Tiếc nuối cả đời của Khổng Minh và 3 bài học về nghệ thuật lãnh đạo đỉnh cao từ Tam Quốc

Trần Quỳnh |

3 bài học lãnh đạo trong Tam Quốc diễn nghĩa là các nguyên tắc bồi dưỡng và quản lý nhân sự được rút ra từ các câu chuyện về những nhân vật nổi tiếng như Tào Tháo, Gia Cát Lượng...

Là một trong "tứ đại danh tác" nổi tiếng của văn học Trung Hoa, tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" từ lâu đã trở nên quen thuộc với độc giả của nhiều thế hệ.

Bên cạnh việc tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Trung Quốc phong kiến, bộ tiểu thuyết đồ sộ này còn được tác giả La Quán Trung gửi gắm không ít những triết lý nhân sinh mà cho tới ngày nay vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa. 

Và 3 bài học sâu sắc về nghệ thuật lãnh đạo dưới đây cũng nằm trong số đó.

Nguyên tắc thứ nhất: Kỷ luật của tập thể phải được đặt lên hàng đầu

Tiếc nuối cả đời của Khổng Minh và 3 bài học về nghệ thuật lãnh đạo đỉnh cao từ Tam Quốc - Ảnh 1.

Câu chuyện về Gia Cát Lượng gạt lệ trảm Mã Tốc chẳng những là bài học xương máu trong việc dùng người mà còn nói lên một nguyên tắc muôn đời đúng về nghệ thuật lãnh đạo. (Ảnh minh họa).

Trong chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất, quân Thục Hán và Tào Ngụy từng giao tranh với nhau tại một cứ điểm trọng yếu lúc bấy giờ. Đó chính là trận chiến xảy ra ở Nhai Đình xảy ra vào năm 228.

Trận đánh lịch sử ấy từng được "Tam Quốc diễn nghĩa" tái hiện lại trong hồi 95 – 96 của tác phẩm này. Trước đó, khi Gia Cát Lượng đang muốn cắt cử tướng lĩnh để điều tới Nhai Đình thì Mã Tốc (em trai tướng Mã Lương) đã là người tình nguyện đứng ra nhận nhiệm vụ.

Bấy giờ, Khổng Minh đã từng nhấn mạnh:

"Nhai Đình tuy nhỏ, nhưng rất hệ trọng. Nếu lỡ ra để mất thì đại quân của ta đều vứt đi cả đó. Ngươi tuy biết thao lược, nhưng ở đó không có thành quách hiểm trở gì, thực khó giữ ấy".

Thông qua lời thoại này, độc giả có thể phần nào đoán được rằng bản thân Khổng Minh biết rõ Mã Tốc không phải là một lựa chọn tối ưu cho cuộc chiến quan trọng trước mắt. Thế nhưng việc vị tướng này chủ động xin lập quân lệnh trạng và hăng hái xung phong tham chiến đã Gia Cát Lượng đành lòng thuận theo.

Dù vậy, ông vẫn bắt Mã Tốc làm giấy cam kết, đồng thời còn phái Vương Bình đi theo và dặn dò kỹ lưỡng về hai yêu cầu quan trọng.

Yêu cầu thứ nhất là "hạ xong trại, phải vẽ địa đồ cả bốn bề tám mặt" để gửi về cho đại bản doanh. Yêu cầu thứ hai là "phàm việc gì, phải thương lượng cùng nhau mà làm, không nên coi thường".

Thế nhưng ngay cả khi đã dùng danh dự của bản thân ra để lập quân lệnh trạng, Mã Tốc vẫn một mực làm theo ý mình mà không để tâm tới can ngăn của Vương Bình. Vị tướng này thậm chí đã "cả gan" cho quân lính hạ trại trên núi, cũng không hề vẽ địa đồ gửi về cho Thừa tướng Gia Cát Lượng.

Kết quả là quân của Tư Mã Ý đã lợi dụng địa thế hạ trại đầy sơ hở như trên để chặn đường tiếp viện, cắt đứt con đường tiếp ứng nước và lương thảo của phe Mã Tốc. Chính nước cờ sai lầm này đã khiến Mã Tốc đại bại, cứ điểm trọng yếu Nhai Đình cũng bị thất thủ.

Sau biến cố trên, Gia Cát Lượng dù không khỏi tiếc nuối cho một vị tướng tài, thế nhưng vẫn vì duy trì kỷ luật của quân đội mà "gạt lệ trảm Mã Tốc", còn tự giáng chức vụ của mình hạ xuống 3 cấp bậc.

Tiếc nuối cả đời của Khổng Minh và 3 bài học về nghệ thuật lãnh đạo đỉnh cao từ Tam Quốc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Bài học rút ra: Câu chuyện Gia Cát Lượng "gạt lệ trảm Mã Tốc" cũng đã nhắc lại một bài học chưa bao giờ cũ đối với những người làm lãnh đạo: Kỷ luật của tập thể phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Khi gặp phải bất kỳ mâu thuẫn nội bộ nào, người lãnh đạo trước tiên phải xử lý dựa trên việc ưu tiên áp dụng kỷ luật.

Cũng giống như câu chuyện Khổng Minh chém Mã Tốc nói trên. Bản thân vị mưu sĩ túc trí đa mưu ấy thà rằng hy sinh một vị tướng tài chứ cương quyết không phá vỡ kỷ cương quân ngũ. 

Tương tự như vậy, việc xử lý những vi phạm trong nội bộ nên được diễn ra một cách công bằng và đúng theo quy định, tuyệt đối không nên ưu tiên hay thiên vị cho bất kỳ cá nhân nào.

Việc tuân thủ kỷ luật không chỉ duy trì sự ổn định trong nội bộ mà còn cải thiện tác phong của các cá nhân thuộc đội ngũ, từ đó giúp tập thể ngày càng trở nên vững mạnh.

Nguyên tắc thứ hai: Lãnh đạo phải là người nghiêm túc chấp hành kỷ luật để làm gương cho tập thể

Tiếc nuối cả đời của Khổng Minh và 3 bài học về nghệ thuật lãnh đạo đỉnh cao từ Tam Quốc - Ảnh 3.

Giai thoại về việc Tào Tháo cắt tóc thay chặt đầu để tự xử phạt bản thân khi vi phạm quân kỷ là minh chứng rõ nhất cho thấy người ở cương vị càng cao càng cần làm gương cho cấp dưới. (Tranh minh họa).

"Tam Quốc diễn nghĩa" hồi thứ 17 từng ghi lại câu chuyện Tào Tháo "cắt tóc thay đầu" để tự phạt chính mình vì vi phạm quân kỷ.

Theo đó, trong một lần dẫn quân đi chinh chiến, Tào Tháo có đi qua một vùng toàn ruộng lúa chín. Dân chúng thấy binh lính kéo đến thì đều chạy trốn, chẳng có lấy một người dám ra đồng làm ruộng.

Bấy giờ, Tào Tháo sai người đi hiểu dụ tất cả bách tính vùng này tập hợp lại một chỗ, sau đó công khai thiết lập quân kỷ:

"Ta phụng chiếu vua đem quân đi đánh giặc, trừ hại cho dân. Nay đang mùa lúa chín, bất đắc dĩ phải khởi binh. Quân tướng lớn nhỏ đi qua các ruộng, ai dẫm lên lúa đều bị chém. Quân pháp thực nghiêm, nhân dân không việc gì phải lo sợ cả".

Trăm họ nghe được lời dụ ấy, ai ai cũng vui mừng ca tụng. Quân lính cũng biết tính cách của Tào Tháo nên chẳng hề dám đi lại bừa bãi, mỗi lần qua ruộng lúa đều phải xuống ngựa, lấy tay đỡ từng bông lúa mạch, lần lượt truyền tay nhau mà đi.

Thế nhưng có một lần, con ngựa của Tào Tháo vì giật mình mà chạy loạn  ra ngoài, nhảy ngay vào đám lúa, xéo nát cả một khoảng ruộng. Tào Tháo sau khi hay tin liền chủ động luận tội chính mình trước ba quân, thậm chí còn toan rút gươm tự vẫn.

Bấy giờ các binh lính vội vã ngăn lại, mưu sĩ Quách Gia cũng phải hết lời khuyên can, Tháo mới tình nguyện "cắt tóc để thay đầu", sau đó lấy kiếm cắt tóc mình rồi vứt xuống đất. Chúng tướng nghe được việc này đều rợn tóc gáy, chẳng ai dám làm sai phép quân.

Tiếc nuối cả đời của Khổng Minh và 3 bài học về nghệ thuật lãnh đạo đỉnh cao từ Tam Quốc - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Bài học rút ra:

Vào thời phong kiến, cổ nhân vốn coi việc cắt tóc là chuyện đại sự. Bởi quan niệm thời bấy giờ vẫn thường cho rằng mái tóc có ý nghĩa vô cùng thần thánh, một khi cắt đi cũng chẳng khác nào đầu lìa khỏi xác.

Tào Tháo lấy việc cắt tóc thay cho hình phạt chặt đầu, nhìn qua tuy có vẻ nhẹ nhàng, thế nhưng đây thực chất là một hình thức tự phạt nghiêm khắc mà không phải ai cũng dám tùy tiện thực hiện.

Hành động dứt khoát của ông chẳng những mang ý nghĩa tự răn đe bản thân mà còn trở thành tấm gương cho quân sĩ, khiến họ biết rằng một khi đã vi phạm quân kỷ thì dù là tướng quân hay binh lính cũng đều bị xử phạt mà không có ngoại lệ.

Câu chuyện Tào Tháo cắt tóc thay chặt đầu cũng thể hiện tầm quan trọng của người lãnh đạo trong việc tự túc duy trì kỷ luật của tập thể. Bởi nếu người đứng đầu không nghiêm túc chấp hành quy định, thì bản thân người đó không những chẳng có được sự nể phục của cấp dưới, mà các cá nhân trong tập thể cũng sẽ vì vậy mà coi thường kỷ luật.

Do đó song song với việc coi trọng kỷ luật chung, những người ở vị trí lãnh đạo cũng phải tự giác chấp hành những luật lệ ấy, có như vậy thì nội bộ của đội ngũ mới có được sự chỉn chu và ổn định.

Nguyên tắc thứ ba: Thay vì ôm việc vào người, hãy dành thời gian để bồi dưỡng nhân tài

Tiếc nuối cả đời của Khổng Minh và 3 bài học về nghệ thuật lãnh đạo đỉnh cao từ Tam Quốc - Ảnh 5.

Trước khi qua đời vì lao lực, Gia Cát Lượng chỉ kịp bồi dưỡng duy nhất một người học trò là Khương Duy. Thế nhưng thực tế lịch sử sau đó đã chứng minh Khổng Minh dù mưu trí cả đời nhưng lại chọn sai người kế nghiệp. (Ảnh minh họa).

Trong lần Bắc Phạt thứ sáu, Gia Cát Khổng Minh vì lao lực quá độ nên đã lâm trọng bệnh, cuối cùng đột ngột qua đời trên đường chinh chiến khi mới 54 tuổi. 

Mặc dù con đường công danh của ông có thể coi là rạng rỡ, nhưng chung quy vẫn chưa kịp đào tạo ra tầng lớp nhân tài thay thế mình cho triều đình Thục Hán.

Đây cũng là lý do khiến cơ nghiệp cả đời mà Gia Cát Lượng cúc cung tận tụy lại rơi vào tình cảnh thiếu vắng đại tướng thiện chiến và các mưu sĩ tài ba sau khi ông qua đời.

Mặc dù sau đó người học trò Khương Duy có tiếp nối đại nghiệp Bắc Phạt nhưng lại không thu được kết quả như mong muốn. Bản thân con trai ruột của Gia Cát Lượng cũng bị đánh giá là không thể so bì với cha ruột về tài năng hay danh tiếng.

Chính yếu tố thiếu nhân tài kế nghiệp như trên đã trở thành một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến giang sơn Thục Hán sau đó rơi vào kết cục diệt vong trong tay Tào Ngụy.

Tiếc nuối cả đời của Khổng Minh và 3 bài học về nghệ thuật lãnh đạo đỉnh cao từ Tam Quốc - Ảnh 6.

Ảnh minh họa.

Bài học rút ra: Cái chết vì lao lực quá độ của Gia Cát Lượng chính là lời cảnh tỉnh cho những người lãnh đạo hoặc các cấp trên đang mang trong mình tâm lý "ôm việc vào người".

Khi đội ngũ còn đang trong giai đoạn phát triển, việc lãnh đạo phải trực tiếp giải quyết nhiều công việc cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng khi đội ngũ đã ngày càng trở nên lớn mạnh thì việc cấp trên quá ôm đồm lại là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của cả tập thể.

Thực tế, một trong những vai trò quan trọng những của người ở vị trí lãnh đạo là định hướng và đào tạo nhân tài để bồi dưỡng tiềm lực ngay từ trong nội bộ.

Ngược lại, nếu các leader mang tâm lý ôm đồm thì chẳng những khiến bản thân bị quá tải mà còn làm cho các cá nhân khác không có cơ hội thể hiện bản thân, từ đó ảnh hưởng tới hiệu suất công việc và thậm chí còn gây ra các mâu thuẫn nội bộ.

Do đó, để một tập thể ngày càng phát triển, những người ở cương vị lãnh đạo nên dành nhiều tâm sức cho vai trò bồi dưỡng năng lực đối với các cá nhân, từ đó đào tạo thêm nhiều nhân tài và biến họ trở thành những người thân tín có thể san sẻ công việc với mình.

Chỉ khi các lãnh đạo, cấp trên chịu hy sinh "đất diễn" của bản thân để nhường "sân khấu" cho các thành viên khác, nội bộ của tập thể mới có thể được ổn định, hiệu suất công việc cũng nhờ vậy mà càng lúc càng nâng cao.

*Dịch từ báo nước ngoài



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại