Vào cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, quần hùng khắp nơi nổi lên tranh cứ. Trong thời kỳ loạn lạc này, anh hùng, hào kiệt, nhân tài xuất hiện vô số. Tuy nhiên, cũng có những kỳ tài chọn cách sống mai danh ẩn tích, không màng tới thế sự. Một trong những nhân vật tuy xuất hiện ít nhưng lại có thể đưa ra những tiên đoán ảnh hưởng tới cục diện vào cuối thời Đông Hán và Tam Quốc, chính là Tư Mã Huy, hiệu Thủy Kính. Người đời thường gọi ông là Thủy Kính tiên sinh.
Tư Mã Huy (? – 208) là người Dĩnh Xuyên. Ông được coi là một kỳ nhân, một nhân vật lịch sử vào cuối thời Đông Hán. Tương tuyền, vị danh sĩ này có tài kinh bang tế thế, kiến thức hơn người, học rộng tài cao. Tuy nhiên, trước tình cảnh triều đình cuối thời Đông Hán thối nát, dân chúng lầm than, thiên hạ đại loạn, Tư Mã Huy đành chọn cuộc sống mai danh ẩn tích.
Thủy Kính tiên sinh chính là Tư Mã Huy, một danh sĩ nổi tiếng cuối thời Đông Hán
Theo Tam Quốc chí, Tư Mã Huy được Bàng Đức Công, một ẩn sĩ cuối thời Đông Hán, tôn xưng là Thủy Kính. Tư Mã Huy được mô tả là người thanh nhã và rất biết nhìn người. Khi Tư Mã Huy gặp Lưu Bị, ông đã tiến cử Gia Cát Lượng và Bàng Thống cho vị quân chủ này.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Tư Mã Huy chỉ là một nhân vật phụ xuất hiện khá ngắn. Tuy nhiên, sự xuất hiện này đã đủ nói lên cái tài bao trùm thiên hạ của vị danh sĩ bí ẩn này.
Thủy Kính nhất quyết tiến cử Gia cát Lượng cho Lưu Bị
Thủy Kính sớm nhìn ra sự diệt vong của quân Lưu Bị
Thủy Kính tiên sinh quả thực là một danh sĩ có tài nhìn xa trông rộng. Tuy tiếp xúc với Lưu bị chưa lâu nhưng ông chỉ cần nhìn thoáng qua cũng có thể thấy điểm yếu của quân Lưu Bị.
Lưu Bị lúc bấy giờ tuy có những võ tướng mạnh đi theo phò tá như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân,... nhưng lại thiếu sự giúp đỡ của các quân sư. Chính vì vậy, hơn nửa cuộc đời, Lưu Bị tuy chiến đấu khắp nơi nhưng vẫn không thể gây dựng cơ nghiệp riêng.
Theo quan điểm của Thủy Kính, vấn đề lớn nhất trong nội bộ của Lưu Bị chính là thiếu cố vấn hàng đầu. Trong lần gặp gỡ tình cờ đầu tiên, Thủy Kính tiên sinh có nói một câu: "Ngọa Long – Phượng Sồ, được một trong hai có thể an định thiên hạ". Khi Lưu Bị sốt sắng hỏi Ngọa Long, Phượng Sồ là ai thì vị danh sĩ này chỉ mỉm cười không nói.
Thủy Kính phát hiện điểm yếu của Lưu Bị dù chỉ mới tiếp xúc
Sau đó, có một mưu sĩ tài giỏi là Từ Thứ đến đầu quân cho Lưu Bị. Tào Tháo cũng nhận thức rõ điểm yếu của Lưu Bị. Do đó, khi biết Từ Thứ gia nhập "tập đoàn" Lưu Bị, Tào Tháo đã bày kế giả mạo thư của mẹ Từ Thứ để gọi vị quân sư này về. Từ Thứ tin là thật nên đã chia tay Lưu Bị. Khi đi được nửa đường, Từ Thứ cưỡi ngựa quay lại và tiến cử cho Lưu Bị một người bạn của mình. Người này chính là Gia Cát Lượng.
Lưu Bị đem chuyện về Gia Cát Lượng để hỏi Tư Mã Huy. Vị danh sĩ này bấy giờ mới nói Gia Cát Lượng ở ẩn trên núi Ngọa Long, thường tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị. Tuy nhiên, thực ra tài của Gia Cát Lượng không thể tưởng tượng được, có thể ví như Khương Tử Nha, người giúp làm nên sự nghiệp 800 năm của nhà chu, hay Trương Lương, người làm nên sự nghiệp 400 năm của nhà Hán.
Tư Mã Huy nói với Lưu Bị rằng Ngọa Long mà trước đó ông nhắc đến là Gia Cát Lượng, còn Phượng Sồ là Bàng Thống.
Lưu Bị sau khi nghe xong, giống như người tỉnh cơn mê. Ông nhất quyết tìm gặp bằng được Gia Cát Lượng.
Tuy nhiên, sau khi Lưu Bị đi khỏi, Tư Mã Huy lại thở dài và nói rằng: "Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời".
Gia Cát Lượng là kỳ tài hiếm có trong thiên hạ. Thủy Kính nhất quyết tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị vì 3 nguyên nhân
Câu nói này không ngờ lại là tiên đoán chính xác về hậu vận của Gia Cát Lượng. Vị quân sư tài giỏi này tuy gặp được minh chủ có thể trọng dụng được tài năng của ông, nhưng đáng tiếc lại không gặp thời, không thể giúp Lưu Bị thống nhất thiên hạ.
Tiên đoán này khiến nhiều người thắc mắc. Rõ ràng Tư Mã Huy hay Thủy Kính tiên sinh đã biết gia Cát Lượng không gặp thời, vì sao ông vẫn tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị?
Kỳ thực, sở dĩ Thủy Kính tiên sinh vẫn tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị dù biết nhà Thục Hán sớm diệt vong, chủ yếu do 3 nguyên nhân sau.
Vì sao Thủy Kính tiến cử Gia Cát Lượng?
Thủy Kính luôn trân trọng nhà Hán
Thứ nhất, Thủy Kính trân trọng nhà Hán.
Thủy Kính tiên sinh là một người Hán chân chính. Ông là danh sĩ có tài kinh bang tế thế, học rộng tài cao, thậm chí còn từng mong muốn có thể dùng cái tài của mình để phục vụ nhà Hán. Thế nhưng, trước tình cảnh đất nước bị chia cắt, thiên hạ loạn lạc, ông đành chọn một cuộc sống mai danh ẩn tích.
Chính vì vậy, khi nhắc đến nhà Hán, Thủy Kính luôn có tình cảm đặc biệt cùng sự tiếc nuối.
Thủy Kính không muốn chứng kiến cảnh nhà Hán sụp đổ, dù biết điều này là không thể tránh khỏi. Do đó, ông nhất quyết tiến cử Gia Cát Lượng, một nhân tài trẻ tuổi và tiềm năng cho Lưu Bị, người đang có chí hướng phục hưng Hán thất. Theo quan điểm của Thủy Kính, việc đề cử Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị là việc làm đúng đắn.
Thủy Kính sớm nhìn rõ nội tâm của Gia Cát Lượng
Thứ hai, Gia Cát Lượng có hoài bão lớn.
Gia Cát Lượng tuy sống ở Long Trung nhưng cũng không phải là người thờ ơ với việc thế sự. Theo Thủy Kính, người này tuổi còn trẻ, có hoài bão muốn đóng góp và ổn định thiên hạ. Chính vì Thủy Kính tiên sinh biết rõ nội tâm của Gia Cát Lượng nên mới cố ý nhắc đến "Ngọa Long" để thu hút Lưu Bị. Sau khi phân tích điểm yếu của quân Lưu Bị, vị danh sĩ này còn đặc biệt tiến cử Gia Cát Lượng.
Thủy Kính cũng nhìn thấu việc Gia Cát Lượng sẽ lựa chọn phò tá Lưu Bị, thay vì chọn Tào Tháo hay Tôn Quyền. Điều này xuất phát từ 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, Gia Cát Lượng một lòng hướng về nhà Hán. Trong khi Tào Tháo và Tôn Quyền là cận thần của nhà Hán, chỉ có Lưu Bị là hậu duệ của triều đại này. Do đó, Nếu Gia Cát Lượng muốn phò tá thì đương nhiên sẽ lựa chọn giúp đỡ con cháu của nhà Hán.
Thứ hai, cả Tào Tháo và Tôn Quyền đều là những người đứng đầu các "tập đoàn chính trị" lớn, dưới trướng có vô số cố vấn. Trong khi đó, Lưu Bị lúc bấy giờ gần như chưa có gì nổi bật. Do đó, việc phò tá Lưu Bị sẽ càng giúp Gia Cát Lượng dễ dàng bộc lộ tài năng hơn.
Đối với Thủy Kính, việc tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị cũng là hy vọng nhà Hán có thể phục hưng
Thứ ba, Thủy Kính có hy vọng mong manh về sự trỗi dậy của nhà Hán.
Thủy Kính tiên sinh sớm nhìn ra Gia Cát Lượng khó có thể giúp Lưu Bị thống nhất thiên hạ và nhà Hán khó có thể trỗi dậy hay phục hưng. Tuy nhiên, trong lòng vị danh sĩ tài hoa này vẫn có chút hy vọng.
Rõ ràng cuộc đấu trí giữa các quân sư, quân chủ trên bàn cờ chính trị hỗn loạn trong Tam Quốc rất căng thẳng. Chiến thắng đôi khi cũng có chút nhờ may rủi. Do đó, dù biết trước kết cục của Thục Hán, nhưng Thủy Kính tiên sinh vẫn nhất quyết tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị.
Bài viết tham khảo nguồn: Sina, Sohu, Baidu