Thủy điện: Trung Quốc xuất khẩu tai họa sang các nước châu Phi và Đông Nam Á?

TS Trần Bắc Hải |

Bước sang thế kỷ 21, thế giới chứng kiến một làn sóng bùng nổ xây dựng thủy điện tại các nước đang phát triển với nguồn vốn và công nghệ của Trung Quốc xâm nhập vào các nước châu Phi.

TS Trần Bắc Hải: Vì không phải là chuyên gia trong ngành, tôi không tham vọng đưa ra một bài nghiên cứu đầy đủ, mà chỉ tóm lược những thông tin đa chiều công bố chủ yếu trên các nguồn phổ thông về khía cạnh môi trường của các công trình thủy điện quy mô lớn, và xu thế phát triển thủy điện trên thế giới.

Trong bài tiếp theo, tôi sẽ đề cập những ví dụ cụ thể của ngành thủy điện Trung Quốc, với các vấn nạn trầm trọng hơn, như nguy cơ thảm họa động đất, lũ lụt, và hệ quả chính trị-xã hội, quan hệ quốc tế.

Tác giả sẽ rất trân trọng các góp ý, nhất là từ các chuyên gia thủy điện và môi trường.

Trong bài trước tôi đã nhấn mạnh rằng thủy điện có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế, nhưng cũng có những mặt trái cho môi trường, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Khi nằm trong tay những nhà cầm quyền độc đoán, thiếu viễn kiến về tương lai phát triển bền vững của đất nước nhưng lại không thích nghe ý kiến của nhân dân và các phản biện khoa học, thì thủy điện như con dao hai lưỡi có thể dẫn đến những hậu quả tệ hại hơn nữa, kể cả tai họa xã hội-chính trị.

Trung Quốc là ứng viên hàng đầu cho ví dụ này.

Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về sản lượng thủy điện, với sản lượng năm 2013 là 890 tỷ kWh, gấp hơn 2 lần quốc gia kế tiếp là Brasil và Canada (387); các vị trí tiếp theo là Mỹ (269), Nga (178)… [1].

Trong xu thế mới của các nước tiên tiến đang tìm đến các nguồn năng lượng tái sinh thân thiện với môi trường hơn như điện gió và điện mặt trời, khoảng cách về thủy điện giữa Trung Quốc với các nước còn lại có thể sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng.

Năm 2014, riêng gia tăng sản lượng thủy điện của Trung Quốc đã hơn sự gia tăng thủy điện của tất cả các nước khác cộng lại [2].

Thủy điện: Trung Quốc xuất khẩu tai họa sang các nước châu Phi và Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Hình 1. Gia tăng sản lượng thủy điện năm 2014 theo các khu vực. Cột đầu tiên bên trái: Trung Quốc. Nguồn: International Hydropower Association.

Đập thủy điện Bản Kiều (Bangqiao) được xây trong thập niên 1950 với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô trên sông Nhữ, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Ngày 7/8/1975 đập bị vỡ gây ra một cơn lũ cao 3-7m, tràn xuống gần 100km vùng hạ lưu với tốc độ xấp xỉ 50km/giờ, ngập lụt một khu vực rộng lớn. Số người chết do nước cuốn và dịch bệnh tiếp theo là khoảng 230000 người.

Thảm họa Bản Kiều bị coi là bí mật quốc gia trong suốt hơn 30 năm. Sau vụ Bản Kiều xuất hiện nhiều ý kiến của các chuyên gia về môi trường, thủy văn, địa chấn học… cảnh báo các thảm họa tương tự do các đập thủy điện, nhưng đều bị bưng bít [3].

Ngày 12/5/2008, Trung Quốc lại chịu một thảm họa mới, với vụ động đất tại Tứ Xuyên mạnh 7,9 độ Richter, gây ra chết và mất tích khoảng 90000 người, bị thương 375000, thiệt hại các công trình nhà cửa khoảng 86 tỷ USD.

Trong vụ động đất này hàng trăm đập thủy điện cũng bị hư hại [4]. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ cho rằng rằng cuộc động đất Tứ Xuyên 2008 "rất có thể" là do công trình thủy điện Zipingpu (Tử Bình Bạc) nằm cách chấn tâm 3 dặm (~5km) gây ra.

Con đập này chứa 315 triệu tấn nước, nằm cách đường đứt gẫy kiến tạo Longmenshan (Long Môn Sơn) 550 bước Anh (~500m). Khu vực này mặc dù vẫn có động đất trước đó, nhưng độ mạnh của cuộc động đất 2008 đã khiến các nhà khoa học bất ngờ.

Christan Klose, một khoa học gia của Đại học Columbia (Mỹ), phân tích rằng từ hàng triệu năm nay đường đứt gãy Longmenshan đã không gây ra những vụ động đất lớn.

Hai mảng kiến tạo trước đây vẫn từ từ trượt ra xa nhau, nay phải chịu một áp lực lớn từ trên xuống làm cho sự chuyển dịch tăng đột ngột khoảng 25 lần, dẫn đến địa chấn mạnh.

Mặc dù chính phủ vẫn chính thức phủ nhận mối liên quan giữa động đất Tứ Xuyên 2008 và đập thủy điện Zipingpu, các nhà khoa học Trung Quốc, trong đó có Fan Xiao, kỹ sư trưởng Cục Mỏ Địa chất Tứ Xuyên, vẫn tiếp tục lên tiếng đòi có một nghiên cứu đầy đủ [5].

Thủy điện: Trung Quốc xuất khẩu tai họa sang các nước châu Phi và Đông Nam Á? - Ảnh 2.

Hình 2. Vị trí của đập Zipingpu, các đường đứt gẫy kiến tạo, và chấn tâm cuộc động đất tại Tứ Xuyên, 2008. Nguồn: RFA 4/2/2009.

Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang của Trung Quốc là con đập thủy điện có công suất thiết kế lớn nhất thế giới (22500 mega oát). Con đập được xây trong ròng rã 17 năm rưỡi (12/1994-5/2012), được tuyên truyền là một thành tựu vĩ đại của Trung Quốc.

Ngoài việc cung cấp sản lượng điện lớn bằng 15 nhà máy điện nguyên tử trung bình, con đập kèm theo âu thuyền lưu thông các tàu lớn, và được cho là sẽ làm giảm lũ lụt ở vùng hạ nguồn.

Tuy nhiên, con đập đã làm cho 1,3 triệu người dân phải di dời, hồ thủy điện nhấn chìm mất khoảng 1300 điểm khảo cổ và nhiều di chỉ lịch sử-văn hóa.

Trước và trong quá trình xây dựng, đã có rất nhiều ý kiến chuyên gia cảnh báo về các hậu quả của dự án: "việc xây dựng một con đập cực lớn trên một khu vực dân cư đông đúc, nơi cư trú của nhiều loài sinh vật hiếm, điểm cắt của những đường đứt gãy kiến tạo, là công thức sẵn cho một thảm họa"; tuy nhiên tất cả đều bị chính phủ bỏ qua [6].

George Davis, chuyên gia bệnh nhiệt đới của ĐH Washington đã làm việc 24 năm tại lưu vực sông Trường Giang cảnh báo biến động môi trường sẽ gây ra gia tăng nhiều loại dịch bệnh, trong đó có bệnh sán máng.

Các nhà khoa học môi trường như Jianguo Liu từ Đại học Michigan và Ping Xie từ Đại học Vũ Hán cũng lên tiếng cảnh báo mối đe dọa nghiêm trọng cho sự đa dạng sinh học của lưu vực sông Dương Tử, trong đó có những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng như cá heo nước ngọt [6].

Vừa đi vào hoạt động, đập Tam Hiệp đã gây ra quá nhiều vấn nạn. Các vụ lở đất gây chết mỗi lần lấy đi hàng chục sinh mạng buộc phải di dời thêm khoảng 100000 dân cư nữa.

Việc trữ nước trên đập gây ra hạn hán nghiêm trọng vùng hạ nguồn, hệ thống 1392 ao hồ vùng hạ nguồn bị cạn kiệt, ảnh hưởng nguồn nước uống của khoảng 300000 dân cư.

Phía thượng nguồn, các chất thải dồn ứ gây ra bùng phát tảo độc, các bè rác ngập ven sông.

Chính quyền trung ương đã buộc phải thừa nhận các nguy cơ về thảm họa địa chất, xói mòn đất, động đất, hạn hán và các bất ổn xã hội [7].

Các chuyên gia môi trường kỳ cựu của Trung Quốc như Đới Thanh, Vương Vĩnh Thần thì cho rằng đã quá muộn để có thể khắc phục, vì "chẳng thể làm nổ tung con đập" [8].

Thủy điện: Trung Quốc xuất khẩu tai họa sang các nước châu Phi và Đông Nam Á? - Ảnh 3.

Hình 2. "Rác đang đe dọa đập Tam Hiệp", ảnh và tiêu đề bài báo của Cao Li & Wang Qian (China Daily-Nhân dân nhật báo bản tiếng Anh, 2/8/2010).

Thủy điện: Trung Quốc xuất khẩu tai họa sang các nước châu Phi và Đông Nam Á? - Ảnh 4.

Hình 3. Động đất khu vực lân cận đập thủy điện Tam Hiệp, trước (1/2001-5/2003, sơ đồ trên) và sau khi đập tích nước (6/2003-11/2008, sơ đồ dưới). Các vạch đỏ: đường đứt gẫy kiến tạo. Phần lớn các cuộc động đất ở mức thấp (<2M). Nguồn: Yao Yunsheng và cộng sự. Geodesy and Geodynamics 4(2):53-60;2013.

Bước sang thế kỷ 21, thế giới chứng kiến một làn sóng bùng nổ xây dựng thủy điện tại các nước đang phát triển với nguồn vốn và công nghệ của Trung Quốc xâm nhập vào các nước châu Phi (Sudan, Ghana, Ethiopia, Zambia, Gabon…) [9] và Đông Nam Á (Myanmar, Lào, Campuchia…).

Được biện minh bởi mục đích phát triển và khắc phục nghèo đói, các công trình này, chủ yếu ở quy mô lớn, có thể là những bản sao thảm họa mà chính nhân dân Trung Quốc đã chứng kiến, và hơn cả thế nữa, mang lại những hệ lụy nghiêm trọng về chính trị-xã hội.

Các dự án đầu tư thủy điện Made in China tại châu Phi thường hướng đến các nền chính trị tham nhũng, độc tài, và làm trầm trọng thêm các vi phạm về nhân quyền tại các nước đó.

Hãy lấy ví dụ nước Sudan với nhà độc tài Omar al-Bashir đã bị Tòa án Quốc tế Hague kết án tội ác chiến tranh và thanh lọc chủng tộc [10].

Do vi phạm nhân quyền, dự án đập Merowe đã không tìm được đủ số vốn đầu tư là 1,8 tỷ USD cho đến khi được các ngân hàng Trung Quốc mở hầu bao cho vay [10]. Con đập này đã lấy mất đất của 50000 dân.

Với những làng mạc không chịu di dời thì chính quyền xả nước cho trôi đi [11]. Tiếp theo đập Merowe (khởi công 2003, hoàn thành năm 2009), công ty Sinohydro của Trung Quốc lại thắng thầu trong các dự án thủy điện tại Kajbar và Dal.

Hai con đập này nhỏ hơn đập Merowe, nhưng nằm trong khu vực còn sót lại của người Nubia. Nubia vốn là một dân tộc cổ đại có ngôn ngữ và văn hóa riêng, không theo đạo Hồi, đang đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ trước chính sách phân biệt chủng tộc của Omar al-Bashir.

Trong thập niên 1960, đã có 120000 người Nubia bị xua đuổi khỏi vùng đất tổ tiên của họ ở giữa Ai Cập và Sudan để lấy chỗ cho con đập Aswan.

Với dự án mới do Trung Quốc đầu tư xây 2 con đập Kajbar và Dal, nơi cư trú cuối cùng của người Nubia đang bị đe dọa tước đoạt.

Đương nhiên, người Nubia chống lại dự án thủy điện và họ bị nhà cầm quyền đàn áp tàn bạo. Tháng 4/2007, an ninh Sudan nổ súng làm bị thương 5 người.

TS Trần Bắc Hải

Tháng 7/2007, họ phục kích bắn chết 4 người, làm bị thương 15 người, bắt đi 26 người, trong đó có cả các phóng viên muốn đưa tin về cuộc thảm sát này.

Cũng vào năm 2007, Trung Quốc đã bỏ phiếu thuận tại LHQ thông qua Hiến chương về Quyền Thổ dân. Nhưng dự án thủy điện của Sinohydro tại Sudan là một ví dụ rất rõ ràng Trung Quốc đang tiếp tay cho việc vi phạm bản hiến chương này [10; 11].

Ngoài việc vi phạm nhân quyền, các công ty thủy điện Trung Quốc cũng có hồ sơ nổi bật về vi phạm môi trường ở Đông Nam Á và Châu Phi.

>>> Xem thêm những bài viết cùng tác giả Tại Đây

Theo các hợp đồng BOT, các công ty Trung Quốc thường được chính quyền sở tại ưu đãi nhượng quyền sử dụng đất và sở hữu công trình cùng số điện làm ra trong vòng nhiều chục năm.

Hợp đồng cũng thường ghi là chủ công trình phải chịu trách nhiệm về các vấn đề môi trường và xã hội, nhưng trên thực tế thì chính quyền địa phương không vào cuộc nên chủ công trình cũng lờ đi luôn.

Chẳng hạn, theo các tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới thì công trình thủy điện không được xâm phạm các khu vườn bảo tồn quốc gia.

Nhưng đập Kamchay tại Campuchia lại được xây dựng trong Vườn Bảo tồn Quốc gia Bokor, đập Bui tại Ghana trong Vườn Quốc gia Bui, còn đập Bakun tại Malaysia cũng được xây trong khu vực đất của thổ dân và cũng là nơi sinh sống của loài vượn orangutan đang có nguy cơ bị tuyệt chủng – tất cả đều do Trung Quốc đầu tư [12].

Việc hàng chục đập thủy điện do Trung Quốc xây đang chia cắt dòng sông Mekong, gây thiệt hại cho đa dạng sinh học cũng như đời sống ngư nghiệp và nông nghiệp của khoảng 60 triệu dân Thái Lan, Lào, Campuchia và nặng nhất là Việt Nam, xứng đáng bị lên án là "ích kỷ và vô trách nhiệm" [13].

Hành động tham lam, tàn phá con người và thiên nhiên của các dự án thủy điện và đầu tư khác mang nhãn hiệu "Made in China" tại các nước nghèo đang bị nhận diện.

Chẳng những nhân dân các nước này phải trả giá, mà sớm hay muộn, ngay chính người Trung Quốc cũng sẽ hứng chịu thiệt hại.

Việc người lao động Trung Quốc ngày càng hay bị tấn công, thậm chí bị giết hại tại các nước châu Phi và Đông Nam Á là đáng lên án, nhưng lẽ ra chính phủ Trung Quốc và các nhà tư bản đỏ của họ phải là người rút ra bài học.

Tại Myanmar, đầu thập niên 2010 Công ty Đầu tư Năng lượng Trung Quốc (China Power Investment Corporation) đã bắt đầu đầu tư đại dự án thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD trên sông Irrawaddy, cách đường đứt gẫy kiến tạo khoảng 100km, với khoảng 90% sản lượng điện sẽ xuất về Trung Quốc.

Khu vực này nhạy cảm cả về tự nhiên (môi trường và địa chấn) cũng như xã hội. Về mặt xã hội, đây là vùng sinh sống của sắc tộc thiểu số Kachin. Sông Irrawaddy cũng được coi là di sản văn hóa của người Myanmar, là cội nguồn của dân tộc này.

Trước nguy cơ đất nước Myanmar rơi hẳn vào vòng tay Trung Quốc, năm 2011 chính quyền của Tổng thống Theinsein đã quyết định nghe theo ý dân bằng cách treo lại dự án Myitsone cho đến hết nhiệm kỳ của ông.

Hành động này cùng với việc mở cánh cửa cho dân chủ hóa đất nước Myanmar đã khiến Trung Quốc bất ngờ.

Chính phủ mới của NLD hiện nay cũng đang đứng trước lựa chọn khó khăn, hoặc là tiếp tục dự án thì bị mất tín nhiệm với dân, hoặc là gạt bỏ hẳn thì thiệt hại lớn về kinh tế [14].

Chưa biết người Myanmar sẽ quyết định như thế nào, nhưng hẳn là với nền dân chủ đã trở lại, dự án thủy điện Myitsone nếu có được tiếp tục thì cũng sẽ phải thay đổi để đáp ứng các yêu cầu an toàn cho môi trường và công bằng xã hội.

Tài liệu đã dẫn

U.S. Energy Information Administration. International Energy Statistics. 2013. International Hydropower Association. Briefing 2015 key trends in hydropower. Isabel Hilton. Before the flood. The Guardian, 16/5/2008. Kenneth Pletcher. Sichuan earthquake of 2008. Encyclopaedia Britanica. Malcolm Moore. Chinese earthquake may have been man-made, say scientists. The Telegraph, 2/2/2009. Mara Hvistendahl. China’s Three Gorges dam: an environmental catastrophe? Scientific American. 25/3/2008. Jonathan Watts. China warns of ‘urgent problems’ facing Three Gorges dam. The Guardian, 20/5/2011. Hiếu Trung. Đập Tam Hiệp: Những nguy cơ thảm họa. Tuổi Trẻ Online 22/5/2011. Randall Hackley & Lauren van der Westhuizen. Africa’s friend China finances $9.3 billion of hydropower. Bloomberg, 10/9/2011. Yosra Akasha. Sudan’s anti-dam movement fights the flooding of Nubian culture. The Guardian, 13/12/2014. Peter Bosshard. New Chinese dam project fuels ethnic conflict in Sudan. International Rivers. 20/1/2011. Johan Nordensvard & Frauke Urban. The high price of Chinese hydropower. New Mandala, 15/10/2015. Yoolim Lee. China hydopowever dams in Mekong river give shock to 60 million. Bloomberg Market, 27/10/2010. Sithu Aung Myint. China, the NLD and the Myitsone dam imbroglio. Frontier Myanmar. 27/3/2016. w

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại