Tiêm kích Ấn Độ giội bom trên lãnh thổ Pakistan, nguy cơ chiến tranh bùng nổ: Ai sẽ thắng?

QS |

Hai đối thủ truyền kiếp đang tiến rất sát tới bờ vực của một cuộc xung đột đã chực chờ bùng nổ nhiều năm nay, sau khi Ấn Độ tiến hành không kích trên lãnh thổ Pakistan hôm 26/2.

Tuy nhiên, nếu tình huống xung đột công khai xảy ra thì hai cường quốc này có gì để đối đầu nhau?

Kinh tế và dân số

Theo hãng tin RT, kinh tế và dân số là lợi thế lớn của Ấn Độ. Ngoài ra, theo Viện các nghiên cứu chiến lược quốc tế (trụ sở tại Anh), ngân sách quốc phòng của Ấn Độ trong năm ngoái là 58 tỷ USD, cao thứ 5 trên thế giới. Trong khi đó, Pakistan chỉ dành 11 tỷ USD cho quốc phòng.

Không-hải-lục quân

Quân thường trực của Ấn Độ hiện nay là 1,2 triệu lính. Pakistan bù đắp lại phần nào bất lợi của mình bằng cách triển khai lực lượng lục quân thường trực với quy mô khá lớn, khoảng 560.000 lính.

Tiêm kích Ấn Độ giội bom trên lãnh thổ Pakistan, nguy cơ chiến tranh bùng nổ: Ai sẽ thắng? - Ảnh 1.

Xe tăng T-90 Ấn Độ.

Ấn Độ hiện có 3.500 xe tăng, nhiều hơn Pakistan 1.000 chiếc. Xương sống của lực lượng xe tăng Ấn Độ là T-90 do Nga sản xuất, nằm dưới sự chỉ huy của Tư lệnh lục quân Bipin Rawat (60 tuổi).

Trong khi đó, Tư lệnh lục quân Pakistan Qamar Javed Bajwa (58 tuổi) đang chỉ huy lực lượng tăng-thiết giáp với phần lớn là các mẫu xe tăng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tương tự, Ấn Độ có gần 10.000 đơn vị pháo binh (Pakistan chỉ có chưa đầy 5.000) và 3.100 xe bọc thép chở quân (gấp đôi so với đối thủ).

Pakistan hiện vận hành 425 máy bay chiến đấu với đa dạng chủng loại nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, Trung Quốc.

Ấn độ có tới 800 máy bay sẵn sàng chiến đấu, mặc dù nhiều phi đội trong số đó là các máy bay có từ thời Liên Xô như MiG-21 và MiG-27. Hỏa lực chính của họ đến từ các chiến đấu cơ Su-30 mua từ Nga, với hơn 200 chiếc trong biên chế Không quân Ấn Độ.

Hải quân Ấn Độ cũng có quy mô lớn hơn và tinh vi hơn so với Pakistan. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào thì xung đột hải quân có vẻ sẽ được tính đến sau, bởi khu vực Kashmir mới là điểm nóng trung tâm.

Tiêm kích Ấn Độ giội bom trên lãnh thổ Pakistan, nguy cơ chiến tranh bùng nổ: Ai sẽ thắng? - Ảnh 2.

Tiêm kích F-16 Pakistan.

Năng lực hạt nhân

Nhận thức được những bất lợi khó lòng khắc phục của mình, Pakistan đã đầu tư rất nhiều tiền bạc để xây dựng năng lực răn đe hạt nhân.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, cả hai quốc gia - Ấn Độ và Pakistan – đều tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân chính thức đầu tiên trong năm 1998. Pakistan đã xây dựng được kho vũ khí với 140-150 đầu đạn, trong khi Ấn Độ chỉ có 130-140 đầu đạn.

Song, Ấn Độ lại có ưu thế vượt trội về phương tiện mang phóng. Tên lửa Agni-3 của họ có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 5.000km. Ngược lại, tên lửa tầm xa nhất của Pakistan – Shaheen-2 – cũng chỉ có thể tấn công mục tiêu cách xa 2.000km.

Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra chiến tranh tổng lực, nếu xét tới những hạn chế trên và năng lực đánh chặn của mỗi bên thì Pakistan hay Ấn Độ vẫn sẽ có đủ khả năng gây ra thương vong nặng nề cho đối phương tại những thành phố đông dân trong vài giờ đồng hồ.

Ngoại trưởng Ấn Độ Vijay Gokhale xác nhận quân đội nước này sáng sớm 26/2 đã tiến hành các cuộc không kích tại địa điểm được cho là trại huấn luyện khủng bố nằm ở bên kia Đường Kiểm soát (LoC), biên giới thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan, thuộc khu vực tranh chấp Kashmir.

New Delhi cho biết các máy bay được triển khai sau khi họ nhận được "thông tin tình báo đáng tin cậy" về nguy cơ tấn công khủng bố.

Theo ông Gokhale, khu trại bị không kích được điều hành bởi Jaish-e-Mohammed, nhóm Hồi giáo tại Pakistan chịu trách nhiệm cho vụ đánh bom tự sát hôm 14/2 ở thành phố Srinagar khiến 44 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

New Delhi nhấn mạnh đã tiêu diệt "số lượng rất lớn" các phiến quân được huấn luyện để đánh bom tự sát tại Ấn Độ. Tuy nhiên, Pakistan khẳng định đã đẩy lùi những kẻ xâm phạm lãnh thổ và không có thương vong.

Giới phân tích nhận định việc Ấn Độ thừa nhận không kích trong lãnh thổ của Pakistan sẽ khiến tình hình căng thẳng giữa hai nước gia tăng nghiêm trọng.

Ngoại trưởng Pakistan Shah Memhmood Qureshi cảnh báo Ấn Độ không nên thách thức Pakistan và họ "đã sẵn sàng đối phó với bất cứ rủi ro nào".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại