Mỹ "nổ" to về tiêm kích tàng hình thế hệ 5...
Bạn có nhớ tác phẩm khoa học giả tưởng của Gerbert Wells "Người vô hình" hay không? Sẽ thật vô nghĩa nếu kể lại câu chuyện về nhà khoa học người Anh Griffin đã phát minh ra chiếc máy có thể biến con người trở thành vô hình.
Ở đây, điều quan trọng đó là nếu có thể phát minh được khả năng vô hình thực sự, thì người vô hình cũng sẽ bị mù. Tình huống tương tự cũng xảy ra với các máy bay tàng hình được biết đến nhiều nhất và quảng bá hoành tráng nhất đó là tiêm kích F-35 thế hệ thứ 5 của Mỹ.
Người ta cho rằng các loại radar cảnh giới hiện nay gần như không thể phát hiện được nó. Tuy nhiên, với tất cả các công nghệ "tàng hình", bản thân chiếc máy bay cần phải có khả năng "quan sát" mạnh.
Khi các máy bay tấn công F-117 của Mỹ xuyên phá hệ thống phòng không Iraq và "thoải mái" oanh tạc Bagdad, Phó tư lệnh Không quân Mỹ John Welch khi đó đã tự hào tuyên bố: "Công nghệ tàng hình đưa chúng ta trở lại nguyên lý cơ bản của chiến tranh khi sự bất ngờ vô cùng quan trọng".
Nhờ đó, người Mỹ đã trao cho chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 là F-22, rồi sau đó là cả tiêm kích F-35 hiện đang được coi là tốt nhất thế giới, những phẩm chất tàng hình khác thường.
Ở đây, người Mỹ đã quảng bá một cách "thái quá" cho chiếc tiêm kích tàng hình F-35 bắt đầu được nghiên cứu chế tạo từ năm 2002 trong khuôn khổ chương trình quốc tế và sẽ phải biên chế cho không quân 11 quốc gia, bao gồm cả Mỹ.
Chiếc máy bay tiêm kích-ném bom tàng hình này đã được tô vẽ bằng những phẩm chất chiến đấu đáng kinh ngạc, bao gồm vai trò "xuyên phá khắp nơi" trong các cuộc xung đột vũ trang tương lai.
... nhưng bị Nga "tóm gọn": Đáng kinh ngạc
Ảo tưởng về khả năng tàng hình và bất khả xâm phạm của F-35 đã bị "bóc mẽ" bởi những hệ thống radar tối tân nhất của Nga khi cả 6 chiếc máy bay này bị "tóm sống" ngay gần biên giới Iran. Sự việc xảy ra ngay sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.
52 tiêm kích F-35 Mỹ phô diễn uy lực.
Thông tin về việc hệ thống phòng không Nga đã phát hiện và nhận dạng được những tiêm kích của Không quân Mỹ do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra, đồng thời nhà ngoại giao này cũng nhấn mạnh rằng hệ thống phòng không Nga có khả năng kiểm soát khoảng cách lên tới hàng nghìn km.
Và ông Lavrov không hề "thêm mắm thêm muối" – các tính năng của trạm radar định vị tối tân "Container" giúp nó "khoá" và nhận dạng các mục tiêu trên không, bao gồm cả những mục tiêu tàng hình ở khoảng cách lên tới 3 nghìn km.
Trạm radar tầm xa "Conteiner" (ký hiệu 29B6) đầu tiên đã được biên chế cho phòng không Nga từ ngày 01/12/2019. Hệ thống radar này có được những tính năng ưu việt nhờ thiết kế hoàn hảo. Nếu như nhìn vào bản đồ, thì trạm radar này có thể dễ dàng vươn tới tận Bagdad.
Trạm radar tầm xa "Conteiner" (ký hiệu 29B6)
Vì thế, viêc quan sát các mục tiêu trên không ở khoảng cách này là điều đơn giản đối với trạm, dù đó là cả những máy bay tàng hình F-35 khét tiếng. Nói chung "Container" có thể cùng lúc "quan sát" gần 1 nghìn chiếc máy bay và nhận dạng được chúng.
Có nghĩa là những máy bay được chế tạo theo công nghệ tàng hình không còn là tàng hình nữa đối với "Container" và F-35 sẽ vẫn lộ nguyên hình và, đương nhiên, sẽ mất đi con bài tẩy của mình – đó là sự tấn công mang tính bất ngờ. Không có trạm tương tự trên thế giới.
"Một số mẫu radar tương tự đang được Mỹ, Anh, Pháp phát triển và Trung Quốc cũng đang tích cực nghiên cứu, có những mẫu đang hoạt động tại Úc nhưng tổ hợp thuật toán-lập trình mạnh như vậy là không hề có trên thế giới", kỹ sư trưởng thiết kế trạm radar này, ông Mikhail Petrov từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn mới đây.
Nga đã thiết lập thành công trường radar hỗn hợp xung quanh biên giới của mình, bao gồm cả ở Bắc Cực, với tầm quan sát lên tới hàng nghìn km kiểm soát toàn bộ những vùng đất và vùng biển lân cận, khi một chiếc máy bay cất cánh thì hệ thống có khả năng xác định nó thuộc dân sự hay quân sự.
Hệ thống "Container" không phải là tổ hợp radar duy nhất của Nga nhằm phát hiện các mối đe doạ tiềm tàng từ trên không ở cự ly siêu xa, hàng nghìn km. Tuy vậy, tổ hợp này lại có điểm yếu đó là nó "bị mù" ở khoảng cách dưới 900km.
Nhằm bù lấp khoảng trống này, nhiệm vụ sẽ được trao cho các hệ thống khác như "Nebo-M" có bán kính trinh sát gần 600km.
Hệ thống radar "Nebo-M" của Nga.
Ngoài ra, Nga còn có cả các hệ thống radar khác, với khả năng phát hiện được tên lửa hành trình và đạn đạo, lẫn máy bay.
Trong số đó có thể kể đến hệ thống radar "Voronez-M", một trong số đó sẽ được triển khai tại Crimea trong thời gian tới (khoảng từ 2020 đến năm 2023) để giám sát toàn bộ khu vực Trung Đông, Địa Trung Hải cho tới tận Gibraltar.
Các phát minh của Nga trong lĩnh vực radar có khả năng phát hiện những máy bay tàng hình đã "vô hiệu hoá" toàn bộ chiến lược đột kích bí mật vào bất cứ đâu của Mỹ khiến cho "điều bất ngờ" giống như những gì Mỹ từng làm tại Iraq sẽ không còn nữa. Và như thế, tiêm kích tàng hình F-35 sẽ biến thành mục tiêu thông thường.
Đó chính là lý do để các khách hàng tiềm năng của chiếc máy bay này phải suy ngẫm. Và hiệu quả ngược lại – đó là nhu cầu đối với các hệ thống radar của Nga, mà được coi là những phương tiện hiệu quả nhất trên thế giới, sẽ gia tăng. Iran, Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập và Algeria đang bày tỏ sự quan tâm.
Đồng thời, Iran có thể ký với Nga thoả thuận cho phép trao đổi dữ liệu về phòng không. Và thảm họa tương tự như vụ phòng không Iran bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine do lầm tưởng là tên lửa hành trình của Mỹ có thể sẽ được hạn chế tối đa.
Dự kiến hệ thống radar định vị «Container» cùng với những trạm radar định vị mới khác sẽ được triển khai tại tất cả các khu vực chiến lược của Nga.
Nói chung, cả con ruồi cũng không thể bay ngang qua chứ nói gì tới các tên lửa hoặc máy bay của Mỹ hay của những nước trong khối NATO đang tiến gần tới không phận của Nga. Chiếc tiêm kích của Mỹ sẽ là miếng mồi ngon đối với các phương tiện phòng không tối tân của Nga.