Hàng bò né Thanh Tuyền được một vị khách người nước ngoài thích thú chia sẻ. Nguồn: Changyaokun
"Bò né - ăn là phải né" và nơi không dành cho ai dậy trễ
Dù nằm cuối con hẻm nhỏ, tiệm bò né Thanh Tuyền vẫn đông tấp nập mỗi sáng dù giờ mở bán có phần kỳ lạ.
Hàng bò né Thanh Tuyền được một vị khách người nước ngoài thích thú chia sẻ. Nguồn: Changyaokun
Dân Sài Gòn không ai mà chưa từng thử qua cái món quà sáng đậm chất miền Tây Nam Bộ: bò né. Trên một con đường ở quận trung tâm, ít nhất phải có 1-2 quán bò né nằm gọn một góc. Thế nhưng, để nói về một quán bò né đúng chuẩn Sài Gòn, tồn tại lâu đời mà vẫn giữ được phong độ xuyên suốt chắc phải kể đến bò né Thanh Tuyền.
Vừa qua khỏi cầu Khánh Hội, rẽ trái vào đoạn đường dưới chân cầu là đã đến gần đoạn vào quán. Tiệm bò né Thanh Tuyền nằm trong một đoạn đường nhỏ cắt giữa Nguyễn Trường Tộ và Đoàn Như Hải, mà nếu ai không biết ý sẽ dễ bỏ lỡ bởi khó có thể tìm thấy nếu đi theo chỉ dẫn từ Internet.
Một quán vô cùng bình dân nhưng lúc nào cũng đông khách. Ảnh: Đan Thanh.
Bò né Thanh Tuyền trông như một ngôi nhà thế hệ cũ được bày thêm bàn ghế làm nơi buôn bán, quán cũng ít trang trí, mà thường tối ưu không gian để kê thêm chỗ phục vụ được nhiều thực khách hơn. Thế nhưng, nhiều người lại mến cái không gian giản dị, đậm nét Sài Gòn xưa chứ không cần quá cầu kỳ này. Bởi có lẽ chung quy lại, chất lượng của chảo bò né mới là thứ níu giữ lượng lớn khách hàng sau từng ấy năm.
Và để nói về tên gọi nghe rất lạ tai về món ăn này thì nhiều người cho rằng do đặc tính của bò né được nấu và phục vụ trực tiếp trên những chiếc chảo bằng gang, mặt chảo có phết một lớp chống dính vừa giúp giữ độ nóng lẫn hương vị món ăn rất lâu. Vì vậy mà khi mang từ bếp ra đến tận bàn, từng chiếc chảo nhỏ luôn có độ nhiệt cao khiến phần dầu nóng trên chảo liên tục bắn lên nên buộc mọi người phải né qua một bên và chờ đến khi "an toàn" rồi mới được thưởng thức. Về hình thức, bò né có phần giống với bánh mì chảo, nhưng nhiệt độ và các món ăn kèm, hay các loại nước sốt lại khác hoàn toàn.
Chảo gang dùng để làm bò né giữ nhiệt cực tốt, nên hãy nhớ né qua một bên chờ đến khi nó nguội bớt thì mới được thưởng thức, nhất là với các trẻ nhỏ bố mẹ nên lưu ý điều này. Nguồn: thankforkau.
Bán 5 tiếng là hết và người nước ngoài ăn xong phải vỗ tay
Khác với nhiều hàng bò né ở thành phố Hồ Chí Minh thường mở cửa từ 8-9 giờ sáng và bán đến chiều tối, tiệm Thanh Tuyền mở cửa từ 6 giờ, vừa kịp thời gian các chú, các dì kịp dùng bữa sau một buổi thể dục sớm. Mở sớm là vậy, nhưng chỉ cần chủ tiệm treo bảng bắt đầu bán, quán đã đông kín khách.
Đến bò né Thanh Tuyền vào sáng sớm ngày chủ nhật, tuy chỉ mới hơn 6 giờ sáng, không khí tại quán ăn nhỏ đã vô cùng tấp nập khi khách ngồi gần kín bàn, gần 10 nhân viên liên tục túc trực nhưng vẫn khó để chu toàn do lượng khách quá đông. Đến khoảng gần 8 giờ sáng, tiệm ăn này chính thức “vỡ trận” khi tốp 5-7 thực khách liên tục tiến vào quán.
Nhân viên quán làm viên không ngừng nghỉ trước lượng khách đông đúc mỗi sáng. Nguồn: michael_chang626, Chang Yao Kun, wen.eats.
Đặc biệt dù nằm khuất trong con hẻm, thế nhưng nhiều du khách nước ngoài vẫn ghé qua bất chấp khung giờ mở bán đặc biệt của tiệm. Ngó sơ bên trong quán có đến 2-3 tốp khách người Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ đã ngồi đợi để được thưởng thức món bò né trứ danh quận 4.
Chị Thủy, chủ quán bò né Thanh Tuyền cho biết, quán đã tồn tại hơn 20 năm ở đất quận 4 này. Dù mở cửa sớm, song, thực khách vẫn ủng hộ đông đảo. Chị Thủy ước tính bò né Thanh Tuyền phục vụ được hơn 300 phần mỗi ngày trong tuần. Đặc biệt vào cuối tuần hay ngày lễ, con số này có thể lên đến gần 600 phần.
Đầu bếp Gilberto Neirotti nổi tiếng ở Ý cũng đã dành rất nhiều lời khen cho nơi này. Ngoài Neirotti thì còn có không ít đầu bếp và du khách nước ngoài khác đến đây thưởng thức. Nguồn: gilbertoneirotti
“Sáng chủ nhật quán thường xuyên vỡ trận do lượng đơn dồn dập, hiện tại vẫn chưa thể phục vụ xong kịp khách nên đôi khi sẽ có một chút sai sót. Mong khách hàng có thể thông cảm cho quán”, chị Thủy chia sẻ rồi vội đi sắp xếp bàn ghế cho tốp khách đã đứng chờ sẵn.
Bí quyết giữ khách đến từ phần pate do tự làm mới mỗi ngày
Nhìn thoáng qua, đĩa bò né ở quán Thanh Tuyền trông có vẻ chẳng khác gì mấy so với những cửa tiệm chuyên bán món này ở Sài Gòn. Thế nhưng chỉ cần nếm thử, người khó tính nhất cũng phải gật gù khen cái vị bùi bùi, béo thơm của pate do đích thân bà chủ chuẩn bị. Lát pate không quá dày nhưng vẫn giữ trọn được vị bùi đặc trưng của món pate gan, màu sắc tươi mới do được quán chế biến hàng ngày.
Bò thì có thể nhiều nơi giống nhau, nhưng pate là thứ được quán vô cùng tự hào khi không nơi nào có hương vị như thế và khi kết hợp với món bò lại vô cùng phù hợp. Ảnh: Đan Thanh, GiangHuyen Lý.
Ngoài ra, phần bò cũng được chủ quán nêm nếm với khẩu vị đặc trưng, mặn ngọt xen lẫn đúng chuẩn vị miền Nam. Trước đó, chủ quán cũng chia sẻ bí kíp giúp phần thịt được mềm, ngấm sốt là phải cấp đông qua một đêm thay vì tẩm ướp ngay sau khi sơ chế.
Mỗi phần bò né ở quán có giá dao động 50.000-70.000 đồng tùy vào nguyên liệu ăn kèm. Trong đó, phần thập cẩm gồm bò xào cháy cạnh, pate thơm mềm và trứng ốp la lòng đào béo ngậy được nhiều thực khách ưu ái nhất bởi đây là phần ăn vừa vặn cho một buổi sáng của người Sài Gòn, vừa đủ đạm, tinh bột mà không quá đắt đỏ.
Ngay khi nhận được yêu cầu từ khách, nhân viên quán đã nhanh chóng xào thịt, chiên trứng trên chiếc chảo gang đặc trưng. Chỉ sau khoảng 5-10 phút, một phần ăn thập cẩm đã nhanh chóng được mang đến bàn cùng ổ bánh mì nóng giòn, chén nước chấm “thần thánh” và phần rau ăn kèm gồm cà chua, xà lách, hành tây thái mỏng.
Chị Kim Hoàng (35 tuổi), khách quen của quán cho biết tiệm bò né Thanh Tuyền như một nơi giúp chị lưu giữ ký ức tuổi thơ. Đĩa bò xào kèm miếng pate, ốp la mang đậm cái hương vị ngọt ngọt của người miền Nam thân yêu. Thế nên dù đã định cư ở nước ngoài cùng chồng, mỗi khi có dịp về Việt Nam, chị đều dành thời gian ghé qua bò né Thanh Tuyền để tìm lại kỷ niệm.
“Hồi bé ba hay chở mẹ và mình đến quán ăn sáng vào những dịp đặc biệt bởi phần bò né ở đây tuy không quá mắc nhưng vẫn là xa xỉ phẩm với gia đình mình ngày trước. Đến giờ dù xa Việt Nam khá lâu nhưng mỗi lần về tôi đều phải ghé đến ăn, do nhớ cái vị pate, không phải ngon nhất nhưng là hương vị quê nhà nhất”, chị Hoàng nói.