Tham vọng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông vừa có thêm hỗ trợ khi chiếc thủy phi cơ nội địa đầu tiên AG600 có màn thử nghiệm thành công.
Trong khi Bắc Kinh nói rằng, chức năng chính của máy bay này là hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu hộ trên biển, các nhà quan sát quân sự lại chỉ ra, máy bay AG600 cũng có thể được sử dụng để vận chuyển quân nhân hoặc thậm chí thực hiện các hoạt động do thám trên biển.
Tất cả các lựa chọn này đều có khả năng sau khi tờ Tin tức hàng không Trung Quốc (China Aviation News) đưa tin, chiếc máy bay đã hoàn thành một số thử nghiệm di chuyển trên nước lần đầu tiên tại một hồ chứa ở tỉnh Hồ Bắc.
Máy bay AG600 cũng trình diễn một màn bay tốc độ thấp và các chế độ bay đều hoạt động tốt, tờ báo thông tin.
Máy bay AG600, hay còn có tên là Kunlong, có kích thước tương tự Boeing 736, dài 37m với sải cánh 38,8m, được thiết kế để có thể cất - hạ cánh trên mặt nước trong điều kiện sóng cao 2m.
AG600 của Trung Quốc có khả năng cất, hạ cánh trên biển. Ảnh: SCMP.
Các công ty và cơ quan chính phủ Trung Quốc đã đặt hàng 17 máy bay, dự kiến sẽ được bàn giao vào 2022.
Việc phát triển AG600 là một phần của kế hoạch hiện đại hóa quân đội, và như một cách tiếp cận cứng rắn hơn với vấn đề Biển Đông và những nơi khác.
Chiếc máy bay này có chuyến ra mắt hồi tháng 12 năm ngoái, với hình ảnh cất cánh từ sân bay Zhuhai, cửa ngõ ra Biển Đông, được truyền hình trực tiếp bởi Truyền hình trung ương Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng, lần bay thử vừa rồi cho thấy AG600 đã sẵn sàng đi vào hoạt động và thực sự sẽ thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực.
"AG600 thích hợp cho việc vận chuyển nhanh binh lính và vật liệu, và cũng có thể cung cấp các hỗ trợ khác như đưa các đơn vị đồn trú vào Biển Đông hoặc thậm chí là ra các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng (trái phép) ở Trường Sa", Collin Koh, nhà nghiên cứu thuộc chương trình an ninh biển, Đại học kỹ thuật Nanyang, Singapore cho hay.
"Bắc Kinh cũng sẽ sử dụng nó để biện minh cho việc xây dựng thêm trong khu vực, lấy cớ rằng máy bay có thể được sử dụng cho những lợi ích chung, chẳng hạn như hỗ trợ các tàu nước ngoài trong khu vực và tìm kiếm cứu nạn", chuyên gia Singapore nói.
Hồi tháng 7, Trung Quốc đã lần đầu tiên điều một tàu cứu hộ đến neo đậu thường trực tại một trong các đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các hình ảnh vệ tinh được Sáng kiến Minh bạch về Hàng hải Châu Á có trụ sở tại Washington đưa ra hồi tháng 5 cho thấy Bắc Kinh đã xây dựng phi pháp ít nhất 4 sân bay có thể phục vụ cho mục đích quân sự tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa và trên các đảo/đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Một máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc cũng tiến hành các chuyến cất và hạ cánh trái phép trên đảo Phú Lâm, một máy bay vận tải Y-8 tại Subi, tên lửa hành trình chống tàu YJ-12B và tên lửa tầm xa đất đối không HQ-9B được nước này ngang ngược triển khai tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi.
"Máy bay mới này cũng có thể sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với US-2 của Nhật và Be-200 của Nga", ông Koh nói thêm.
Trung Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga. Thị phần vũ khí toàn cầu của nước này đã tăng lên 6,2% trong năm 2016 so với 3,8% trong năm 2012.