Bà Paelvi Pulli, người đứng đầu cơ quan chính sách an ninh của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ, mới đây tiết lộ với Reuters rằng Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đang soạn thảo báo cáo về các phương án an ninh, kể cả tập trận chung với các nước NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), các chuyến thăm cấp cao và thường xuyên giữa giới chức quân sự và chính trị gia hai phía.
"Sau cùng, có thể có những sự thay đổi liên quan đến cách thức nhìn nhận trung lập" – bà Pulli chia sẻ trong buổi phỏng vấn hồi tuần rồi.
Binh sĩ Thụy Sĩ trong một cuộc tập trận trên sông Aere gần TP Doettingen - Thụy Sĩ hôm 20-4. Ảnh: Reuters
Ý tưởng gia nhập NATO cũng đã được thảo luận nhưng không giống Thụy Điển và Phần Lan – những quốc gia cũng có lịch sử trung lập và đang trên hành trình gia nhập NATO – báo cáo nhiều khả năng không khuyến nghị Thụy Sĩ tiến hành nước đi tương tự, bà Pulli cho biết thêm.
Theo Reuters, báo cáo dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 9 để đệ trình cho nội các và quốc hội Thụy Sĩ cân nhắc. Tài liệu này sẽ được xem là nền tảng cho các quyết định tiềm tàng liên quan đến lộ trình của chính sách an ninh Thụy Sĩ trong tương lai.
Bà Paelvi Pulli, người đứng đầu cơ quan chính sách an ninh của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
Trong chuyến thăm Washington tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Voila Amherd khẳng định quốc gia của bà nên hợp tác chặt chẽ hơn với NATO nhưng không nên gia nhập.
Thụy Sĩ "không thể gia nhập bất cứ liên minh nào vì lập trường trung lập. Tuy nhiên, chúng tôi có thể làm việc cùng nhau và những hệ thống mà chúng tôi đang mua là một nền tảng tốt để làm điều đó" – Bộ trưởng Amherd nói với đài SRF.
Thụy Sĩ đã có một vài mối quan hệ với NATO và năm ngoái, quốc gia này quyết định mua chiến đấu cơ F-35A của Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ). Đây là loại máy bay đang được một vài nước thành viên NATO mua hoặc đã đưa vào sử dụng.
Thụy Sĩ năm ngoái quyết định mua chiến đấu cơ F-35A của Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ). Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg ngày 16-5 tuyên bố Áo không phải là thành viên NATO và không có ý định gia nhập liên minh quân sự này trong tương lai gần.
Khi được hỏi về nguyện vọng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, Bộ trưởng Schallenberg nói rằng ông "hoàn toàn tôn trọng" quyết định của Helsinki và Stockholm nhưng nhấn mạnh đó "là quyết định của họ, không phải của chúng tôi…Áo sẽ tiếp tục là một quốc gia trung lập".
Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg. Ảnh: Reuters