Bệnh nhân là chị Lò T. H. (30 tuổi), xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vừa nhập viện với triệu chứng sốt, tổn thương vùng cận ngực.
Chị H. cho biết, thời gian gần đây chị phát hiện một nốt đỏ trên ngực phải kích cỡ 0,5x0,5cm, đau nhẹ kèm theo ngứa.
Tại phòng khám tư, bác sĩ thăm khám nghi bệnh nhân bị viêm tuyến vú. chị H cho biết, lúc phát hiện bệnh chị đang đi công tác, và chỉ nghĩ là mình bị mụn nhọt, nhờ đồng nghiệp nặn ra. Sau nặn, một sinh vật khá lớn trồi lên, ngọ nguậy khiến cả 2 cùng hốt hoảng.
Bệnh nhân đang điều trị tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng TƯ.
Ngay sau đó chị H. đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng TƯ khám lại vì nghi sinh vật kia là sán. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh phẩm là sán lá gan lớn (Fasciola).
Chị H. chia sẻ, ngoài việc thỉnh thoảng thấy nhói nhẹ ở ngực, không có triệu chứng gì đặc biệt.
TS Thọ cho biết, do bệnh nhân thường hay ăn lẩu với các rau thủy sinh như rau cần, rau ngổ... là yếu tố nguy cơ gây bệnh sán lá gan.
Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm gặp do sán lá gan chủ yếu trú ngụ trong gan, nếu lạc chỗ cũng chỉ ở khu vực cơ thẳng gần bụng, cơ tim, phổi, riêng bệnh nhân H. lạc lên vú. Sau tẩy sán, bệnh nhân hồi phục rất tốt và vừa được xuất viện sau hơn 1 tuần điều trị.
Theo TS Thọ, bệnh sán lá gan gồm sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ, tuy nhiên bệnh dễ nhầm lẫn với nhiều căn bệnh đường tiêu hoá khác.
TS. Thọ cũng cho biết thêm sán lá gan nhỏ chủ yếu do thói quen ăn gỏi cá ở một số vùng miền. Sau khi vào cơ thể, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong đường dẫn mật, ký sinh tại đây, gây viêm đường mật, chảy máu đường mật, sỏi đường mật, thậm chí có trường hợp diễn biến thành ung thư đường mật.
Theo báo cáo tại Hội nghị khoa học thường niên về Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng năm 2018, cho thấy, sán lá gan lớn đã ghi nhận bệnh nhân tại 50/63 tỉnh thành, đặc điểm là > 90% bệnh nhân trên 15 tuổi, 62% người bệnh là nữ.
Sán lá gan lớn hay ký sinh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu. Sau khi sán vào cơ thể động vật sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài xuống nước, thông qua vật chủ là ốc Lymnaea, sau đó phát triển thành ấu trùng đuôi và nang trùng, bám vào các rau thủy sinh như rau cần, rau rút, cải xoong, rau ngổ...đi vào dạ dày, đến ruột rồi lên gan.
Sán lá gan lớn trưởng thành dài khoảng 3 cm, ký sinh tại mô gan, tạo thành ổ áp xe. Nếu không điều trị kịp thời, ổ áp xe có thể vỡ, phải mổ cấp cứu do vỡ phúc mạc.
Bác sĩ Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương khám bệnh cho bệnh nhân.
Do triệu chứng nhiễm sán lá gan rất đa dạng nên dễ bị bỏ qua. Ở dạng cấp, bệnh nhân có thể sốt, đau tức gan, rối loạn tiêu hoá, dị ứng, ngứa nhưng cũng có nhiều trường hợp tiến triển âm thầm, không có triệu chứng gì ngoài việc thỉnh thoảng tức nhẹ hạ sườn phải, một số trường hợp phát hiện nhiễm sán khi đi khám sức khoẻ định kỳ.
Vì vậy, TS Thọ lưu ý, một số trường hợp được chẩn đoán tổn thương gan, có khối u ở gan nên được chỉ định cắt gan, tuy nhiên khi mở ra mới biết nhiễm sán. Do đó để tránh cắt nhầm gan, bệnh nhân cần được chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm ký sinh trùng, nếu dương tính sẽ được tẩy sán.
Khi được hỏi về khả năng hồi phục của bệnh nhân sau khi điều trị, TS.BS Trần Huy Thọ cho biết, việc điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan thì không khó, chỉ khoảng một tuần là ổn định, nhưng tổn thương gan thì phải từ 1 tháng mới hết.
Tùy vào thể trạng từng người quá trình điều trị sẽ nhanh hay chậm. Có người đáp ứng thuốc tốt thì 1 tháng, có người chậm phải 6 tháng mới hồi phục.
TS.BS Trần Huy Thọ cũng cho lời khuyên, để phòng, chống căn bệnh này, người dân phải ăn chín, uống sôi, bỏ thói quen ăn các thức ăn sống như tiết canh, gỏi và các loại thịt tái sống, các loại rau thủy sinh như cần, ngổ,... Lựa chọn ăn thực phẩm sạch như nguồn thực phẩm phải được lấy từ các trang trại nuôi, vật nuôi sạch thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ giảm.