Thụy Sĩ ngăn cản thành viên NATO gửi vũ khí cho Ukraine

Thu Hằng |

Bern đã bác bỏ yêu cầu của Đan Mạch về tái xuất xe bọc thép do Thụy Sĩ sản xuất cho Kiev, với lý do giữ lập trường trung lập.

Bộ binh diễn tập bên cạnh xe chiến đấu bọc thép MOWAG Piranha IIIC. Ảnh: Getty Images

Bộ binh diễn tập bên cạnh xe chiến đấu bọc thép MOWAG Piranha IIIC. Ảnh: Getty Images

Đài RT (Nga) dẫn thông tin từ đài truyền hình SRF (Thuỵ Sĩ) ngày 1/6 cho biết, chính phủ ở Bern đã phủ quyết yêu cầu của Đan Mạch cung cấp xe bọc thép do Thụy Sĩ sản xuất cho Ukraine, với lý do nước này duy trì chính sách trung lập.

Copenhagen dự định tặng các xe bọc thép chở quân Piranha III cho Ukraine để sử dụng trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, Ban thư ký Các vấn đề kinh tế của Thụy Sĩ đã từ chối yêu cầu của Đan Mạch gửi khoảng 20 phương tiện này đến Kiev.

Lý do Đan Mạch phải xin phép là vì trước đây nước này đã cam kết không tái xuất vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất sang các nước khác mà không có sự chấp thuận của Bern.

Mặc dù Thụy Sĩ đã từ bỏ một phần chính sách trung lập lâu đời của mình khi tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Nga liên quan chiến dịch tấn công quân sự chống lại Ukraine, Bern nói rằng vị trí trung lập của họ không cho phép cung cấp vũ khí để sử dụng trong các khu vực xung đột.

Theo đài SRF, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ có thể thay đổi lập trường của mình về vấn đề này vào ngày 3/6 hoặc 10/6, khi một số nghị sĩ cho rằng Đạo luật Vật liệu Chiến tranh của quốc gia này có một số điểm hạn chế. Theo quan điểm của họ, luật có thể cho phép Bern mở đường cho các quốc gia khác tái xuất vũ khí tới các khu vực xung đột trong một số trường hợp nhất định.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích không đồng ý với khả năng đó. Jean-Marc Rickli, người đứng đầu bộ phận đánh giá Rủi ro Toàn cầu và Mới nổi tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva, tin rằng chính phủ có lý do hợp pháp khi ngăn Đan Mạch tái xuất vũ khí của Thụy Sĩ sang Ukraine. Với sự trung lập của Thụy Sĩ, việc “đồng ý cho tái xuất khẩu sẽ vi phạm luật pháp quốc tế cũng như luật nội địa của Thụy Sĩ”, ông Rickli nói.

Cũng trên cơ sở này, Thụy Sĩ trước đó đã phủ quyết việc cung cấp đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất được sử dụng trong pháo phòng không Gepard của Đức cho Kiev.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại