Andy Robertson: Trên đời không có cổ tích, chỉ có kẻ dồn sức theo đuổi ước mơ

Hoài An |

Chinh phục tất cả bằng đôi chân nhanh như chớp và một thái độ như "ăn sống nuốt tươi" đối thủ, đó là Andy Robertson. Hãy cùng đến với những tâm sự của anh trước thềm chung kết Champions League.

TRÊN ĐỜI NÀY LÀM GÌ CÓ CỔ TÍCH

Đầu tiên tôi phải thú nhận một điều như thế này. Không nhiều thứ trên đời có thể khiến tôi khó chịu, ngoài việc ai đó coi những thành công của tôi là một phép màu.

Họ có ý khen ngợi khi nói tôi có cuộc đời giống với Lọ lem trong cổ tích, tôi biết họ có ý đó. Thật cảm kích, nhưng thú thực, nó chẳng đúng chút nào.

Chẳng có ông tiên nào xuất hiện và vẫy cây đũa thần trước mặt tôi cả. Không phải nhờ may mắn mà tôi đang đứng trong hàng ngũ của đội bóng mạnh nhất thế giới.

Việc được là một phần của Liverpool, cũng như trở thành đội trưởng ĐTQG, là thành quả của hàng giờ miệt mài đổ mồ hôi trên sân tập. Nhờ tập luyện chăm chỉ, tôi có thể phát huy được hết tài năng ẩn trong mình và có được vị thế như ngày hôm nay.

Tại sao tôi lại nhắc đến chuyện này? Đó không phải là vì tôi, cũng chẳng phải vì gia đình tôi. Đó là vì chỉ có Chúa mới biết có bao nhiêu Andy Robertson khác trên thế giới này.

Đó là những cậu bé đang phải chiến đấu để chứng minh tài năng của chúng xứng đáng được trao cơ hội, là những cậu nhóc đang cần một quãng nghỉ ngơi để bước tiếp đến nơi mà chúng xứng đáng thuộc về.

Và cả những chàng trai trẻ khác có thể bỏ cuộc ngay từ khi mới bắt đầu vì tin rằng chuyện cổ tích sẽ đến với chúng.

Bây giờ, khi tôi đã có 2 nhóc tì của riêng mình, thông điệp đó trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi không muốn chúng nghĩ rằng cha chúng là một gã khờ được thánh nhân hiền đãi. Tôi muốn chúng hiểu được rằng, dù chúng có tài năng lớn đến đâu, thì ước mơ cũng chỉ có thể được thực hiện nếu ta dồn hết tâm trí của mình vào đó.

Chuyện cổ tích à? Chỉ có trước lúc đi ngủ thôi.

Andy Robertson: Trên đời không có cổ tích, chỉ có kẻ dồn sức theo đuổi ước mơ - Ảnh 1.

Một trong những điều tuyệt vời nhất ở môn thể thao này đó là có rất nhiều người khác giống tôi. Họ có được thành công nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ. Liverpool của tôi có không ít những người như thế.

Chẳng nói đâu xa, hãy nhìn vào ngay trung vệ hay nhất thế giới – Virgil van Dijk. Có bao nhiêu huấn luyện viên và tuyển trạch viên ngày trước tin rằng anh ấy có thể đạt đến đẳng cấp như hiện tại chứ. Hèm! gã ba hoa đó hẳn sẽ nói là ai cũng biết cho coi.

Mo Salah, một trong những chân sút "khét" nhất, từng bị một đội bóng khác ở Premier League ruồng rẫy.

Jordan Henderson từng mất rất nhiều thời gian để chứng minh khả năng của mình, dù những người có cơ hội được đá cùng anh không bao giờ nghi ngờ điều đó. Và bây giờ thì sao? Anh ấy sẽ là người dắt chúng tôi ra khỏi đường hầm, trong một trận chung kết Champions League, lần thứ 2 liên tiếp.

Tôi vẫn còn đầy những câu chuyện như thế. Nếu tất cả chúng đều được coi là phép màu, chúng tôi sẽ có nhiều những câu chuyện cổ tích hơn cả Andersen. Nhưng đây không phải phép màu, nó là thành quả của sự kiên định tập luyện chăm chỉ.

Điều đó cũng đúng với cả CLB này. Chúng tôi có được thành công hiện tại nhờ cùng nhau tập luyện và cùng nhau tin tưởng rằng không một giới hạn nào là không thể chạm đến.

Đấy cũng là lý do tại sao chúng tôi có thể trở lại từ thất bại 3-0 trước Barcelona ở lượt đi. Chúng tôi không chỉ đợi số mệnh đến và chọn mình. Chúng tôi tự tạo ra số mệnh. Không một ai có thể ngăn cản chúng tôi, kể cả Lionel Messi, cầu thủ hay nhất tôi từng đối đầu.

ANFIELD VÀ MÀN TRỞ LẠI ĐỂ ĐỜI

Chắc chắn có nhiều người không tin Liverpool có thể lết đến trận chung kết, đặc biệt là sau khi chúng tôi bị dập cho tơi tả tại Nou Camp. Dù vậy, vẫn có gì đó ở trận lượt đi cho chúng tôi hy vọng. Chúng tôi biết rằng mình có thể thắng Barca.

Vấn đề ở đây, là thần may mắn đã không chọn Liverpool trong những khoảnh khắc quyết định. Với Anfield là điểm tựa, thế giới này có thể bị đảo ngược.

Andy Robertson: Trên đời không có cổ tích, chỉ có kẻ dồn sức theo đuổi ước mơ - Ảnh 2.

Thú thực, nếu tôi là một người dễ rung cảm, tôi sẽ cảm thấy rất tiếc cho các cầu thủ Barca tối hôm đó. Những điều họ phải trải qua có gì đó thật bất công.

Sự hòa quyện đầy ma mị của đam mê, của lịch sử, của niềm tin bất biến trở thành một lợi thế đưa Liverpool trở về từ cõi chết từ lần này đến lần khác. Vì thế, các cổ động viên giờ đây đã học được cách tin vào những điều không thể. Họ đã từng chứng kiến nó, vậy tại sao họ không thể mong chờ nó xảy ra thêm lần nữa?

Trong phòng thay đồ ở giờ nghỉ giữa 2 hiệp, chúng tôi bảo nhau rằng mình vẫn còn cơ hội. Các cầu thủ biết rằng cả HLV và các CĐV đều đặt niềm tin mạnh mẽ. Tôi có thể nghe thấy điều đó từ khắp 4 phía khán đài. Chúa ơi, chúng tôi biết hết chứ. Và quan trọng nhất, các cầu thủ, những người trực tiếp xỏ giày ra sân, tin vào chính bản thân mình và tin vào 10 đồng đội khác trên sân.

Thật khó tin khi Divock ghi bàn ở ngay phút thứ 7. Từ khoảnh khắc ấy, tôi biết, tôi chắc chắn Anfield sẽ tạo nên điều kỳ diệu. Tất nhiên tôi không có ý thiếu tôn trọng Barcelona, nhưng đêm đó là của riêng Liverpool. Sắc đỏ trên khán đài truyền lửa cho những đôi chân bên dưới sân đấu, và khát khao của các cầu thủ trở nên lớn hơn bao giờ hết.

Những cảm xúc ấy không đến khi Messi với đôi chân ma thuật của anh ấy đánh sập chúng tôi ở trận lượt đi. Sau trận đấu, dễ hiểu thôi mà, tất cả đều suy sụp. Thế rồi Klopp bước vào, vẫn tếu táo và ồn ào như thường lệ :

"Nào, các cậu trai. Chúng ta không phải đội bóng mạnh nhất thế giới. Các cậu biết mà. Có thể họ mới là những người giỏi nhất. Nhưng kệ chứ. Tôi cóc quan tâm. Chúng ta có thể đánh bại đội bóng mạnh nhất. Làm lại thôi !".

Chúng tôi mất vài khoảnh khắc, hoặc có thể là cả chuyến bay về Liverpool để quyết định đặt niềm tin vào ông ấy. Nhưng nghĩ lại, đó có lẽ là khoảng khắc đã thay đổi tất cả. Trong bóng đá, người ta cứ hay nói về cái gọi là niềm tin.

Đội nào chả nói họ có niềm tin sau mỗi cuộc lội ngược dòng, tuy nhiên không phải đội bóng nào cũng có thứ niềm tin ấy. HLV đã thổi lên ngọn lửa hy vọng, và rồi Anfield đã làm phần việc mà nó phải làm.

Andy Robertson: Trên đời không có cổ tích, chỉ có kẻ dồn sức theo đuổi ước mơ - Ảnh 3.

Khi chúng tôi bước ra khởi động, cả sân đấu dường như cùng rung chuyển. Tất cả đều tin vào điều họ đã nghĩ tới. Chúa như đã sắp đặt trước mọi chuyện.

Khi Origi ghi bàn thắng sớm, bạn đơn giản là có thể nhìn thấy ngọn lửa niềm tin bùng cháy trong mắt mọi người. Các CĐV phát điên cả lên. Còn Hendo, Milly và cả Virgil, họ chỉ lặng thinh và vẫy tay về phía khán đài như thể: "Chúng tôi sẽ còn tiếp tục."

Buổi tối điên rồ đó chắc chắn sẽ đi vào lịch sử. Bất cứ ai yêu đội bóng này sẽ nhớ họ đã ở đâu, cùng ai trong cái đêm không tưởng ấy. Với cá nhân tôi, nó càng trở nên đặc biệt bởi quãng đường tôi đã trải qua để đến được với trận đấu ngày hôm đó. Tôi nhớ mọi thứ đã từng khó khăn như thế nào.

Tôi biết, nếu tôi cứ dừng lại và nghe những lời càm ràm ở bên đường, sẽ chẳng có cách nào để tôi đến được Anfield ngày hôm đó. Nếu tôi dừng lại, có thể tôi sẽ vĩnh viễn chỉ là một anh chàng nào đó ngồi trên khán đài và không ngừng hiếu kỳ về những gì mình đang có hiện tại.

QUÁ KHỨ CHÔNG GAI

Tôi lớn lên trên khán đài sân Celtic Park. Gia đình chúng tôi có 4 vé cả mùa. Mỗi cuối tuần, tôi đến đó cùng bố, mẹ và anh trai. Tôi và ông anh mình có poster của Henrik Larsson treo khắp phòng. Ông ấy là một huyền thoại, huyền thoại 100%.

Tôi khi đó còn có cả giấy dán tường màu xanh lá cây. Celtic như một phần của gia đình tôi – cả ngày trước lẫn bây giờ đều vẫn thế. Tôi gia nhập đội trẻ của Celtic từ khi còn bé tí. Thuở ấy, bất cứ khi nào chơi bóng, tôi đều tưởng tượng mình đang đá ở Celtic Park.

Hồi mới tập đá bóng, tôi thi đấu ở vị trí cao hơn bây giờ. Bố tôi cho tôi 2 bảng với mỗi bàn thắng tôi ghi được. Tôi nghĩ lúc ấy mỗi mùa mình đã kiếm được khoảng 75 bảng, không như bây giờ, chắc tôi sẽ nợ ông ấy tiền mất vì tôi đâu có phải Salah.

Sau này, tôi lùi xuống đá thấp hơn ở hàng tiền vệ. Đến mùa cuối cùng ở Celtic, HLV dùng tôi cả ở giữa và cánh trái. Rồi đùng một cái, Celtic thay giám đốc kỹ thuật mới, và vì lý do nào đó, tôi không còn nằm trong kế hoạch của CLB nữa.

Trong lần gặp mặt cuối mùa, các HLV bảo tôi rằng họ sẽ thải loại tôi. Khi đó, tôi mới 15. Tôi còn cách 1 năm nữa để ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên, để trở thành cầu thủ đội 1 của Celtic. Nhưng tất cả đã tiêu tan, như thế đó.

Mẹ ghét nhìn anh em chúng tôi khóc. Giờ khi cả 2 đã lớn thì bà vẫn vậy. Ngày đó, bà đã phải chứng kiến tôi khóc như mưa. Để dỗ dành tôi, bà đã mua một phần cà ri từ quán mà tôi thích nhất. Hôm ấy là một ngày giữa tuần, và trước đây tôi chưa bao giờ được ăn cà ri vào giữa tuần cả. Tuy nhiên, tôi chẳng ăn hết nổi suất đó. Bà nhìn và biết tôi đã đau đớn nhường nào.

Andy Robertson: Trên đời không có cổ tích, chỉ có kẻ dồn sức theo đuổi ước mơ - Ảnh 4.

Tôi đã rất suy sụp, nhưng thật may mắn, gia đình đã luôn ở phía sau làm điểm tựa cho tôi. Bố mẹ động viên tôi tiếp tục giấc mơ bóng đá, ngay cả khi chính tôi cũng nghi ngờ bản thân mình.

Tôi đến Queens Park thử việc vào năm 2010. Đó là một đội bóng nhỏ, nếu không muốn nói là nhỏ nhất ở Glasgow. Ở đó thật khác. Đã có hôm tôi kiếm được tới 6 bảng. Queens Park giống như một đội bóng phong trào hơn. Phần lớn các cầu thủ chỉ đá bóng sau khi trở về từ những công việc khác. Tôi cũng không phải là ngoại lệ.

Tôi làm đủ thứ nghề. Tôi đi làm vườn thuê, dọn dẹp lau chùi các thứ cho đội 1, rồi thỉnh thoảng là cả mấy việc lặt vặt ở Hampden Park mỗi khi đội tuyển Scotland thi đấu nữa.

Bố mẹ nói với tôi, nếu tôi không nghiêm túc tập trung vào bóng đá, thì hãy nghĩ về trường đại học dần đi. Thế là tôi đâm đầu vào tập luyện để tiến bộ hơn nữa. Đó mới là công việc, mới là áp lực thực sự.

Người ta vẫn hỏi tôi về áp lực khi chơi cho Liverpool. Tất nhiên là rất nặng nề chứ. Tin tôi đi, tôi cảm nhận được nó mà. Tuy nhiên, đây lại là chuyện khác, là gánh nặng trang trải cuộc sống. Ở đây, nếu bạn làm không tốt, bạn sẽ phải từ bỏ mọi thứ mình yêu.

Đó mới là thứ áp lực khủng khiếp nhất mà tôi từng phải trải qua. Và trong tình cảnh như thế, tôi bắt đầu thực sự tin vào bản thân mình, có lẽ là lần đầu tiên trong đời, bởi tôi không còn sự lựa chọn nào khác.

Vài năm sau, Dundee United đến gõ cửa. Gia nhập Dundee giúp tôi có thể hoàn toàn tập trung vào bóng đá mà vẫn có đủ tiền. Nhưng ngẫm lại, những công việc tay trái ngày trước đã giúp tôi hiểu ra nhiều điều, về cuộc sống của những con người không liên quan đến bóng đá.

Khi tôi có cơ hội đến Hull City năm 2014, tôi cho rằng mình đã khá từng trải. Trước đấy, ước mơ của tôi vẫn luôn là trở thành một gã cự phách ở giải Scotland. Khi tôi cắt tỉa cây cảnh, khi tôi đổ rác, tôi không mảy may nghĩ đến một ngày, mình sẽ chơi ở Champions League, trong màu áo Liverpool.

Nhắc lại thì khá là hài hước. Thời điểm tiền mùa giải năm đó, tôi cũng nghe nói một vài đội bóng muốn có mình và thú thực, tôi không quan tâm lắm. Bà xã tôi lúc đó đang bầu bí và 2 vợ chồng thì phải tất bật chuẩn bị cho nhóc tỳ sắp chào đời. Cặp bố mẹ nào cũng vậy mà nhỉ.

Rồi tôi nghe tin Liverpool muốn có mình.

LÀ LIVERPOOL ĐẤY

Andy Robertson: Trên đời không có cổ tích, chỉ có kẻ dồn sức theo đuổi ước mơ - Ảnh 5.

Khi bạn biết Liverpool quan tâm đến mình, bạn sẽ nhấc điện thoại lên và gọi cho người đại diện của mình trong vòng 5 giây sau đó. Tôi đã không phải tư lự chút nào để đặt bút ký vào bản hợp đồng với CLB. Đó là quyết định dễ dàng nhất cuộc đời tôi.

Tôi đang ở trên mây không được lâu thì bị kéo tụt về thực tại. Các bài kiểm tra y tế kéo dài đến 2 ngày. Chế độ ăn ở đây thật kỳ quặc vì đội ngũ y tế muốn đảm bảo sức khỏe của tôi.

Qua mấy bài đó rồi, tôi phải đến Melwood làm bài kiểm tra lactate. Tôi chạy cùng Danny Ings. Sau vài vòng sân, tôi cảm thấy cái dạ dày mình có vấn đề. Tệ quá, tôi biết chứ, nhưng làm gì được bây giờ. Thế là tôi cắm đầu chạy tiếp. Vài phút sau, tôi gục hẳn xuống, nôn hết cả ruột gan ra ngoài, ngay tại Melwood.

Melwood thiêng liêng từng in dấu giày của King Kenny Daghlish, của Ian Rush, của Steven Gerrard, ngày hôm ấy lại in dấu chân của một thằng nhóc Scotland nôn mửa ngay trước mặt đội ngũ y tế.

Tôi vẫn hay nghe nói ấn tượng đầu là quan trọng nhất. Trời ạ, có Chúa mới biết những người ở đó đã nghĩ gì về tôi nữa.

Ngày hôm sau, tôi gặp HLV. Chưa thấy người đã thấy tiếng, chắc ông ấy hẳn đã nghe chuyện của tôi hôm trước đó. Tôi quay người lại, thấy ông đang bước về phía mình, tay xoa xoa bụng. Cả ekip đằng sau ông đều không nhịn được cười.

Rồi ông ôm tôi một cái thật nồng ấm. Phù, nhẹ cả người.

Cả đội cho tôi bầu không khí thật dễ chịu suốt một tuần sau đó. Thực lòng mà nói, tôi đã mất khá nhiều thời gian để thích nghi được rằng, mình là một cầu thủ của Liverpool. Tôi mang trên mình chiếc áo đỏ này. Tôi mặc đồng phục của CLB đi mọi nơi, kể cả ở nhà, nhưng có gì đó khiến tôi cảm thấy mình chưa hoàn toàn là một phần của đội bóng này.

Vài tháng đầu tiên không thật như ý. Hệ thống của chúng tôi khá phức tạp. Tôi đã phải tập trung hết sức trên sân tập để lĩnh hội nó, để hiểu được HLV cần gì ở một hậu vệ biên. Mỗi khi tôi không thấy tên mình trong đội hình ra sân, niềm tin trong tội lụi đi một ít. Nhưng sau tất cả những trải nghiệm, những biến cố trong cuộc đời, ở Celtic và ở Queens Park, tôi biết rằng mình phải thật kiên nhẫn.

Thế rồi tôi lao đầu vào tập luyện, chăm gấp 5,10 lần người khác để được HLV chú ý tới. Cuối cùng, ông ấy cũng làm thế. Có lẽ Klopp đã chờ tôi. Ông đã kiên nhẫn chờ cho đến một ngày tôi có đủ tự tin và đủ tâm thế để thực sự trở thành một phần của đội bóng này. Khi ông đưa tôi vào đội hình xuất phát, tôi cảm thấy mình hoàn toàn sẵn sàng.

LIVERPULDIAN

Ngay từ ngày đầu đặt chân đến đây, tôi đã cảm thấy sự nồng nhiệt từ các CĐV. Năm ngoái, họ đã ở bên chúng tôi suốt con đường đến với Kiev và cả sau đó nữa. Đó là một đêm thật tệ. Bạn sẽ chỉ có thể sống với nỗi buồn ấy mà không bao giờ quên được nó. Tôi nhớ sự im lặng bao trùm khắp phòng thay đồ. Tôi nhớ sự đau buồn của mọi người trên chuyến bay về nhà nữa.

Tôi nhớ cả những tiếng hát "You will never walk alone" khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.

Các fan vẫn cất lên bài ca ấy từ tận đáy lòng mình, và chúng tôi biết rằng, mình nợ họ một điều gì đó.

Cả đội về tới Melwood lúc 4 giờ sáng. HLV đi tới ôm từng người và nói rằng ông tự hào về chúng tôi, và rằng chúng ta sẽ trở lại.

Bằng một cách nào đấy, sau một chặng đường thật dài, sau trận phơi áo trước Barca, ông ấy đã đúng…

Chúng tôi thực sự đã trở lại.

Andy Robertson: Trên đời không có cổ tích, chỉ có kẻ dồn sức theo đuổi ước mơ - Ảnh 6.

Ý nghĩa của cơ hội lần này đối với chúng tôi thật khó diễn tả. Cả đội đã có một mùa giải tuyệt vời, với nhiều thăng trầm và cả những khoảnh khắc vô cùng cảm xúc. Đối với tôi, đó còn là một dịp thích hợp để ngẫm lại mọi thứ đã qua. Từ việc bị Celtic thải loại đến chiếc áo đỏ này, thật khó tin.

Chiến thắng trong trận đấu cuối cùng này có ý nghĩa thật lớn lao. Không ai xứng đáng với danh hiệu này hơn các CĐV, những người đã ở bên đội bóng dù trên đỉnh cao hay dưới vực thẳm.

Nhưng giống chúng tôi, họ biết rằng mình sẽ phải đối đầu với một đối thủ rất khó nhằn – Spurs. Mauricio Pochettino và các cầu thủ của ông ấy cũng sẽ quyết tâm chẳng kém để làm nên điều đặc biệt trong một trận đấu đặc biệt như thế này.

Điều tôi quan tâm nhất chính là định mệnh nằm trong tay mỗi chúng ta. Nếu có gì đó tôi có thể chắc chắn, thì đó chính là không gì có thể ngăn cản chúng tôi, các cầu thủ, biến giấc mơ của người hâm mộ trở thành hiện thực.

Nó sẽ không phải là một câu chuyện cổ tích.

Chỉ đơn giản là chúng tôi xứng đáng với điều đó.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại