Theo Guardian, tỉ phú Kukes người Mỹ gốc Nga, vì Kukes chào đời năm 1946 ở Moscow, rời Liên Xô năm 1977 khi ở độ tuổi 20. Kukes sống ở Mỹ và trở thành công dân Mỹ năm 1982, điều cho phép ông có thể tặng tiền cho các quỹ chính trị.
Trước đây, Kukes chưa hề tặng tiền cho đảng chính trị nào. Nhưng ông bắt đầu tặng tiền cho quỹ tranh cử của ông Trump khoảng 2 tuần sau cuộc gặp tại Tháp Trump (ở New York) hồi tháng 6.2016, nơi mà con trai và con rể ông Trump và trưởng ban tranh cử Paul Manafort gặp một luật sư Nga, người đã nói có thông tin “bẩn” về ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton.
Kukes tặng tổng cộng 273.000 USD cho ủy ban tranh cử Trump Chiến thắng, và ủy ban này chia tiền cho tỉ phú Trump, Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) và các chi bộ đảng Cộng hòa ở các bang.
Trong thời gian đó, Kukes thường liên lạc với Vyacheslav Pavlovsky, một quan chức Điện Kremlin từng đảm nhận nhiều nhiệm vụ cấp cao ở Bộ Ngoại giao Nga.
Pavlovsky còn là Đại sứ Nga tại Na Uy từ tháng 7.2010 đến tháng 5.2016 thì được Tổng thống Nga Vladmir Putin cho phép nghỉ, để Pavlovsky chuyển qua giữ vai trò hiện nay là Phó chủ tịch Russian Railways, công ty đường sắt nhà nước Nga vốn từng có lãnh đạo là Vladimir Yakunin, một cựu đồng đội của ông Putin ở Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB).
Trong một thư điện tử viết hồi tháng 7.2016, Kukes viết bằng tiếng Nga: “Tôi đang tham gia tích cực vào cuộc tranh cử của Trump. Tôi còn là một thành viên nhóm phát triển chiến lược”.
Kukes còn gởi ảnh chụp cô bạn gái 29 tuổi người Nga của ông cho Pavlovsky, đồng thời ngỏ ý muốn gặp Pavlovsky ở Thụy Sĩ, nơi ông sẽ đến từ ngày 20.7 đến ngày 2.8.2016.
Một tuần sau, Kukes lại gởi thư điện tử, hứa sẽ giới thiệu Pavlovsky với “một người bạn thân mới bay đến”, là giám đốc một công ty dầu khí và ông đã nói chuyện với người này “về những dự án rất thú vị cho Nga và Mỹ. Tôi hy vọng một trong các dự án đó sẽ thành hiện thực”.
Lúc đó Pavlovsky vừa nghỉ làm việc ở Bộ Ngoại giao Nga để bắt đầu làm Phó chủ tịch Russian Railways. Ông hồi âm rằng không thể đến gặp Kukes vì bận việc. Ông ký tên và thêm chữ “thân ái”.
Ngày 13.8.2016, Kukes dự một dạ tiệc gây quỹ cho ông Trump ở New York, cụ thể là tại nhà của Woody Johnson, một người ủng hộ đảng Cộng hòa và nay là Đại sứ Mỹ tại London.
Kukes gởi ảnh ông dự kiện này cho Pavlovsky, cho thấy ông đứng cạnh cựu thị trưởng Rudy Giuliani của New York, người nay là một thành viên trong nhóm luật sư Nhà Trắng thời Tổng thống Trump.
Tỉ phú Kukes (bên phải) với cựu thị trưởng Giuliani - Ảnh: Guardian
Ngày 28.9.2016, Kukes tặng 99.000 USD cho quỹ Trump Chiến thắng. Hôm sau, ông cùng vợ tương lai Svetlana Stanovkina dự một sự kiện gây quỹ khác ở một khách sạn thuộc New York. Cô vợ đã có ảnh chụp chung với ông Trump và ông Mike Pence, ứng viên phó tổng thống Mỹ.
Ngày 9.11.2016, vài giờ sau khi ông Trump bất ngờ trúng cử tổng thống, Kukes nhận thư điện tử của Pavlovsky gởi từ Moscow: “Hello, Semyon thân. Chúc mừng!”.
Không thể rõ vì sao Kukes và Pavlovsky trở thành bạn bè, nhưng các cuộc liên lạc giữa hai người sẽ thu hút sự chú ý của Công tố viên đặc biệt Robert Muller, người chỉ huy FBI điều tra hai nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga.
Có tin ông Muller đang tìm những người Mỹ có quan hệ thân cận với Moscow và tặng tiền cho đảng Cộng hòa, gồm Kukes, Len Blavatnik và Andrew Intrater.
3 công dân Mỹ này đã tặng tổng cộng gần 2 triệu USD cho quỹ tranh cử của ông Trump. Intrater sinh ở Mỹ nhưng có họ hàng với đại gia Nga Viktor Vekselberg, điều hành một chi nhánh ở Mỹ của tập đoàn Renova của Vekselberg.
Gần đây, FBI thuộc quyền Công tố viên Mueller đã thẩm vấn Vekselberg khi ông đến Mỹ bằng máy bay riêng. Vekselberg là một trong các đại gia Nga bị Mỹ cấm vận hồi tháng 4, với lý do ông “giữ vai trò quan trọng trong những hoạt động nham hiểm của Nga”.
Thông qua công ty Access Industries của mình, Blavatnik (sinh ở Ukraine thời Liên Xô và có quốc tịch Anh, Mỹ) đã tặng 133.600 USD cho RNC hồi năm 2016, thêm 1 triệu USD nữa cho lễ nhậm chức của ông Trump.