Như đã biết, tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm PJ-10 BrahMos là sản phẩm hợp tác giữa Liên doanh Các doanh nghiệp nhà nước liên bang NPO Mashinostroeyenia của Nga với Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ - DRDO. Trong đó phía Nga phụ trách chính phần động cơ đẩy còn Ấn Độ hoàn tất công nghệ dẫn đường.
Kết quả các cuộc thử nghiệm ban đầu đã cho thấy rõ năng lực của hai bên, trong khi BrahMos dễ dàng đạt tới tốc độ và tầm bắn như thiết kế (vận tốc Mach 2,8; tầm xa 290 km) thì độ chính xác của nó lại không ổn chút nào.
Khi bắn vào mục tiêu là bia nổi neo cố định chẳng hề có chế áp điện tử, tỷ lệ trúng đích của BrahMos chỉ đạt khoảng 60%, con số này là ác mộng đối với quả tên lửa có giá hàng triệu USD bởi vì trong tác chiến thực tế thì chắc chắn xác suất còn thấp hơn nhiều.
Tên lửa BrahMos được trưng bày trong một cuộc triển lãm quân sự tổ chức vào năm 2012
Đứng trước sức ép lớn từ dư luận và do thời gian không được phép trì hoãn thêm, Ấn Độ đã thực hiện bước đi táo bạo, đó là dựa vào mối quan hệ sâu rộng của mình với những cường quốc quân sự trên thế giới, họ quyết định tìm sự hỗ trợ từ Pháp.
Trang Indiandefencenew.in của Ấn Độ ngày 19/6/2015 đưa tin, Pháp đã nhất trí trên nguyên tắc về việc cung cấp công nghệ dẫn đường cho tên lửa BrahMos theo đề nghị từ New Delhi.
Thông tin trên được đưa ra sau cuộc gặp tại Paris hôm 17/6/2015 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian và Quốc Vụ khanh phụ trách quốc phòng Ấn Độ - ông Inderjit Rao Singh.
Phát biểu với giới truyền thông, ông Singh nói rằng đề nghị cung cấp công nghệ cho tên lửa BrahMos đã được nêu ra trong các cuộc gặp với Bộ trưởng Le Drian cũng như lãnh đạo cấp cao của Công ty Safran (Sagem).
Mặc dù nhận được sự ủng hộ, nhưng theo thủ tục thì Sagem vẫn phải xin phép Chính phủ Pháp rồi mới tiến hành hỗ trợ quá trình phát triển BrahMos.
Sự kết hợp công nghệ tiên tiến giữa Nga và Pháp giúp Ấn Độ có một vũ khí cực mạnh với tính năng vượt trội
Sau lần bàn thảo trên, tuy chưa có thông tin khẳng định Paris đã chấp thuận đề nghị của New Delhi, nhưng việc BrahMos bất ngờ tăng xác suất trúng đích lên con số tuyệt đối 100% cho thấy bước tiến thần kỳ trong thời gian ngắn khó lòng do Ấn Độ tự bước trên đôi chân của chính họ, nhất là khi nhìn vào tiến độ hoàn thành các dự án khác như tiêm kích Tejas hay xe tăng Arjun...
Nhờ sự kết hợp giữa động cơ Nga với thiết bị dẫn đường Pháp, Ấn Độ đã nắm trong tay một vũ khí "Liên hợp quốc" cực kỳ lợi hại có tính năng vượt trội so với các đối thủ khác, và quan trọng hơn, kẻ địch sẽ rất khó "bắt bài" phương tiện được tích hợp đa dạng các loại công nghệ tiên tiến khác nhau.