Tướng xe tăng Trần Doãn Kỷ nổi giận đập bàn rung bần bật, kỷ niệm khó quên

Đặng Văn Phong - Nguyên Trợ lý Tác chiến Lữ đoàn xe tăng 273 |

Ông nổi giận, đập chiếc bàn (ghép bằng lồ ô) rung bần bật: Tại sao đồng chí vô kỉ luật như thế? Bộ đội mà bắn chết dân thì còn ra gì?

Bộ đội Tăng - Thiết giáp Việt Nam hôm nay

Bộ đội Tăng - Thiết giáp Việt Nam hôm nay

LTS: Sau một thời gian lâm trọng bệnh, mặc dù đã được gia đình và các y bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng do tuổi cao, sức yếu, Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng Tăng - thiết giáp đã từ trần ngày 28/11/2021.

Xin giới thiệu những hồi ức, kỉ niệm của cựu chiến binh, Trung úy Đặng Văn Phong, nguyên Trợ lý Tác chiến Lữ đoàn xe tăng 273, một người lính dưới quyền Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ trong những năm tháng ông công tác tại Mặt trận Tây Nguyên.

Đời binh nghiệp gắn bó với Tây Nguyên

Tướng xe tăng Trần Doãn Kỷ nổi giận đập bàn rung bần bật, kỷ niệm khó quên - Ảnh 1.

Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - thiết giáp

Trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình, tôi may mắn được làm việc dưới quyền thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, một vị chỉ huy đủ cả tài, cả đức. Ông thuộc thế hệ những người mở đường, đã tìm ra cách đánh cho lực lượng xe tăng non trẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Tăng thiết giáp của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa, thiếu tướng Trần Doãn Kỷ về nước, công tác tại nhiều đơn vị trong Binh chủng Tăng - thiết giáp, như Tiểu đoàn huấn luyện 10, Trung đoàn xe tăng 202, v.v…

Tuy nhiên, đời binh nghiệp của ông gắn liền với mảnh đất Tây Nguyên. Năm 1971, khi đang là Trưởng ban Tác chiến, Bộ Tư lệnh Tăng - thiết giáp, thiếu tướng Trần Doãn Kỷ được giao nhiệm vụ vào Mặt trận B3 Tây Nguyên, chuẩn bị đón xe tăng vào chiến trường này.

Ban đầu tưởng rằng chỉ vào rồi quay ra Bắc, nhưng Tây Nguyên đã trở thành duyên nợ với thiếu tướng Trần Doãn Kỷ. Có thể nói: Những năm tháng bi hùng nhất, máu lửa nhất cuộc đời ông đã dành cho mảnh đất Tây Nguyên nắng gió.

Cũng chính chiến trường Tây Nguyên gian khó cũng đã tôi luyện nên chất thép trong người lính xe tăng Trần Doãn Kỷ. Với vốn liếng ban đầu là tiểu đoàn xe tăng 297, Trần Doãn Kỷ và các đồng sự đã làm nên chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, bắn pháo mở màn cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên mặt trận Tây Nguyên.

Sự nghiệp của tướng Trần Doãn Kỷ cũng gắn liền với sự trưởng thành của bộ đội xe tăng Mặt trận Tây Nguyên: Khi tiểu đoàn xe tăng 297 được bổ sung thêm các đơn vị từ miền bắc để trở thành Trung đoàn xe tăng 273, Trần Doãn Kỷ cũng được bổ nhiệm Trưởng phòng Tăng - pháo Mặt trận Tây Nguyên.

Dưới sự chỉ huy của ông, bộ đội xe tăng đã đánh thắng nhiều trận giòn giã trong chiến dịch Tây Nguyên, góp công lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 26/03/1975, các lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên được thống nhất thành một quân đoàn chủ lực: Quân đoàn 3 - Binh đoàn Tây Nguyên. Từ tháng 04/1975, thiếu tướng Trần Doãn Kỷ là Trưởng phòng Thiết giáp, Quân đoàn 3.

Sau đó, ông được bổ nhiệm là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn xe tăng 273 (Quân đoàn 3), rồi là Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 3, chỉ huy đơn vị tham gia chiến đấu tại biên giới Tây Nam.

Tướng xe tăng Trần Doãn Kỷ nổi giận đập bàn rung bần bật, kỷ niệm khó quên - Ảnh 3.

Bộ đội xe tăng Việt Nam

Người chỉ huy có đủ tài, đức, ân, uy

Là một người lính của Lữ đoàn xe tăng 273, tôi vẫn nhớ về ông như một người chỉ huy mẫu mực, hết lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ. Chiến trường Tây Nguyên gian khổ, kẻ địch hùng mạnh, mỗi hi sinh của mỗi người lính xe tăng dưới quyền đều khiến ông đau đớn rơi nước mắt.

Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn xe tăng 297 mặt trận B3 Tây Nguyên vẫn nhớ mãi hoàn cảnh hi sinh anh dũng của đại đội trưởng Nguyễn Xuân Luyện, ngay trong trận mở màn chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1972. Anh Nguyễn Xuân Luyện đã có vợ và hai con ở quê nhà, nhưng thời gian vợ chồng thực sự gần gũi nhau cộng lại chỉ tính bằng vài chục ngày phép giữa những lần đi chiến trường.

Lúc bấy giờ, trung tá Trần Doãn Kỷ là Trưởng ban Tăng Mặt trận đi kiểm tra chiến trường, ông rất đau xót khi bắt gặp hình ảnh đại đội trưởng Luyện và một pháo thủ tên Thu đã hi sinh trên xe, thi hài các anh cháy xém.

Ông đã trực tiếp làm công tác tử sĩ, khâm liệm, chôn cất đại đội trưởng Nguyễn Xuân Luyện trong tiếng súng nổ chát chúa vẫn đang vọng về.

Mặc dù khi chôn cất anh Luyện, tướng Trần Doãn Kỷ đã đánh dấu nơi mai táng, nhưng sau khi hòa bình lập lại, khi tìm về thì khu vực đó đã bị giặc càn quét không còn dấu vết.

Đây là điều làm tướng Kỷ day dứt mãi về sau. Sau này, ông luôn luôn quan tâm đến gia đình anh Luyện, để phần nào bù đắp lại những mất mát khi anh ra đi.

Tướng xe tăng Trần Doãn Kỷ nổi giận đập bàn rung bần bật, kỷ niệm khó quên - Ảnh 5.

Tác giả: Cựu chiến binh, Trung úy Đặng Văn Phong, nguyên Trợ lý Tác chiến Lữ đoàn xe tăng 273

Với cá nhân tôi, thời gian gắn bó và có nhiều kỉ niệm nhất với thiếu tướng Trần Doãn Kỷ là khi Lữ đoàn xe tăng 273, Quân đoàn 3 tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế tại Cam-pu-chia năm 1979. Là chỉ huy lữ đoàn, thiếu tướng Trần Doãn Kỷ đã thể hiện là một người chỉ huy có đủ cả tài, đức, ân, uy.

Nhiều cựu chiến binh Quân đoàn 3 vẫn nhớ về trận đánh ngày 03/02/1979, trong tình huống hiểm nghèo, quân Khmer Đỏ có cả xe tăng yểm hộ tấn công dồn dập, lữ đoàn trưởng Trần Doãn Kỷ đã trực tiếp lên xe thiết giáp M-113, sử dụng súng máy 12,7mm và chỉ huy phân đội giải vây cho sở chỉ huy Sư đoàn bộ binh 320.

Trong hoàn cảnh lữ đoàn 273 đang thiếu trầm trọng cán bộ phân đội, đầu năm 1979, tôi (Trung úy Đặng Văn Phong, Trợ lý Tác chiến Lữ đoàn) được cử nắm đại đội 7 xe thiết giáp M-113, yểm hộ cho bộ binh tham gia chiến dịch A7, truy quét tàn quân Khmer Đỏ.

Tôi vẫn nhớ như in khi lữ đoàn trưởng Trần Doãn Kỷ xuống giao nhiệm vụ tiến chiếm mục tiêu trên bản đồ, tôi rất lo lắng: Bản thân là một người lính xe tăng đi lên từ chiến trường, chưa qua trường sĩ quan, nên rất yếu môn bản đồ. Nay được giao nắm đơn vị đi đánh trận, nếu như lạc đường thì không biết hậu quả sẽ ra sao.

Rất may, nhờ có trinh sát của bộ binh dẫn đường nên đại đội vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi đánh chiếm mục tiêu, tôi thở phào, quay lại nhìn thì đã thấy lữ đoàn trưởng xuất hiện từ lúc nào. Có lẽ ông biết tôi mới nắm đơn vị, còn nhiều bỡ ngỡ nên dù giao nhiệm vụ nhưng vẫn âm thầm giám sát từ phía sau.

Ông vỗ vai khen ngợi tôi, rồi lại yêu cầu tôi đưa đại đội quay lại vị trí tập kết. Ông chỉ vào một bãi đất trống trên bản đồ, hỏi: Đồng chí có làm được không? Tôi thành thật trả lời: Dù chưa giỏi đọc bản đồ, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra bãi đất trống. Chỉ cần cho đơn vị bám theo vết xích xe cũ là có thể quay lại được.

Ông gật đầu đồng ý, khen tôi tháo vát, giỏi ứng biến. Nhưng ngay hôm sau, lữ đoàn có lệnh gọi tôi về Ban Tác chiến để … bổ túc thêm về môn bản đồ (!). Đó cũng là một kỉ niệm đáng nhớ của đời lính chiến.

Tướng xe tăng Trần Doãn Kỷ nổi giận đập bàn rung bần bật, kỷ niệm khó quên - Ảnh 6.

Lữ đoàn xe tăng 273 là đơn vị gắn liền với binh nghiệp của thiếu tướng Trần Doãn Kỷ

Sau này, trên chiến trường Cam-pu-chia, tôi tiếp tục được giao nắm đại đội 7 của lữ đoàn 273. Do tính chất hoạt động độc lập, nên đi cùng đơn vị có cả lực lượng thông tin, công binh, trinh sát, v.v…

Có lần, một chiến sĩ thông tin đi cùng đại đội 7 vi phạm kỉ luật, bắn chết một con lợn của dân, bị kiểm soát quân sự Quân đoàn 3 bắt giữ. Kiểm soát quân sự điện về lữ đoàn, nhưng có lẽ do nhầm lẫn nên từ "Lính của đồng chí Phong bắn chết lợn của dân", lại trở thành "đồng chí Phong bắn lợn làm chết dân".

Tin tức về việc tôi "bắn lợn làm chết dân" về đến lữ đoàn như sét đánh ngang tai. Lập tức có điện của lữ đoàn: Ngay ngày mai sẽ có xe của đơn vị đón, đồng chí bàn giao lại nhiệm vụ rồi theo xe về ngay sở chỉ huy lữ đoàn.

Mặc dù không hiểu "đầu cua tai nheo" ra sao, nhưng tôi vẫn phải chấp hành mệnh lệnh. Khi đang ngồi chờ ở Ban Chính trị Lữ đoàn, thì lữ đoàn trưởng Trần Doãn Kỷ gọi tôi sang lán của ông. Ông nổi giận, đập chiếc bàn (ghép bằng lồ ô) rung bần bật: Tại sao đồng chí vô kỉ luật như thế? Bộ đội mà bắn chết dân thì còn ra gì?

Đến lúc này tôi mới hiểu là đã có sự nhầm lẫn tai hại. Tôi vội vàng giải thích: Chỉ có sự việc chiến sĩ bắn chết con lợn của dân, chứ không hề có việc "bắn lợn làm chết dân".

Khi nghe tôi trình bày, gương mặt ông giãn ra, bầu không khí trong lán dịu trở lại. Lữ đoàn trưởng Trần Doãn Kỷ thân mật trở lại, ông nhắc nhở tôi phải lưu ý việc quản lý chiến sĩ, làm tốt chính sách dân vận, rồi cho về tiếp tục nhiệm vụ.

Thật là hú vía. Mặc dù bị ông "mắng oan", nhưng tôi không hề giận mà càng thêm kính trọng ông: Đối với những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, việc giữ gìn tình đoàn kết quân dân là rất quan trọng.

Tướng xe tăng Trần Doãn Kỷ nổi giận đập bàn rung bần bật, kỷ niệm khó quên - Ảnh 8.

Bộ đội xe tăng Việt Nam hôm nay

"Mình là tướng mà!"

Tháng 04/1979, từ Quân đoàn 3, ông được điều động ra làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng - thiết giáp. Sau đó, ông là Đại tá Quyền Tư lệnh, rồi Thiếu tướng Tư lệnh Binh chủng Tăng - thiết giáp cho đến khi nghỉ hưu.

Về phần tôi, mặc dù đã rời quân ngũ, nhưng chất lính vẫn luôn chảy trong huyết quản. Được đồng đội tin tưởng, tôi trở thành Phó Ban liên lạc Cựu chiến binh Lữ đoàn xe tăng 273, Quân đoàn 3.

Trên cương vị mới, tôi lại có nhiều dịp được làm việc cùng với người lính già Trần Doãn Kỷ. Dù bận trăm công ngàn việc, ông vẫn luôn dành sự quan tâm cho những cựu chiến binh, các gia đình thương binh - liệt sĩ của Lữ đoàn 273.

Đó là lữ đoàn tăng - thiết giáp của Binh đoàn Tây Nguyên, là đứa con đẻ mà ông đã dành biết bao nhiêu tâm huyết, đã sống chết cùng với nó trong những năm tháng máu lửa của binh nghiệp.

Tướng Trần Doãn Kỷ dành nhiều sự quan tâm đến các gia đình thương binh, liệt sĩ của lữ đoàn, của bộ đội xe tăng. Lòng nhân hậu của vị tướng già ít người sánh kịp. Gặp các thân nhân liệt sĩ, ông hỏi han về học hành của các cháu nhỏ, về công ăn, việc làm của người lớn, xem có gì có thể giúp đỡ được không.

Tướng xe tăng Trần Doãn Kỷ nổi giận đập bàn rung bần bật, kỷ niệm khó quên - Ảnh 9.

Lữ đoàn tăng - thiết giáp 273 (Quân đoàn 3) trên thao trường huấn luyện

Khi tôi được tháp tùng ông đi công việc, ông luôn giành phần trả tiền xe taxi. Tôi định trả tiền thì ông ngăn lại: "Mình là tướng mà!".

Khi tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị bị bão lụt, ông gọi điện cho tôi để ủng hộ 1 triệu đồng. Tôi xúc động vô cùng: "Bác ơi, xin bác cứ giữ lại tiền đó để dưỡng già". Ông lại cười xòa: "Mình là tướng mà!".

"Mình là tướng mà!" - chỉ bốn chữ đó nhưng đã nói lên rất nhiều điều về con người Trần Doãn Kỷ. Làm tướng theo cách của ông, nghĩa là nhận về phần mình những thiệt thòi để lo cho người khác, là luôn quan tâm đến những người lính dưới quyền, bất kể thời chiến hay thời bình.

Trong hoàn cảnh nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội đã sa ngã, phải chịu kỉ luật, thậm chí vướng vòng lao lý, thì thái độ "làm tướng" của Tư lệnh Trần Doãn Kỷ luôn là bài học để mỗi chúng ta tự nhìn lại mình.

Tiễn ông về thế giới bên kia, những người lính xe tăng chúng tôi, những người lính Lữ đoàn 273 chúng tôi luôn tự hào về người chỉ huy là ông - Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại