Trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, xương sống của Không quân Iran (IRIAF) thời điểm đó chính là các máy bay F-14 Tomcat mà Iran vẫn đang còn sử dụng cho tới tận ngày nay.
Được mua từ trước khi bùng phát cuộc Cách mạng Hồi giáo, Không quân Iran sở hữu hàng chục chiếc tiêm kích hai ghế ngồi, giúp họ có lợi thế lớn trong cuộc chiến trên không với nước láng giềng Iraq.
Tuy nhiên, ưu điểm về công nghệ thì cũng chỉ dừng ở đó. Chính kỹ năng tuyệt hảo của các phi công Iran mới giúp IRIAF tiêu diệt được 3 mục tiêu đối phương chỉ bằng một quả tên lửa.
Người Iran thực sự rất xuất sắc đằng sau cần lái máy bay Tomcat. Lịch sử đã cho thấy, điểm thi cao nhất giành danh hiệu phi công đẳng cập (Ace) với tiêm kích Tomcat thuộc về người Iran mang tên Jalil Zandi.
Theo ghi nhận của Không quân Mỹ, Zandi từng lập kỷ lục bắn hạ 11 mục tiêu bằng F-14 - một thành tích đáng kinh ngạc với bất cứ phi công chiến đấu nào. Tất nhiên, trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, Zandi đã được hỗ trợ rất tốt từ các phi công đồng nghiệp trong việc giữ cho bầu trời Iran sạch bóng máy bay Iraq.
Các phi công Iran bên chiếc tiêm kích F-14
Vào thời điểm cuối năm 1981, cuộc chiến tranh Iran-Iraq vẫn đang ở thế bế tắc và các trận chiến dưới mặt đất diễn ra rất khốc liệt. Iraq xâm lược Iran năm 1980 vì nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu là giành lợi thế từ bất ổn sau sự sụp đổ của đế chế Shah, đồng thời không để cho cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran lan sang các quốc gia láng giềng.
Trước khi bộ binh Iraq tràn qua biên giới, các lực lượng không quân của Tổng thống Saddam Hussein tìm mọi cách hủy diệt không quân Iran ngay từ khi họ vẫn đang còn ở dưới mặt đất.
Máy bay F-14 Tomcat của Iran mang tên lửa Phoenix.
Trong những ngày đầu mở màn cuộc chiến, Tomcat đã gây thiệt hại nặng nề cho Không quân Iraq, bắn hạ cả máy bay tiêm kích và máy bay ném bom. Vũ khí sát thủ nhất của Tomcat - tên lửa Phoenix trang bị đầu đạn nổ công phá lớn, mạnh hơn các loại tên lửa chống máy bay khác cùng thời.
Chúng được thiết kế để tiêu diệt các máy bay ném bom Tupolev của Liên Xô, loại mà khi đó Iraq sử dụng để bay trên bầu trời Tehran.
Đến năm 1981 khi cuộc chiến dưới mặt đất bước vào giai đoạn kịch tính thì cuộc chiến trên không cũng vô cùng ác liệt. Trong thế đối đầu này, Tomcat đã mang lại cho Iran một lợi thế quyết định.
Chỉ cần một chiếc F-14 duy nhất xuất hiện trong khu vực cũng đủ khiến các phi công Iraq phải tản ra và quay đầu trở về căn cứ. Những gì xảy ra vào ngày 7/1/1981 là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Phi công Iran Asadullah Adeli cùng sĩ quan radar Mohammed Masbough nhận được thông tin về các máy bay không xác định danh tính đang tiến về phía đảo Kharg trên Vịnh Péc-xích và họ được lệnh hành động.
Tomcat xác định kẻ xâm phạm là 3 chiếc MiG-23 của Iraq, khi đó được nhận định là đang bay về hướng một giàn khoan gần đảo Kharg. Radar mặt đất của Iran không thể quan sát thấy cả 3 chiếc MiG-23 nhưng Adeli và Masbough được chỉ thị tấn công những chiếc MiG đột nhập này bằng mọi giá.
Masbough đề nghị Adeli tiêu diệt chiếc ở giữa, chỉ với hy vọng sẽ làm hư hại được 2 chiếc kia khi tên lửa phát nổ. Mọi việc diễn ra gần như thế. Đạn tên lửa Phoenix do Mỹ chế tạo mạnh tới mức nó tiêu diệt cả 3 máy bay. Xác của cả 3 chiếc máy bay MiG được tìm thấy trên đảo Kharg vào ngày hôm sau.
Iran hồi sinh thành công tiêm kích F-14 Tomcat