Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ tối 9/10 đến đầu giờ chiều 11/10, các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to.
Tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tổng lượng mưa phổ biến từ 200-300 mm, đặc biệt có nơi 400-550mm. Đợt mưa này, khiến gần 3.000 chứa lớn nhỏ ở từ Bắc Trung bộ trở ra đầy nước, nhiều hồ phải xả tràn.
Ngoài kịch bản
Lượng nước về lớn khiến hồ thủy điện Hoà Bình lần đầu tiên trong lịch sử phải liên tục 8 cửa xả đáy vào 19 giờ, 19 giờ 30 ngày 10/10; lúc 0 giờ, 3 giờ, 5 giờ, 7giờ 45, 9 giờ 30 và 11giờ 30 ngày 11/10.
Tuy nhiên, đến 13 giờ 45 chiều 11/10, cửa xả số 8 đã được đóng. Hồ thủy điện Sơn La phải ngừng phát điện để cắt lũ cứu hồ Hoà Bình.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, rất hiếm khi chỉ trong vòng 1,5 ngày mà lượng mưa trên toàn vùng bình quân đạt 100mm, nhiều nơi lên tới 300-400mm.
Riêng trong ngày 10/10, mực nước tại hồ Hòa Bình đã lên cao trình 117m, trong khi lũ về ở lưu vực hồ Hòa Bình tới 16.000 m3/s.
“Đây là một trạng thái mưa rất lớn chưa từng thấy trong nhiều năm nay, nguy cơ đe dọa an toàn tới toàn bộ hệ thống hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa thủy điện, các hệ thống đê, dân cư vùng trũng và sản xuất nông nghiệp”-ông Cường nói.
Trong khi đó, theo cơ quan dự báo, mưa lớn vẫn diễn ra trong đêm 11/10 và hết ngày 12/10, lượng mưa từ 50-100mm, đặc biệt là ở hai lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La.
“Tình thế này rất khó khăn, nguy hiểm vì dù chúng ta đã mở tới 8 cửa xả đáy của hồ Hòa Bình, trong khi mức nước về hồ hiện nay vẫn còn cao. Mặt khác, phần dành cho cắt lũ không còn dung tích”- ông Cường nói.
Chưa hết, dự báo sau ngày 15/10 tới, áp thấp nhiệt đới đang hình thành ở ngoài biển Đông có xu hướng mạnh lên thành bão mới.
Cơn bão này nếu đúng như dự báo, cộng hưởng với gió mùa đông Bắc về, sẽ gây mưa lũ lớn với mức độ ghê gớm hơn.
Ông Cường lưu ý, với lưu lượng nước về hồ lớn, sẽ phải xả đáy ở cấp độ nhiều hơn. Do vậy, bà con ở phía hạ du hết sức cảnh giác, chú ý, nhất là hoạt động đi lại, khai thác cát sỏi…
Tại cuộc họp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ chiều 11/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ven sông, suối.
Do các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đều đầy nước, trong đó có nhiều đập đất, nguy cơ sự cố rất cao, cần khẩn trương có phương án ứng phó.
Về hồ thủy điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, kiểm tra các hồ đập, đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn lưới điện; Bộ GTVT và các lực lượng khác sớm khắc sự cố công trình giao thông đường bộ,đường sắt, hướng dẫn người dân đi lại an toàn.
Quy trình vận hành ngược?
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ), Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, việc mở cả 8 cửa xả trong một thời gian rất ngắn là không phù hợp quy trình vận hành liên hồ chứa.
Theo GS Hồng, Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai sau mùa lũ cần phải rà soát để rút kinh nghiệm về việc này.
“Quy trình này phải xem xét lại, vì một ông thì xả tới tấp xuống hạ du, một ông thì ngừng phát điện, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất”- GS Hồng nói.
Theo vị chuyên gia này, suốt thời gian theo nghề thủy lợi của ông, thường thì cuối mùa lũ chưa khi nào hồ phải xả dồn dập như thế.
Việc này sẽ gây hậu quả rất lớn, không chỉ nông nghiệp, thủy sản, mà hàng loạt đê kè, đường giao thông… cũng bị ảnh hưởng và tốn rất nhiều tiền sửa chữa.
GS Hồng cho rằng, miền Bắc hiện đã là cuối mùa lũ và đợt mưa này là do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Hồ Sơn La phải đóng để cứu hồ Hoà Bình, vậy các hồ thượng nguồn là Sơn La, Lai Châu… đã thực hiện việc tích nước thế nào lâu nay, để đẩy hồ Hoà Bình rơi vào tình cảnh trên?
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, việc mở cửa xả đáy hồ thủy điện là căn cứ vào dự báo mưa, lưu lượng nước đến, xả đi…và đã có trong quy trình vận hành liên hồ.
Theo GS Giang, gần đây, mưa lũ có dấu hiệu cực đoan, bất thường, nên cần xử lý xả lũ linh hoạt.
Trong khi mực nước hồ Hoà Bình đã vượt mức cho phép, lưu lượng nước về hồ tới15.000-16.000 m3/s, nếu không xả thì an toàn của đập bị uy hiếp.
Tuy nhiên, GS Giang cũng cho rằng, theo quy trình xả thông thường, sẽ không xả dồn dập cùng lúc, mà xả tách từng đợt một để giảm thiểu thiệt hại cho hạ du, không xáo trộn đời sống và gây sạt lở hai bờ sông.
“Cũng cần xem lại quy trình xả lũ, vì cũng có ý kiến là mực nước hồ Hoà Bình trước khi mưa vẫn còn dư để phòng cho mùa khô, lo thiếu nước phát điện”- GS Giang nói.
Vị chuyên gia này cũng đề xuất, do các đợt mưa xuất hiện ngày càng cực đoan, nên cần một nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện hơn về quy trình vận hành liên hồ chứa, làm sao xử lý an toàn đập, cắt lũ và giữ nước cho mùa khô.
Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai cho biết, về quy trình xả lũ, khi mực nước dâng lên cao hơn mức nước an toàn, chủ hồ phải có biện pháp đảm bao an toàn, trong đó có việc xả lũ theo mực nước quy định.
“Và trong trường hợp này, đảm bảo an toàn cho công trình là mục tiêu tối thượng. Còn nếu để vỡ đập thì đó là thảm họa” - ông Quang nói.
"Có phải quy trình vận hành bậc thang đó ngược không? Bởi, khi xả, thông thường là thượng lưu phải xả trước, hạ du - hồ Hòa Bình phải tích. Đằng này, lại làm ngược lại. Như vậy, việc vận hành điện ở đây chưa thực sự thống nhất giữa hồ trên và hồ dưới, điều độ chưa hợp lý".
GS Nguyễn Trọng Hồng.