Hồi đầu tháng 9, trên thị trường xuất hiện tin đồn Tập đoàn Thành Thành Công sẽ mua nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai, và tại đại hội cổ đông vừa qua, bầu Đức đã xác nhận thông tin này.
Theo đó, bầu Đức cho biết, Hoàng Anh Gia Lai hiện đang trong quá trình thương lượng bán mảng mía đường, bán 20.000ha cao su tại Lào và bán một số dự án thuỷ điện tại Lào.
Theo kế hoạch, mảng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai thời gian tới sẽ chỉ còn tập trung vào 3 trụ cột chính là dầu cọ, cao su và bò thịt.
Tuy nhiên, nếu theo dõi tin tức về thị trường đường thời gian gần đây, hẳn bầu Đức sẽ cảm thấy rất xót xa, khi giá đường thế giới đang lên cao nhất 4 năm trở lại đây, sau khi lập đáy vào giữa năm 2015.
Biểu đồ giá đường 4 năm qua. Nguồn: Nasdaq
Giá đường tăng cao trong bối cảnh nhà sản xuất lớn nhất thế giới là Brazil bị ảnh hưởng bởi sương giá vào thời điểm giữa năm, khiến cả sản lượng và chất lượng cùng giảm.
Trong khi đó, hạn hán tại Ấn Độ và lũ lụt tại Trung Quốc cũng khiến các khu vực sản xuất này gặp khó khăn, nguồn cung bị eo hẹp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá đường đã tăng hơn 50% và là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong số 22 nguyên liệu nằm trong chỉ số của Bloomberg. Còn nếu tính từ giữa tháng 8 năm ngoái tới nay, giá đường đã tăng gấp đôi.
Theo nghị quyết đại hội của Hoàng Anh Gia Lai, kế hoạch doanh thu từ đường năm nay là 370 tỷ đồng, bằng với kết quả doanh thu đường trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận gộp 116 tỷ đồng.
Đường là một trong những mặt hàng đem lại lợi nhuận ổn định cho Hoàng Anh Gia Lai, với tỷ suất biên lợi nhuận 30-40%.
Doanh thu từ đường 6 tháng đầu năm đứng thứ 3 trong tỷ trọng của Hoàng Anh Gia lai, chỉ xếp sau mảng bán bò và mảng bất động sản đầu tư.
Còn nhớ, biên lợi nhuận mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai hồi năm 2013 lên tới trên 60%, khi giá thành sản xuất đường của công ty chỉ bằng 1/3 giá thành sản xuất trung bình của các nhà máy đường trong nước.
Hoàng Anh Gia Lai khi đó được nhận nhiều ưu đãi từ chính phủ Lào và đầu tư bài bản, đem lại năng suất cao.