Theo quan niệm của người Việt, bát nhang là cầu nối thể hiện tấm lòng tưởng niệm, tưởng nhớ cũng như ước nguyện của gia chủ với các vị thần linh, gia tiên. Tuy nhiên, bát hương cũng được chia ra nhiều loại khác nhau.
Phân biệt bát hương:
Theo Kiến Thức, thông thường có 3 loại bát hương. Loại thứ nhất là thờ Phật (tác dụng giúp gia chủ cầu mong sự bình an thanh thản, giải thoát tai ương).
Loại thứ hai là thờ Thần (tác dụng thờ thổ công, long mạch, thần tài, tiền chủ những vị cai quản mảnh đất mình cư ngụ, cầu giúp gia đình ăn ở yên ổn).
Loại thứ ba là thờ gia tiên (thờ những người đã khuất trong gia đình hoặc dòng họ).
Các gia đình thường làm lễ quan soái (sửa bát hương) cùng với ngày cúng ông Công ông Táo. Đây là thời điểm quét dọn bàn thờ, lau chùi đồ thờ cúng để bàn thờ được sạch sẽ, gọn gàng và nghiêm trang đón năm mới.
Có quan niệm cho rằng, chỉ được phép di chuyển các đồ đạc khác, nhưng bát hương thì không được phép di chuyển.
Rút chân nhang vào lúc nào chuẩn nhất?
Theo GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, theo dân gian, việc dọn bát hương thường tiến hành sau ngày 23 tháng Chạp hằng năm.
Trước Tết Nguyên đán, các gia đình người Việt thường làm lau dọn bàn thờ, tỉa chân nhang. Ảnh: Tin tức Việt Nam.
Có nhiều tập tục để bao sái bàn thờ cuối năm, tùy điều kiện, gia chủ có thể tiến hành lau dọn bàn thờ tổ tiên vào một ngày khác, miễn là trước 30 Tết.
Trước khi tiến hành, gia chủ sẽ thắp hương xin phép. Tất cả chân hương cả một năm nên được rút bớt, sau đó hóa cùng với tiền vàng.
Trước khi thực hiện công việc này, theo quan niệm dân gian, con cháu thường thắp hương, đọc văn khấn để xin phép các cụ, tổ tiên.
Những điểm cần chú ý:
Đối với việc thay tro bát hương, gia chủ chỉ nên thay tro khi tàn hương đã phủ quá đầy bát hương. Cùng với đó, trước khi thay tro bát hương cần thắp hương báo cáo ông bà tổ tiên.
Việc thay tro phải do người đứng đầu trong nhà làm hoặc người chỉn chu, có tâm trong việc thờ cúng.
Ở các miền quê, mỗi khi đến mùa gặt, các gia đình thường chọn một ít rơm tươi (thường là rơm gạo nến) để phơi ở nơi sạch sẽ. Rơm này sẽ được đốt để lấy tro thay vào bát hương dịp cuối năm.
Ở các thành phố lớn không sẵn rơm như quê, các gia đình có thể mua tro ở một số cửa hàng bán đồ thờ cúng. Tuy nhiên, vì không biết nguồn gốc tro này có thực sự sạch không vì vậy các chuyên gia thường không khuyến khích việc thay tro bát hương.
Khi thay tro bát hương thì lấy một mảnh vải (hoặc giấy) sạch, trải trên bàn rồi nhấc dứt khoát 1 lần bát hương ra, sau đó đổ hết chân hương và tro ra mảnh vải (giấy). Lấy khăn sạch bao soái bát hương.
Tro mới được bỏ vào bát hương cần ấn chặt để khi cắm hương, quê hương không bị nghiêng ngả. Tro mới nên để khoảng nửa bát hương, bởi nếu cho quá nhiều thì tàn hương rơi xuống sẽ khiến bát nhang nhanh đầy, còn cho quá ít thì khi cắm hương sẽ không chắc chắn.