Những chiếc tiêm kích F-15E chất đầy bom chùm và tên lửa
Theo trang mạng The Drive, những vũ khí này có thể sẽ rất hữu ích trong việc đánh bại các loại tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ như Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vẫn thường sử dụng.
Sứ mệnh trên của F-15E diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran cũng như việc IRGC bắt giữ một số tàu chở dầu trên Eo biển Hormuz những tuần gần đây.
Hình ảnh về các máy bay chiến đấu F-15E vũ trang bom chùm xuất hiện vào ngày 31/7/2019 trong bản tin chính thức của Phi đoàn Viễn chinh Không quân Số 380 (Quân đội Mỹ) về chiến dịch Tuần tra Tác chiến Trên không Yểm trợ Mặt nước (SuCAP).
Phi đoàn Số 380 là lực lượng nòng cốt của Không quân Mỹ đóng tại Căn cứ Không quân Al Dhafra thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các chiến đấu cơ F-15E Strike Eagle thuộc biên chế của Phi đoàn Tiêm kích Viễn chinh Số 336, đã được điều chuyển tới đây vào tháng 6/2019.
"Các máy bay F-15E đảm trách vai trò thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không ở Vịnh Ả Rập và hộ tống các tàu hải quân khi chúng đi qua Eo biển Hormuz", bản tin của Phi đoàn Viễn chinh Không quân Số 380 giải thích.
"F-15E là dòng máy bay chiến đấu hai chức năng, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến không đối không và không đối đất đồng, và hiện nay đang tiến hành hoạt động tuần tra theo chiến dịch SuCAP để đảm bảo thương mại hàng hải tự do và rộng mở trong khu vực."
Một chiếc F-15E tại căn cứ không quân Al Dahfra ở UAE vơi 3 quả bom chùm WCMD có thể quan sát thấy rõ bên phía thân trái máy bay
Các bức ảnh được Phi đoàn Số 380 công bố cho thấy F-15E đã tham gia chiến dịch SuCAP rất nhiều lần kể từ tháng 6/2019. Ít nhất một vài chiếc trong số máy bay này đã mang theo hệ thống WCMD (Wind Corrected Munition Dispenser), một loại bom dẫn đường quán tính hỗ trợ bằng GPS có thể mang theo nhiều loại đạn nhỏ hơn khác nhau.
Ngoài bom chùm, Strike Eagle đến từ Phi đoàn 336 cũng đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiêu di chuyển bằng bom dẫn đường laser.
Trong một trường hợp, một cặp F-15E, mỗi chiếc mang theo ít nhất hai quả bom GBU-12/B Paveway II nặng 500 pound và một trong số chúng mang theo bom GBU-24/B Paveyway III nặng 2.000 pound. GBU-24/B có khả năng vô hiệu hóa hoặc phá hủy bất kỳ loại tàu nào có trong biên chế của Hải quân Iran.
Ngoài ra, mỗi chiếc F-15E đều mang theo một cặp tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C (AMRAAM) và hai tên lửa tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại AIM-9X Sidewinder.
Những vũ khí này phục vụ mục đích phòng vệ nhưng cũng có thể được sử dụng để tấn công các máy bay khác, gồm cả máy bay không người lái (UAV) có nguy cơ đe dọa tới các lực lượng khác của Mỹ hoặc đồng minh cũng như các tàu thương mại.
Năm 2017, Strike Eagle từng bắn hạ 2 máy bay không người lái của Iran ở Syria khi chúng đang có ý định tấn công các lực lượng quân đội Mỹ và đối tác địa phương của họ.
Lính Không quân Mỹ chuẩn bị đưa bom chùm WCMD lên F-15E tham gia sứ mệnh tuần tra trên không tháng 7/2019
Mục tiêu là các tàu tấn công nhanh của Iran?
Phi đoàn Số 336 cũng đã được huấn luyện phối hợp tác chiến với các máy bay và tàu chiến của Hải quân Mỹ. Ngày 24/7/2019, hai phi đội Strike Eagle đã tham gia một cuộc tập trận ở Vịnh Ba Tư cùng với tàu khu trục USS Gonzalez lớp Arleigh Burke và một máy bay tuần thám biển P-3C Orion.
"P-3C cung cấp thông tin về môi trường tác chiến trên biển nhưng nó cũng có thể hoạt động như một trung tâm điều khiển trong thời gian dài hoặc sẵn sàng sử dụng vũ khí của riêng nó, tùy theo yêu cầu", Trung tá Hải quân Mỹ Adrian Willing thuộc Trung tâm Các chiến dịch Không quân Số 609 tại Căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar cho biết.
"Còn tàu khu USS Gonzalez đang hoạt động tại Vịnh Ả Rập để bảo đảm tự do hàng hải quốc tế".
Trong những năm gần đây, Không quân Mỹ đã bắt đầu tập trung nhiều hơn vào cách thức đối phó với mối đe dọa đến từ những tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ. Năm 2017, các máy bay A-10 Warthog đã tiến hành một cuộc tập trận ở Vịnh Mexico chỉ liên quan đến dạng kịch bản này.
Vì vậy, sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu F-15E ở Vịnh Ba Tư hiện nay không phải là điều gì quá ngạc nhiên.
Từ tháng 5/2019, Quân đội Mỹ đã bắt đầu điều tới Trung Đông thêm nhiều lực lượng quân sự mới, gồm máy bay chiến đấu, tàu chiến cùng binh sĩ để đối phó với mối đe dọa từ Iran.
Với tầm hoạt động xa và thời gian lưu không lâu, kết hợp với khả năng mang theo tải trọng vũ khí lớn, Strike Eagle là một lựa chọn lý tưởng để Mỹ thực thi các chiến dịch SuCAP trong khu vực.
Ngày 19/7/2019, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cũng đã chính thức tuyên bố bắt đầu triển khai sứ mệnh an ninh hàng hải mới có tên gọi "Chiến dịch Sentinel".
Chính trong ngày này, Iran đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh bằng cách kết hợp sử dụng tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ và một máy bay trực thăng Mi-17. Trước đó, IRGC cũng đã bắn rơi một máy bay không người lái của Hải quân Mỹ vào tháng 6/2019.
Do vậy, ít nhất trong tương lai gần, các máy bay chiến đấu F-15E mang theo bom chùm kết hợp cùng với những phương tiện quân sự khác của Mỹ sẽ đóng vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ tuần tra các vùng biển tại khu vực.
Phi công lái F-15E Strike Eagle trình diễn bay cực thấp ở Scotland