Từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước đến nay, Hải quân Trung Quốc đã thực hiện thành công việc chuyển đổi từ hải quân gần bờ sang hải quân viễn dương. Xây dựng hạm đội "biển xanh" luôn là mục tiêu vươn tới của Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Những tham vọng không cần che dấu
Hơn 10 năm trước, các học giả Trung Quốc khởi xướng chiến lược biển và lực lượng trên biển với nhiều tham vọng. Quan sát kỹ từng "bước đi" của Trung Quốc, chúng ta thấy rõ hạt nhân "chiến lược biển Trung Quốc" đã thật sự trỗi dậy với tham vọng tiến ra không gian biển lớn.
Hơn nữa, tham vọng nâng cao khả năng tác chiến cho hải quân ngang tầm với Mỹ, Nga..., nhằm tạo vai trò ảnh hưởng trên toàn cầu đã được Trung Quốc ấp ủ lâu nay và đã trở thành mục tiêu phấn đấu ngay trong tư duy của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Để đạt được "khát vọng" này Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân bằng mọi cách như: tái cơ cấu lực lượng, tăng cường và điều động lực lượng. Điều đáng quan tâm đó là: Đề ra mục tiêu cần đạt được về tầm tác chiến của hải quân trong tương lai.
Phát triển "mắt thần" cho tàu sân bay
Nếu tình huống xảy ra xung đột vũ trang, các hoạt động quân sự sẽ diễn ra trong điều kiện tình huống biến đổi rất nhanh.
Do vậy, việc chuyển trực tiếp các thông tin đã được xử lý về đối phương trong thời gian ngắn (gần bằng thời gian thực) đến các phương tiện mang vũ khí của không quân hoặc hải quân là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm phát huy tối đa hiệu quả các lực lượng và các loại vũ khí trong chiến đấu.
Nhận rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Trung Quốc đã tích cực, chủ động trang bị hệ thống chỉ huy, trinh sát, chỉ thị mục tiêu cho lực lượng vũ trang của mình. Hệ thống này cho phép tìm kiếm, thu thập và xử lý chung các tin tức trinh sát từ các nguồn tin khác nhau, kịp thời chuyển các tin tức đã qua xử lý đến các đối tượng yêu cầu.
Là một thành phần cơ bản của hệ thống này, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm của hải quân được ưu tiên phát triển.
Với tính năng ưu việt là bám sát tàu sân bay, phát hiện nhanh mục tiêu bay thấp với khoảng cách xa..., các máy bay cảnh báo sớm này có khả năng mở rộng và nâng cao hiệu quả chỉ huy máy bay chiến thuật của không quân và hải quân thực hành tác chiến.
Máy bay cảnh báo sớm KJ-600 là loại mới được Trung Quốc phát triển; dựa trên mẫu máy bay cánh báo sớm trên không Grumman E-2 Hawkeye trang bị cho tàu sân bay của Mỹ. Khi được triển khai trong tương lai, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu của máy bay, tên lửa và các tàu chiến Trung Quốc.
Hình ảnh được cho là của máy bay cảnh báo sớm KJ-600.
Các tàu sân bay của Trung Quốc hiện mới đang trong giai đoạn huấn luyện, chưa thực sự đi vào trực chiến. Mặc dù các tàu sân bay gây chú ý của dư luận và giới quan sát quân sự; nhưng thành phần quan trọng nhất trên tàu sân bay đó là các loại máy bay thì ít được chú ý hơn, ngoài việc họ thử nghiệm máy bay tiêm kích hạm J-15T.
Tuy nhiên tham vọng của hải quân Trung Quốc còn hơn thế; hiện tại họ đang âm thầm thử nghiệm chiếc máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát không lưu trên không (AEW & C) cho các tàu sân bay được trang bị máy phóng trong tương lai.
Máy bay cảnh báo sớm KJ-600 sẽ cung cấp khả năng phát hiện các mối đe dọa từ xa và quản lý các hoạt động phức tạp. Nếu không có nó, lực lượng máy bay trên tàu sân bay sẽ không thể phát huy được hết khả năng của mình để thực hiện các nhiệm vụ, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ xa căn cứ.
Thách thức đối với Trung Quốc bây giờ là máy bay AEW & C của họ quá nặng và chậm nên không thể cất cánh trên các tàu sân bay có đường băng kiểu nhảy cầu. Trong khi tàu sân bay Mỹ sử dụng máy phóng máy bay; đây là công nghệ then chốt trong chế tạo tàu sân bay mà Trung Quốc tụt hậu phía sau Mỹ.
Máy bay cảnh báo sớm KJ-600 được chế tạo bởi Tổng công ty máy bay Tây An, KJ-600 nặng từ 25-30 tấn, được trang bị hai động cơ tuabin FWJ-6C. Phần quan trọng nhất của máy bay cảnh báo sớm là nó được trang bị một radar mảng pha AESA do Viện nghiên cứu 603 phát triển, được đặt trong một mái vòm trên thân máy bay.
Ngoài yếu tố đó, nó có thể được phân biệt với các máy bay cánh quạt hai động cơ khác của Trung Quốc như cánh chính có thể gấp lại và có bốn cánh đuôi (tương tự như chiếc E-2 Hawkeye của Mỹ).
KJ-600 có một phi hành đoàn từ 5-6 người, trong đó có tổ lái và các nhân viên vận hành các thiết bị radar trên máy bay. Buồng vận hành radar nằm ngay dưới chảo radar của máy bay.
Với tham vọng thành lập biên đội tàu sân bay làm lực lượng đối trọng với hải quân Mỹ; Trung Quốc sẽ nhanh chóng hoàn thiện máy bay KJ-600 để phát hiện các mối đe dọa từ trên không cũng như nhận dạng và cung cấp dữ liệu về vị trí cho máy bay chiến đấu trên hạm và máy bay của không quân hải quân cũng như các loại tên lửa.
Đồng thời, họ cũng biến nó thành trung tâm chỉ huy, kiểm soát biên đội tấn công, trinh sát, giám sát các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn cũng như chuyển tiếp liên lạc.
Nếu Trung Quốc thành công trong việc tích hợp các radar mặt đất như JY-26 thì có khả năng cho phép KJ-600 phát hiện ra máy bay tàng hình. Khi kết nối mạng, KJ-600 có thể trở thành những trung tâm chỉ huy trên biển.
Tiêm kích hạm "Cá mập bay" J-15 mới và cải tiến
Được mệnh danh là "Cá mập bay" (Flying Shark), máy bay chiến đấu J-15 hiện đang được hải quân Trung Quốc trang bị cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Tuy nhiên, với những phiên bản hạng nặng đã chế tạo; trong tương lai, J-15 sẽ trở thành một máy bay chiến đấu đa năng tầm xa.
Hình ảnh mới cho thấy chiếc máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc đã có những nâng cấp lớn; điều này cho thấy sự tiến bộ không chỉ trong chế tạo máy bay của Trung Quốc mà còn cho toàn bộ tàu sân bay.
Những chiếc J-15 đời đầu có nguồn gốc từ máy bay tiêm kích hạm Su-33 (một biến thể của Su-27) của Liên Xô; nhưng có thiết bị hạ cánh nhẹ hơn và trang bị động cơ turbofan AL-31 của Nga. Hiện đang được sản xuất bởi Shenyang Aircraft Corporation.
Máy bay chiến đấu J-15
Vào tháng 9/2016, hình ảnh của chiếc J-15 nâng cấp xuất hiện trên Internet, cho thấy những nâng cấp đáng kể về động cơ và hiệu suất bay. Chiếc máy bay sử dụng các động cơ WS-10H sản xuất trong nước, được phân biệt bằng vòi phun màu bạc.
Hiện tại tất cả các máy bay J-15 hiện đang hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh đều sử dụng động cơ AL-31 của Nga (có vòi phun màu tối). Nếu J-15 được trang bị động cơ WS-10H thì đây là một tiến bộ của ngành hàng không Trung Quốc. Vì từ trước tới nay, sản xuất động cơ vẫn là điểm yếu, mặc dù họ đã đầu tư rất nhiều tiền vào lĩnh vực sản xuất động cơ máy bay.
Một nâng cấp khả năng khác là lắp đặt radar mảng pha AESA (Active Electra-Scanned Array) trên J-15. Radar này có độ phân giải cao, khả năng bắt, bám đa mục tiêu và chống nhiễu tốt.
Tuy nhiên, có lẽ nâng cấp rõ rệt quan trọng nhất là thiết bị hạ cánh được gia cố trên càng đáp của J-15A. Với sự sửa đổi này, các tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc sẽ được trang bị máy phóng.
Trong khi cả chiếc Liêu Ninh lẫn chiếc tàu sân bay mới được hạ thủy gần đây đều không có máy phóng; nhưng chiếc tàu sân bay thứ ba hoặc thứ tư của Trung Quốc chắc chắn sẽ sở hữu chúng. Với những nâng cấp mới của J-15 là một sự đón trước về kế hoạch đó.
Việc trang bị những máy phóng trên tàu sân bay rất quan trọng, nó có thể giúp các máy bay cất cánh mang được nhiều tải trọng hữu ích hơn. Điều này không chỉ làm tăng sức mạnh chiến đấu của máy bay J-15 mà còn nâng sức mạnh toàn bộ nhóm tàu sân bay.
Tuy nhiên, Trung Quốc phải còn rất lâu nữa mới hoàn thành được mục tiêu này và tới lúc đó thì hải quân Mỹ nói chung và tàu sân bay Mỹ nói riêng đã lại tiến thêm được những bước rất dài. Trung Quốc cứ mơ đi!