Thuỷ sản Hùng Vương tiếp tục phải bán tài sản, cổ phiếu mất 50% giá trị trong 1 tháng

Tri Túc |

Tính đến thời điểm 31/3/2019, Hùng Vương (HVG) còn 9 công ty con trực tiếp và 1 công ty con sở hữu gián tiếp.

CTCP Hùng Vương (HoSE: HVG) vừa phát đi thông báo thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Hùng Vương Sông Đốc. Tổng lượng thoái vốn là 31,13 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%. Được biết, Hùng Vương Sông Đốc có trụ sở chính tại tỉnh Cà Mau, hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến bột cá biển.

Theo đó, tính đến thời điểm 31/3/2019, HVG còn 9 công ty con trực tiếp và 1 công ty con sở hữu gián tiếp. Được biết, việc bán dần tài sản và đơn vị sở hữu là bước đi "cầm chừng" của HVG xuyên suốt năm 2018, trong bối cảnh xin giãn nợ từ phía ngân hàng.

Theo đó, doanh nghiệp tiếp tục giảm hơn 39% khối tài sản, từ mức 13.877 tỷ về chỉ còn 8.434 tỷ đồng.

Điểm lại, HVG đã quyết định thanh lý các bất động sản và quyết định giải thể đối với Địa ốc An Lạc do Công ty năm giữ 76% vốn, thoái vốn tại Thực Phẩm Sao Ta (FMC) với hơn 21 triệu cổ phiếu, bán bớt vốn tại Việt Thắng (VTF) giảm tỷ lệ sở hữu từ 90,36% về 33,16% vốn, bán Kho lạnh 2 cho Giải pháp Thương mại ABA, thu về gần 151 tỷ đồng…

Mặc dù vậy, tài chính Hùng Vương vẫn còn mất cân đối, trong đó kiểm toán nhấn mạnh khả năng hoạt động kinh doanh của Hùng Vương lúc này phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng.

Thuỷ sản Hùng Vương tiếp tục phải bán tài sản, cổ phiếu mất 50% giá trị trong 1 tháng - Ảnh 1.

Quy mô tài sản của Hùng Vương giảm gần 1/2 so với thời đỉnh cao

Tính đến thời điểm 31/3/2019, Hùng Vương có 8.827 tỷ tài sản với 6.991 tỷ tài sản ngắn hạn và 1.836 tỷ tài sản dài hạn. Trong đó, tài sản ngắn hạn đang "dồn" tại khoản phải thu với 4.752,5 tỷ - tương đương tỷ trọng 68%, cùng với 1.809 tỷ hàng tồn kho.

Hùng Vương cũng tiếp tục gia tăng trích lập dự phòng đối với hai khoản mục này, bao gồm 679 tỷ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và hơn 12 tỷ dự phòng giảm giá hàng tồn.

Về nợ, tổng nợ hiện nay của doanh nghiệp ghi nhận 6.630 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 6.481 tỷ (chiếm 93% tài sản ngắn hạn) và nợ dài hạn 149 tỷ đồng.

Hiện, Hùng Vương đang nợ ngắn hạn ngân hàng 2.969 tỷ đồng, vay nhiều nhất tại BIDV với hơn 1.935 tỷ đồng, kế tiếp là Vietcombank với 602 tỷ, HDBank 169,5 tỷ cùng một số khoản vat ngắn hạn tại các nhà băng khác. Trong đó, nợ đến hạn trả của doanh nghiệp hơn 54,5 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu Hùng Vương vào mức 2.197 tỷ, lỗ lũy kế hơn 398 tỷ đồng.

Thuỷ sản Hùng Vương tiếp tục phải bán tài sản, cổ phiếu mất 50% giá trị trong 1 tháng - Ảnh 3.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG sau giai đoạn bứt phá hồi đầu năm, từ 5.000 lên 8.000 đồng đã giảm không phanh trong 1 tháng trở lại đây xuống 4.000 đồng sau "cú sốc" áp thuế chống bán phá giá theo quyết định của POR14.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại