Trong đợt mưa kéo dài do áp thấp nhiệt đới vừa qua đã gây tổn thất không nhỏ cho người dân huyện miền núi Tương Dương.
Ông Mong Sơn Tình, trú tại bản Pùng- Ka- Mong, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương cho biết, bản ông là bản thuần dân tộc Khơ Mú, có 152 hộ và gần 800 khẩu thì có hơn 20 hộ sinh sống trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ luôn nơm nớp lo âu và phải sơ tán mỗi khi có đợt mưa lớn.
Ông Mong Sơn Tình cho biết dù chưa xảy ra những sự cố đáng tiếc, nhưng những hiện tượng nguy hiểm thì ngày càng lan rộng và phức tạp hơn. Người dân nơi đây cũng đã xác định đây là khu vực không thể cư trú.
"Ban quản lý, Chi bộ cùng bà con đã họp thống nhất khu vực đó là không thể ở được và phải di dời đi nơi khác".
Tại bản Ăng, xã Thông Thụ huyện Quế Phong, người dân bản có thói quen làm nhà ven sườn núi và ven các khe suối. Biết là nguy hiểm bởi thiên tai nhưng do không có chỗ nào bằng phẳng thuận tiện hơn nên bà con vẫn buộc phải ở đây.
Bản Ăng thuần dân tộc Thái, có 69 hộ, hơn 400 khẩu đều sống quanh các ngọn núi, con suối.
Ông Lô Minh Chủng, Trưởng bản Ăng cho biết: "Đảng và Nhà nước, chính quyền cơ sở thường xuyên quan tâm và nhắc nhở nhân dân nhưng do điều kiện về địa thế. Thứ nữa là dời nhà cửa thì cũng chưa có chỗ nào thuận lợi hơn để di dân".
Hiện nay toàn tỉnh Nghệ An còn gần 10 ngàn hộ, hơn 43.000 nhân khẩu nằm trong trong vùng nguy cơ sạt lở. Lãnh đạo các huyện miền núi Nghệ An cho rằng, di dân tái định cư khỏi những nơi nguy hiểm do thiên tai vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch huyện Quế Phong cho biết: "Hiện nay kinh phí không có, để triển khai thực hiện cho nên việc di dời dân rất là khó khăn.
Huyện muốn đề đạt trung ương và tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để huyện triển khai đề án di giãn dân, những hộ ven sông ven suối nguy hiểm đến tính mạng".
Từ nhiều năm nay, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều công trình đê kè chống sạt lở, thực hiện các chương trình di dân, tái định cư và tăng cường sự chủ động triển khai các hoạt động phòng tránh tại các vùng có nguy cơ cao, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An nói: "Muốn vận động, đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét có thể gây thương tích đến người và tài sản, thì nhà nước phải đầu tư.
Nếu đưa dân đến những vùng không có hạ tầng cơ sở thì người dân cũng không thể tự tạo được cuộc sống cho mình. Hiện nay cũng đã có một số nơi làm cơ sở hạ tầng nhưng chưa xong thì dân cũng không thể đến ở".
Trước mắt, tỉnh Nghệ An đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành chức năng cảnh báo lượng mưa gây lũ quét tại các đồn biên phòng và trung tâm các xã miền núi có nhiều nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét; tăng cường trang bị kiến thức cơ bản, kỹ năng phòng tránh lũ ống lũ quét cho người dân các địa phương.
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, trong khi 3 dự án di dời khẩn cấp, tái định cư cho các vùng thiên tai bị sạt lở trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa được triển khai./.