Thủy điện: Đừng vội phán, hãy nhìn vào những con số để cân nhắc lợi hại

TS Trần Bắc Hải |

Mấy ngày nay, câu chuyện thủy điện xả lũ gây hại cho dân, đã trở nên nóng hơn bao giờ hết. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại một cách kỹ lưỡng vấn đề quan trọng này. Các ích lợi to lớn mà thủy điện đã mang lại thì dễ thấy và không ai phủ nhận. Nhưng mặt trái của các tấm huân chương thường bị bỏ qua.

TS Trần Bắc Hải: Vì không phải là chuyên gia trong ngành, tôi không tham vọng đưa ra một bài nghiên cứu đầy đủ, mà chỉ tóm lược những thông tin đa chiều công bố chủ yếu trên các nguồn phổ thông về khía cạnh môi trường của các công trình thủy điện quy mô lớn, và xu thế phát triển thủy điện trên thế giới.

Trong bài tiếp theo, tôi sẽ đề cập những ví dụ cụ thể của ngành thủy điện Trung Quốc, với các vấn nạn trầm trọng hơn, như nguy cơ thảm họa động đất, lũ lụt, và hệ quả chính trị-xã hội, quan hệ quốc tế.

Tác giả sẽ rất trân trọng các góp ý, nhất là từ các chuyên gia thủy điện và môi trường.

Muốn phát triển kinh tế thì cần điện. Mà muốn có điện thì đương nhiên phải trả giá. Khi trả giá, chúng ta cân nhắc tổng hòa giữa lợi cho công cuộc phát triển kinh tế và nâng cao mức sống trước mắt, và hại cho môi trường, tài nguyên, cho nguồn phát triển bền vững trong tương lai dài hạn.

Vì lợi và hại liên quan đến cả xã hội, việc trả giá cho phát triển kinh tế nói chung và thủy điện nói riêng không thể được coi là thương vụ nội bộ giữa các nhà tư bản và nhà cầm quyền, mà cần được minh bạch cho cả cộng đồng.

Thủy điện cũng như điện mặt trời và điện gió là những nguồn năng lượng tái sinh, không phải đốt nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ).

Thủy điện sạch hơn nhiệt điện vì ít thải khí CO2 và khói bụi vào khí quyển. Thủy điện an toàn hơn điện hạt nhân vì không có nguy cơ nổ và gây ô nhiễm phóng xạ.

Tuy nhiên, các hệ lụy của thủy điện thường chỉ thấy được sau nhiều năm. Các tác hại thấy rõ nhất của thủy điện là làm mất đi tính đa dạng sinh học, thay đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sản xuất nông-ngư nghiệp ở vùng hạ lưu.

TS Trần Bắc Hải

Hệ sinh thái tại lưu vực mỗi con sông hình thành và tiến hóa đáp ứng với con sông đó từ hàng vạn năm, bị con người làm đảo lộn.

Các chất hữu cơ từ sinh vật bình thường được chảy theo dòng nước, khi bị đập thủy điện ngăn lại sẽ tích lũy ở đáy hồ và phân hủy tiêu thụ nhiều oxy, làm giảm chất lượng nước ở đáy hồ, nhiều khi dẫn đến hiện tượng bùng phát tảo (algae blooms, thường dịch sang tiếng Việt là "tảo nở hoa", "thủy triều đỏ").

>>> Xem thêm những bài viết cùng tác giả Tại Đây

Do phân hủy hữu cơ, nhiệt độ nước có thể rất chênh lệch giữa các tầng nước. Các yếu tố này cộng chung lại gây ra chết thủy sinh vật. Khi đập xả nước thì các yếu tố độc này sẽ tiếp tục gây hại cho thủy sinh vật ở hạ nguồn.

Cho dù ít thải khí nhà kính CO2, nhưng các hồ thủy điện cũng là nguồn phát sinh khí methane – một thành phần khác của khí nhà kính [1].

Rất nhiều loài cá có tập tính di cư để sinh sản có thể bị tuyệt diệt vì thủy điện.

Ở vùng châu thổ sông Columbia (Mỹ), sau một nửa thế kỷ kể từ khi các đập thủy điện được xây lên, số lượng cá hồi hoang dã đã bị giảm đi 85% [1].

Theo một công trình nghiên cứu quốc tế được đăng tải trên tạp chí khoa học hàng đầu Proceedings of the National Academy of Sciences, việc xây dựng các đập thủy điện tại thượng nguồn Mekong sẽ ngăn cản sự sinh sản của 877 loài cá khác nhau [2].

Các tác giả bài báo này cũng dẫn ra các con số thiệt hại cụ thể do 4 đập thủy điện đã xây dựng trên sông Mekong, trong đó rõ nhất là đập Hạ Se San 2 ở Campuchia đã gây giảm sản lượng cá 9,3%. Dòng chảy bị ngăn từ thượng nguồn dẫn đến hạ mức nước hạ nguồn và xâm lấn nước mặn.

Châu thổ sông Mekong cũng sẽ mất đi nguồn bồi đắp phù sa. Hạn hán sẽ khiến quốc gia vùng hạ nguồn phải phụ thuộc vào "lòng tốt" của quốc gia thượng nguồn mở van xả đập nước vào mùa khô, và các đập nước sẽ trở thành vũ khí địa chính trị của quốc gia thượng nguồn [3].

Tại Mỹ và Canada, sau nhiều thập kỷ hoạt động, cán cân giữa "lợi" (nguồn điện) và "hại" (môi trường, nông-ngư nghiệp) của các nhà máy thủy điện cũ dần nghiêng rõ về phía "hại", khiến người ta thấy cần phải dỡ bỏ các con đập.

Thông thường thì các nhóm hoạt động môi trường phải mất nhiều năm vận động vì các chủ nhà máy điện thường không tự nguyện từ bỏ tài sản của mình,và bản thân việc dỡ đập cũng cần có kinh phí lớn.

Mới chỉ khoảng 20 năm trước, ý kiến đòi dỡ các con đập còn được coi là kỳ lạ, nhưng giờ đây đã trở thành một trào lưu chính [4].

Từ năm 1990, trung bình mỗi năm nước Mỹ dỡ bỏ 50-60 đập thủy điện cũ, trong đó có những con đập lớn như hệ thống đập Elwha và Glines Canyon phải mất chừng 3 năm mới dỡ xong. Chỉ riêng năm 2014, tại Mỹ đã có tới 72 con đập được dỡ bỏ [4].

Tại Pháp, theo một đạo luật từ 1919 các con đập chỉ được cấp phép hoạt động tối đa là 75 năm. Sau khi hết hạn, chủ đập hoặc là phải tháo dỡ đập, hoặc xin cấp phép mới.

Một đạo luật mới ra đời gần đây quy định tất cả các công trình làm ngăn dòng di cư của cá phải hoặc là bị dỡ bỏ, hoặc là phải làm bậc thang nước cho cá vượt qua [5].

Cuối thập niên 1980, dự án thủy điện lớn trên sông Loire đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt, dẫn đến thập niên 1990 có thay đổi sâu sắc trong chính sách thủy điện: thay vì dự án xây lên 3 con đập lớn trên sông Loire, người Pháp lại dỡ bỏ 3 con đập cũ trong đó có 2 trên sông Loire [5].

Tại Thụy Điển, có 17 con đập thủy điện cũ được đặt vấn đề phải tháo dỡ [6]. Trào lưu dỡ bỏ đập thủy điện đã lan sang Nhật, khởi đầu là đập Arase trên sông Kuma. Dự án dỡ bỏ đập Arase sẽ tiêu tốn 8,8 tỷ yên, được bắt đầu từ 2012, dự kiến đến 3/2018 mới hoàn tất [7].

Thủy điện: Đừng vội phán, hãy nhìn vào những con số để cân nhắc lợi hại - Ảnh 3.

Hình 1. Đập Arase trên sông Kuma (Nhật Bản) đang được tháo dỡ. Photo courtesy: Asahi Shimbun Weekly.

Tuy nhiên do nhu cầu năng lượng, thủy điện trên toàn thế giới được dự đoán sẽ vẫn còn tiếp tục phát triển.

Nhưng nếu phân chia theo khu vực, thì đóng góp nhiều nhất vào phát triển thủy điện toàn cầu là từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (chủ yếu là Trung Quốc), trong khi tại Bắc Mỹ thủy điện hầu như không tăng thêm nữa [8].

Thủy điện: Đừng vội phán, hãy nhìn vào những con số để cân nhắc lợi hại - Ảnh 4.

Hình 2. Dự đoán phát triển thủy điện toàn cầu đến 2050. Từ trên xuống: Châu Á-Thái Bình Dương (tím); Châu Phi (đỏ); Âu-Á (xanh lá mạ); Trung và Nam Mỹ (xanh da trời); Bắc Mỹ (xanh biển). Nguồn: International Energy Agency.

Tóm lại, bên cạnh những ích lợi to lớn cho phát triển kinh tế thủy điện cũng gây ra tác hại về mặt môi trường và ảnh hưởng đến nông nghiệp-ngư nghiệp. Trên thế giới, bắt đầu hình thành xu hướng giảm phát triển thủy điện, bắt đầu từ Mỹ và các nước công nghiệp tiên tiến.

Tài liệu đã dẫn

Scientific American 18/9/2012. The downside of dams: Is the environmental price of hydroelectric power too high?

Ziv G. et al. Trading-off fish biodiversity, food security, and hydropower in the Mekong river basin. PNAS 109(15):5609-14; 2012.

BBC Việt Ngữ 25/3/2016: Trung Quốc xả nước: công cụ chính trị?

Michelle Nijhuis. Movement to take down thousands of dams goes mainstream. National Geographic. 29/1/2015.

Roberto Epple. French pilot experience and th European context. Dam decommissioning. RiverNet (European Rivers Network). http://www.rivernet.org/general/dams/decommissioning/decom3_e.htm

Anna Lejon, Birgitta Malm Renofalt, Christer Nilsson. Conflicts associated with dam removal in Sweden. Ecology and Society; 14(2):4; 2009.

Yomiuri. Arase dam removal begins. Eco-Business 3/9/2012.

International Energy Agency. Technology Roadmap: Hydropower. 29/12/2013.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại