được tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu theo quy định", "liên tục không đảm bảo các mục tiêu về độ tin cậy" và "chi phí bảo dưỡng tăng gấp đôi" trong năm tài chính 2021.
Cụ thể trong báo cáo cho thấy biến thể F-35A của Không quân Mỹ có tỉ lệ sẵn sàng chiến đấu khoảng 41%, F-35B SVTOL (cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) của Thủy quân lục chiến Mỹ là dưới 20% và F-35C của Hải quân Mỹ là thấp nhất - 9,5%.
Lưu ý về mục tiêu tỉ lệ sẵn sàng chiến đấu tối thiểu của F-35A là 80% và 2 biến thể còn lại là 75%, GAO nhận định rằng "không có biến thể nào trong 3 biến thể có khả năng thực hiện nhiệm vụ" và chỉ ra rằng "lỗ hổng" nằm ở động cơ Pratt & Whitney.
Động cơ Pratt & Whitney F135 trong thử nghiệm tại Căn cứ Không quân Arnold vào năm 2021. (Ảnh: Không quân Mỹ).
Bình luận về báo cáo của GAO và thông tin Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã có kế hoạch loại biên hàng trăm tiêm kích để thay thế chúng bằng F-35 (Hải quân Mỹ được cho là sẽ vẫn tiếp tục duy trì các phi đội F/A-18EF Super Hornet), nhà phân tích Dan Parsons nhận định:
"Thời gian sẽ trả lời liệu các vấn đề khó chịu của F-35 có được giải quyết hay không và với cái giá phải trả như thế nào.
Nhưng hiện tại, vẫn còn rất nhiều tiến bộ cần phải đạt được khi nó tiến dần tới mốc 20 năm kể từ chuyến bay đầu tiên (nguyên mẫu F-35A cất cánh lần đầu tại Texas vào năm 2006)".
Có vẻ như nhận định của ông Parsons cũng là câu trả lời cuối cùng cho cái gọi là "Nỗi sợ hãi lớn nhất của người Nga" trong bài viết trên "1945" ít ngày trước đó.
Các sĩ quan Phi đội 33 hi đội trưởng Phi đội 33 của Không quân Mỹ kết nối một máy tính xách tay với tiêm kích F-35A trong quá trình kiểm tra sau chuyến bay tại Duke Field, Florida (Ảnh Không quân Mỹ).