Máy bay tiêm kích F-14A Tomcat của Không quân Hải quân Mỹ. Ảnh minh họa.
Đường đến ngày toàn thắng
Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.
Hôm ấy anh nuôi gánh cơm lên trận địa sớm hơn mọi ngày. Mấy ngày qua chúng tôi bồn chồn chờ đợi. Cái cảm giác trước giờ nổ súng chỉ có ở những người lính xung kích bộ binh trước đây thì bây giờ là tất cả các binh chủng.
Tôi nhẩm tính có lẽ có tới mấy chục ngàn chiến sĩ của toàn chiến dịch đợi chờ hiệu lệnh phát ra từ Bộ Tư lệnh chiến dịch và cả ở Tổng hành dinh ngoài Hà Nội nữa.
Như một bản nhạc hùng tráng cất lên từ những tiếng nổ ầm vang rung chuyển trời đất của hàng trăm khẩu đại bác cấp tập nã xuống các mục tiêu quan trọng của địch.
Chúng tôi ở gần trận địa pháo mặt đất 130ly nòng dài của Lữ đoàn 164 đang bắn vào các chi khu, căn cứ của địch đang cố thủ ở Long Thành, Nhơn Trạch, kho đạn Thành Tuy Hạ và các mục tiêu khác như căn cứ Nước Trong, Trường Thiết giáp, Trường Bộ binh…
Xa xa chớp lửa sáng rực cả bầu trời vần vũ những đám mây từ khói đạn và từ lửa cháy trong các mục tiêu.
Tác giả - Sinh viên Nguyễn Bá Kiến ngày nhập ngũ năm 1970
Sau gần nửa tiếng pháo bắn là đến những âm thanh giòn rã xen lẫn tiếng đục trầm của đủ loại súng bộ binh và pháo của xe tăng, thiết giáp...
Trong đời lính của tôi cũng như nhiều đồng đội khác chưa bao giờ chứng kiến khung cảnh này. Không khí của mấy trăm cây số vuông cũng đặc sệt khói súng.
Pháo phòng không chúng tôi luôn hành tiến và bố trí ở sát pháo mặt đất để đánh máy bay địch. Vì là ban đêm, hoạt động của không quân địch bị hạn chế nên trong tư thế sẵn sàng, cả đêm chúng tôi vẫn căng võng ngủ chập chờn trong tiếng đạn bom.
Cả ngày và đêm 27/4, Tiểu đoàn tôi vẫn giữ nguyên đội hình, trận địa pháo của 3 đại đội chọn khoảng rừng cây non còn thấp để không che lấp tầm nhìn của pháo thủ.
Phía trước các chiến sĩ bộ binh, xe tăng quần nhau với các sắc lính địch. Chúng ngoan cố đánh trả ta trong tuyệt vọng, một số buông súng ra hàng khi ta phát loa kêu gọi. Máy bay và pháo địch cũng điên cuồng trút bom đạn xuống các vị trí quân ta.
Không quân Sài Gòn trước đây chỉ có máy bay A37, AD6 là loại cường kích yểm trợ bộ binh và tiêm kích F-5A. Sau Hiệp định Paris, Mỹ giao lại nhiều phi đoàn tiêm kích F-5E đã cải tiến.
Lực lượng Quân đoàn 2 vượt sông Nhơn Trạch tiến về Sài Gòn cuối tháng 4.1975.
Các ngày 27 và 28/4, quân địch tung hết khả năng của phi pháo để cứu nguy cho các điểm phòng thủ. Trực thăng vũ trang trang bị roc-ket cũng được địch huy động tối đa. Phát hiện trận địa pháo ta, chúng lao xuống bắn phá, ta bắn hất lên.
Gặp lưới lửa cao xạ dày đặc của ta, 2 chiếc A37, 1 chiếc AD6,1 chiếc F-5E và 1 trực thăng UH-1 của địch bị bắn rơi. Trận địa Đại đội 28 chúng tôi bị trúng một trái bom phát quang của A-37 nhưng thiệt hai không đáng kể, chỉ có Trung đội trưởng Công bị thương.
Cuối buổi chiều 28/4 chúng tôi cơ động cùng pháo mặt đất hướng về phía Long Thành, Nhơn Trạch. Lúc này 4 chiếc A-37 theo đội hình phi đội bay rất thấp xẹt qua khoảng trời phía trên đầu. Do đã có thông báo máy bay ta nên không có khẩu đội nào nổ súng (sau này mới biết đó là phi đội Quyết thắng).
Khoảng 18 giờ, đơn vị tới trung tâm huyện lỵ Long Thành. Tiếng súng bộ binh vẫn còn ở nhiều điểm địch cố thủ.
Ổ đề kháng trên tháp nước - điểm cao nhất khu vực - vừa bị xe tăng ta triệt hạ. Pháo cao xạ của ta cũng hạ nòng bắn vào một tháp chuông nhà thờ, nơi có tàn quân địch ngoan cố bắn trả lực lượng bộ đội địa phương.
Gần nửa đêm, chúng tôi được lệnh di chuyển theo tỉnh lộ hướng về phía Nhơn Trạch, Cát Lái. Một loạt đạn không rõ từ đâu bắn trúng xe khi đang chuyển bánh. Pháo thủ Hội, người Hải Dương, ở bên trái tôi, bị trúng đạn vào đầu gục xuống.
Bên phải tôi pháo thủ Thiết cũng bị thương vào tay. Tôi ngồi hơi thấp hơn, loạt đạn ấy chỉ làm hoa mắt và bay tung chiếc mũ cối. Chúng tôi dừng xe vào một ngôi nhà trống ven đường để khâm liệm cho Hội, băng bó người bị thương.
Sáng hôm sau, đơn vị làm lễ truy điệu và mai táng đồng chí Hội trong mảnh vườn của dân, vẽ sơ đồ mộ chí và tiếp tục lên đường. Đấy là thương vong duy nhất của Đại đội 28 chúng tôi trong chiến dịch.
Tiêm kích F-14A của Mỹ lần đầu xuất hiện ở chiến trường Việt Nam
Ngày 29/4/1975 sau khi bộ binh và lực lượng địa phương đánh chiếm huyện lỵ Nhơn Trạch, pháo mặt đất của ta đặt ở kho đạn Thành Tuy Hạ để pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất thì pháo cao xạ chúng tôi cũng đặt trận địa sát bờ sông Đồng Nai, bến phà Cát Lái bên Nhơn Trạch để bảo vệ pháo mặt đất và sẵn sàng qua phà sang quốc lộ 1.
Hôm ấy không còn thấy máy bay địch nhiều như 2 ngày đầu chiến dịch, vì sân bay Tân Sơn Nhất đã bị đánh hỏng nặng trong chiều 28 và bây giờ trong tầm pháo 130 ly của ta.
Từ trên bờ sông, chúng tôi thấy rất nhiều tàu thuyền địch rút chạy ra biển. Một số chiếc có vũ trang bị pháo ta bắn chìm.
Trên trời vắng bóng máy bay chiến đấu địch thì từ buổi trưa, ngày càng nhiều trực thăng di tản từ biển bay vào. Tuy vậy chúng chọn đường bay dọc theo sông Sài Gòn phía Cần Giờ, ngoài tầm cao xạ. Có một chiếc bay chệch ra ngoài và bị trúng đạn.
Như ở tít trên độ cao 5 - 6 ngàn mét là một tốp F-14, loại máy bay tiêm kích mới nhất của Mỹ lúc đó đang bay vòng. Loại F-14 này chưa từng xuất hiện ở chiến trường Việt Nam.
Là trinh sát pháo cao xạ, nhận dạng nhanh và đúng máy bay địch là rất quan trọng để chỉ huy ra lệnh thích hợp. Sau khi lấy cuốn sổ tay "Cẩm nang các loại máy bay Mỹ" ra để xem chắc chắn, tôi báo cho Đại đội trưởng biết đấy là tiêm kích F-14A của Mỹ.
Anh nói: "Mặc kệ nó, nếu nó đánh mình thì mình đánh lại".
Tiêm kích F-14 của Mỹ
Thực lòng, khi thấy tiêm kích F-14 Mỹ xuất hiện tôi cũng thoáng lo lắng "lẽ nào Mỹ quay lại dùng không quân cứu chính quyền Sài Gòn?". Nhưng sau đó thấy cách bay không có ý định tham chiến của chúng nên cũng an tâm. Cả ngày và đêm 29/4, Đại đội 28 chúng tôi vẫn dừng tại đầu bến phà Cát Lái chờ lệnh.
Sáng 30/4 bầu trời Sài Gòn trong xanh, rực nắng nhưng vẫn rền vang tiếng trực thăng Mỹ hối hả bay tới lui những nóc nhà cao tầng, chắc là để di tản nốt những người còn lại của đêm hôm qua. Chúng vẫn bám theo mặt sông Sài Gòn, tránh xa tầm bắn của pháo cao xạ.
Sáng nay tiếng súng, tiếng pháo vẫn còn vang lên ở các khu vực Nước Trong, Hố Nai... Các đơn vị của Sư đoàn 325 và Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2 đang tiêu diệt những ụ đề kháng cuối cùng.
Buổi sáng, Tiểu đoàn 6 chúng tôi kéo xe pháo từ trận địa kho đạn Thành Tuy Hạ đến đầu bến phà Cát Lái chờ công binh và các tàu, phà thu được của địch đưa bộ đội, khí tài, xe pháo vượt sông sang bờ bên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa.
Được biết bộ đội đặc công đang chiếm giữ cầu Đồng Nai và cầu Rạch Chiếc, kiên cường đánh lui địch phản kích để giữ đường cho xe tăng và bộ binh cơ giới tiến vào trung tâm đầu não của địch ở Sài Gòn.
Khoảng hơn 10 giờ, tiếng xe tăng và súng pháo rộ lên ở phía cầu Sài Gòn (khi đó người dân gọi là cầu Xa lộ). Chúng tôi thầm reo "Quân ta đấy!" rồi lại mong chờ đơn vị qua phà hết để được tiến vào trung tâm thành phố.
Hơn 11 giờ, khẩu đội cuối cùng của đơn vị đã sang bờ bên này. Chúng tôi móc pháo vào xe, khoác AK lên vai sẵn sàng hành tiến trong đội hình tăng - pháo.
Tôi lướt ống nhòm qua các vật cao xung quanh và phía trước để xác định và định trước là sẽ xin cho bắn vào các điểm có bao cát công sự dù có thể không có địch nấp trong ấy. Cánh pháo thủ cũng sốt ruột lắm, đạn vẫn còn đầy ắp từ đầu chiến dịch chưa vơi đi bao nhiêu.
Thế nhưng mọi dự tính đều phải để lại. 11 giờ rưỡi, qua bộ đàm thông tin và máy thu thanh, chính trị viên Thơ hét to: "Chiến thắng rồi chúng mày ơi…!".
húng tôi lặng người mấy giây rồi cùng hét lên vui sướng: "Thắng rồi…! Hòa bình rồi...!".
Niềm vui thật nghẹn ngào!
Nhân dân nô nức đón chào Quân Giải phóng tiến về Sài Gòn
Vẫn biết sẽ có những giây phút này nhưng sao tôi vẫn ngỡ ngàng tưởng như trong mơ. Từ khi đi chiến dịch, niềm tin chiến thắng cứ lớn dần theo bước tiến hành quân, theo từng con số tỉnh, thành được giải phóng mỗi ngày một nhiều.
Tôi tiến lên mấy bước đến gần bụi dừa nước, rút khăn tay lau nước mắt và thì thầm: "Mẹ ơi! Chiến thắng rồi, con sẽ về với mẹ đây". Lúc ấy, tôi như muốn mình có cánh để bay về nhà ôm lấy mẹ…
Cả đơn vị nhận được lệnh đang ở đâu thì ở nguyên đó chờ lệnh mới. Chúng tôi dựng nhà bạt, đặt pháo trên mặt ruộng đang phơi lá dừa nước.
Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ diễn ra trong 5 ngày và toàn thắng. Nhưng sâu xa hơn, đấy là chiến thắng của cuộc trường chinh vĩ đại vì độc lập tự do và thống nhất non sông trong hơn 20 năm qua của dân tộc.
Chúng tôi may mắn được có mặt trong giờ phút lịch sử hào hùng ấy. Những ngày qua và hôm nay, trước cửa ngõ Sài Gòn, biết bao đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Cái giá của hòa bình, của độc lập tự do là máu xương của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ mà không ai, không bao giờ được phép lãng quên.