Vừa ăn ly chè đậu đen, cô Dung vừa tâm sự với chủ quán:
- Nói Gái đừng buồn chớ hồi đầu gặp Gái em sợ thí mồ, mặt Gái dữ quá, nhìn ngầu ngầu, em đâu dám nói chuyện.
Dì Gái tay múc chè lia lịa, cũng không quên cười đáp:
- Cái mặt tui nó hầm hầm vậy, chớ tui hiền khô à. Tui chỉ dữ với một mình ông chồng tui thôi.
Cô Dung nói tiếp:
- Sau này con gái em nó nói Gái dễ thương lắm, rồi tiếp xúc lâu mới thấy Gái hiền thiệt, vui tính quá chừng. Đó, em nói vậy mà Gái còn không thêm cho em miếng nước cốt dừa nữa.
Dì Gái cười hà hà:
- Rồi cô, đưa đây, tui thêm nước dừa, hạch sách ớn hôn.
Dì Gái luôn niềm nở với khách hàng.
Giữa bao nhiêu bộn bề của thành phố, vô tình lạc tới cái góc nhỏ xíu trong con hẻm bình yên này, được nghe tiếng cười nói rôm rả của những thị dân hồn hậu, ăn chén chè ngòn ngọt thanh thanh, tự nhiên thấy lòng vui như đứa con nít.
"Tiệm ăn hàng" của cô chủ hào sảng, mua 3, 4 nghìn cũng bán
Ban đầu tôi không biết nên gọi tiệm của dì Gái là tiệm bánh, tiệm chè, hay là tiệm xôi tại vì mỗi ngày dì bán mỗi món khác nhau, khi thì bán chè trôi nước, hôm bán bánh bèo, bữa bánh khọt, cốm dẹp... Ôi thôi là quá trời đồ ăn từ mặn đến ngọt, nên thôi tạm gọi là tiệm ăn hàng nghe cho nó... khái quát.
Tiệm bánh đủ thứ món của dì Gái. Mỗi ngày sẽ bán một món khác nhau, và giá rất bình dân.
Thường lệ thì cứ 2h chiều là dì Gái cùng chồng lại dọn hàng ra bán ở một góc nhỏ trong con hẻm 211 đường Hoàng Hoa Thám (Phú Nhuận), nhưng trước đó đã có dăm ba vị khách quen đứng đợi, đặng được mua sớm.
Dì Gái ngót nghét cũng trên 50 tuổi, gắn bó với cái nghề bán buôn này từ thời còn con gái đến nay cũng có trên 30 năm thâm niên trong ngành.
Thế nên cũng chẳng có gì lạ khi thấy khách vây quanh quán, liên tục hối, nhưng dì Gái vẫn luôn "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến", tay vẫn lia lịa gắp bánh, múc chè, miệng vẫn cười nói rôm rả. Dì chia sẻ bí quyết: "Buôn bán mấy chục năm nay, chỉ cần cầm hộp bánh lên thấy nặng nhẹ như thế nào là biết đủ bánh chưa, chứ không cần phải đếm, thấy ghê hôn".
À thiệt ra là cũng có mấy lần lo tám mà gắp thiếu bánh cho khách hoặc là quên thối tiền, bữa sau khách quay lại "mắng vốn", dì Gái cười hè hè: mèn ơi, để tui bù cho nghe.
Dì Gái theo nghề đã hơn 30 năm.
Mắng vốn cho vui vậy, chứ khách hàng thì hiểu cô chủ quán này quá rồi, thử hỏi ở cái thành phố này có mấy ai bán buôn mà dễ mến như Gái đâu.
Nhiều bữa khách mua thiếu rồi quên luôn, cô cũng ngại đâu có nhắc, rồi khách mua 3 ngàn bánh, 4 ngàn bánh, cô cũng chịu khó bán chứ không càm ràm. Hay như khách ngồi ăn, rồi tiện tay gắp thêm miếng bánh, xin thêm miếng đồ chua, nước dừa thì dì Gái cũng cười hè hè: cứ tự nhiên.
Khách hàng rất quý dì Gái.
Hễ tiệm đông quá, thì khách sẽ vào phụ dì để làm cho nhanh.
Dì Gái kể: "Bữa hổm có nhỏ kia lại đặt nấu xôi, dì nấu xong giao cho nó thì nó trốn luôn không thèm trả tiền. Nợ có 700 ngàn mà mấy tháng trời nó không thèm trả, cái em gái của dì mới đi đòi thì nó đưa có 200 ngàn.
Dì cũng bỏ qua, coi như mình xui, ai dè bữa sau nhỏ bạn Việt kiều về cho dì 6 triệu. Đó con thấy hông, mình sống sao là ông trời ổng thấy hết trơn hà, mình sống tốt thì dù mất cái này thì cũng được bù cái kia hà".
Những món bánh bình dân nhưng ngon miệng của dì Gái đã giữ chân thực khách bao nhiêu năm qua.
Có lẽ nhờ vậy mà ngày nào tiệm ăn hàng của dì Gái cũng đông khách, dọn ra bán trong vòng 1 tiếng đồng hồ là hết veo, bữa nào ế ế thì có khi hơn nhưng không bữa nào tồn đọng.
Bánh nhanh chóng vơi đi trong 1 giờ đồng hồ.
Khách lúc nào cũng tấp nập.
Bán chè xôi, bán cả niềm vui
Thấy cô khách quen cầm ly trà sữa, dì Gái chọc:
- Ê cho uống miếng trà sữa coi!
Cô khách chống nạnh:
- Mập thù lù còn đòi uống trà sữa. Bù miếng chả nhen!
Dì Gái trề môi:
- Xin nó miếng trà sữa cái nó xin lại mình miếng chả liền hà. (cười)
Hút ké tí trà sữa của khách.
Ở tiệm của dì Gái lúc nào cũng bắt gặp mấy cuộc hội thoại hài hước như vậy. Người ta tìm đến đây mỗi ngày đâu chỉ để ăn dĩa bánh, ly chè mà còn để được sống trong cái không gian gần gũi, đáng yêu của bà chủ quán hào sảng này.
Dì bảo lộc trời cho buôn bán, thì phải vui vẻ với khách chứ!
Ngó tươi cười vậy chứ khối lượng công việc mỗi ngày của dì Gái không hề ít. Mỗi ngày dì thức dậy từ 4h sáng để ra chợ phụ mẹ bán bánh mỳ, đến 8h sáng về nhà chuẩn bị nấu nướng để chiều bán. "Làm liên tục như vậy tới xế chiều mới nghỉ ngơi, thành ra bán xong là quăng chén dĩa ở đó, nằm coi ti vi cho đã rồi 7h tối mới đứng dậy rửa" - dì hóm hỉnh tâm sự.
Mỗi ngày dì Gái phải làm khá nhiều việc nhưng lúc nào cũng tươi cười.
Dì bảo: "Mấy nhỏ trong nhà cứ chê dì Gái quê mùa, suốt ngày chỉ nấu chè đi bán, rồi loanh quanh không biết ngoài đường ngoài xá gì. Nhưng mà dì thấy vậy là được rồi, bán xong ngày nào, lại suy nghĩ ngày mai bán món gì vậy là thấy hết giờ rồi, hơi đâu mà đi chơi".
Hỏi ra mới biết dì Gái và chồng chỉ có một người con gái, nhưng hiện giờ đang có công việc ổn định nên chưa có ý định theo nghề của mẹ. Dì Gái tâm sự: "Dì nói nó miết đó chớ, kêu học nghề của mẹ đi, mai mốt ra bán cho thoải mái.
Mình đi làm công cho người ta nhận lương của người ta là nhận lại bao nhiêu áp lực. Còn buôn bán, mình thích làm ngày nào thì làm, nghỉ lúc nào thì nghỉ, có ai nói nặng nói nhẹ gì đâu".
Thôi thì lựa chọn của mỗi người là khác nhau, dẫu biết dì Gái cũng đã lớn tuổi, nhưng chỉ mong sao cái góc nhỏ này cứ còn hoài hoài, để người ta vẫn có chốn để tìm đến những khi nhớ về một Sài Gòn bình dị.