01. Lỗ hổng trên Mặt Trăng
Cách đây 5 thập kỷ có lẻ, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (trong đó có Mỹ, Anh và Liên Xô) đã ký kết Hiệp ước ngoài vũ trụ, đảm bảo các nguyên tắc điều chỉnh các hoạt động của các quốc gia trong việc khám phá và sử dụng ngoài vũ trụ, bao gồm cả Mặt Trăng và các thiên thể khác.
Về bản chất, điều này có nghĩa là không gian bên ngoài là khu vực phi quân sự và không nước nào có quyền sở hữu bất kỳ thiên thể ngoài không gian nào.
Tuy nhiên, bằng cách 'lách luật', một cá nhân đã kiếm được hàng triệu USD từ việc bán các mẫu vật lấy từ Mặt Trăng. Cuộc mua bán diễn ra suôn sẻ với kẽ hở: Hiệp ước chỉ đề cập đến các quốc gia chứ không cấm riêng một cá nhân nào.
Cụ thể, 13 năm sau khi hiệp ước được ký kết, năm 1980, doanh nhân người Mỹ Dennis M. Hope đã phát hiện một lỗ hổng hiển nhiên trong Hiệp ước ngoài vũ trụ: Hiệp ước cấm các quốc gia sở hữu Mặt Trăng, nhưng không cấm cá nhân.
Dennis M. Hope tuyên bố mình là chủ sở hữu duy nhất trên Mặt Trăng và bắt đầu bán bất động sản Mặt Trăng với giá 24 USD một mẫu Anh. Đến nay trong suốt hơn 30 năm, Dennis M. Hope nói rằng mình đã kiếm được hàng triệu USD từ Mặt Trăng.
Dennis M. Hope tuyên bố đã thu được hàng triệu USD từ Mặt Trăng. Ảnh: Magellantv
Các nhân vật nổi tiếng thế giới như Tom Cruise, Barbara Walters, John Travolta và thậm chí cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, Jimmy Carter và Ronald Reagan, tất cả đều tin rằng họ sở hữu đất đai trên Mặt trăng.
Tuy nhiên, theo Liên Hợp Quốc, các tuyên bố của Dennis M. Hope hoàn toàn hư cấu, không có cơ sở trong bất kỳ loại thực tế pháp lý nào!
02. Cuộc đua lên Mặt Trăng: Sự khác biệt của thời đại
Bước sang thế kỷ 21, với sự bùng nổ về khoa học, kỹ thuật, nhiều công ty vũ trụ tư nhân và các quốc gia phần nào nhìn thấy nguồn lợi kinh tế khổng lồ tại vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
Cuộc đua làm giàu trên Mặt Trăng bắt đầu với 'ngòi nổ' đến từ Trung Quốc: Đầu tháng 3/2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử đưa tàu đổ bộ thành công lên nửa tối Mặt Trăng; đồng thời trở thành quốc gia thứ 3 sau Liên Xô và Mỹ chạm đến Mặt Trăng.
Tham vọng sâu xa của người Trung Quốc là (1) khám phá và kiếm tìm những nguồn nguyên liệu quý hiếm như Helium-3, vàng, bạch kim, đất hiếm... trên vệ tinh này, (2) từ đó xây dựng căn cứ tại đây, (3) tạo bàn đạp khám phá không gian sâu hơn nữa.
Dĩ nhiên, không riêng mình Trung Quốc nhận thấy những lợi ích kinh tế và kỹ nghệ vũ trụ góp phần đưa 1 quốc gia chiếm lĩnh vị thế cường quốc không gian số 1, Mỹ, Nga, châu Âu và nhiều quốc gia châu Á khác cũng đã nhìn thấy câu chuyện làm giàu từ Mặt Trăng ở thế kỳ 21.
"Mặt Trăng đang nóng trở lại" - Jack Burns, Giám đốc Mạng lưới Khám phá và Khoa học không gian thuộc NASA nói trên The New Yorker Magazine.
Tàu vũ trụ phóng từ Kennedy Space Center. Ảnh: Magellantv
Đương nhiên, con người từ lâu đã bị Mặt Trăng mê hoặc. Nhớ lại những năm 1950, Liên Xô và Mỹ đã bước vào cuộc đua để xem ai có thể lên Mặt Trăng nhanh nhất. Kết quả, lịch sử đã xướng danh Mỹ, NASA, Apollo 11 và Neil Armstrong năm 1969.
Cuộc đua không gian đặt ra vô số những câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của con người trên một thiên thể khác ngoài Trái Đất. Khi yếu tố lợi nhuận kinh tế lớn hơn ý nghĩa tiến bộ khoa học/tự tôn dân tộc thì Cuộc đua không gian có thể nhanh chóng biến thành Cuộc chiến không gian.
Một cuộc đổ bộ Mặt Trăng thế kỷ 21 khác hẳn so với thành tựu tương tự của thời thế kỷ 20.
Thành tựu vô tiền khoáng hậu của người Mỹ trên Mặt Trăng năm 1969 chủ yếu được thúc đẩy bởi cuộc đối đầu địa chính trị giữa hai cường quốc Chiến tranh Lạnh. Thời nay, đổ bộ Mặt Trăng bị thao túng bởi yếu tố: Lợi nhuận.
Năm 2007, X Prize đã công bố phần thưởng tiền mặt trị giá 20 triệu USD, được tài trợ bởi Google, cho một công ty có thể đưa robot hạ cánh trên Mặt Trăng. Công ty Nhật Bản Pocari Sweat đang mang tham vọng đưa thức uống đầu tiên lên Mặt Trăng. Celestis, một công ty dịch vụ tang lễ có kế hoạch đưa hài cốt hỏa táng lên Mặt Trăng.
03. Không gian: Thuộc địa mới của loài người?
Từ cuộc chinh phục vùng Tây Ấn của Christopher Columbus, đến việc vua Bỉ Leopold II thành lập và khai thác Nhà nước Tự do Congo với tư cách đầu tư cá nhân, các cá nhân, các quốc gia hùng mạnh phần nào đưa Trái Đất dần tiếp cận những điều mới.
Khi Trái Đất đâng dần trở nên nhỏ bé và cũ kỹ, không đủ để định hình con người người tương, tất yếu dẫn đến những Christopher Columbus mới trong một không gian mới, to lớn hơn.
Các nhà thám hiểm không gian như tỷ phú Elon Musk thường mô tả sao Hỏa là một "thuộc địa" tiềm năng.
Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz tuyên bố rằng ông tin rằng tỷ phú siêu giàu đầu tiên của thế giới sẽ thu lợi nhuận khổng lồ từ không gian, và ông so sánh nỗ lực này với việc chinh phục bán cầu Tây của châu Âu.
"Tôi không biết mình sẽ là ai, và tôi không biết họ sẽ khám phá ra điều gì, hoặc họ sẽ đạt được điều gì song tôi nghĩ rằng mọi thứ đều đang trải rộng trước mắt chúng ta và đầy hứa hẹn như một Tân Thế Giới cách đây vài thế kỷ" - Ted Cruz nói.
Giám đốc điều hành Amazon và tỷ phú nổi tiếng người Mỹ Jeff Bezos cũng đã để mắt tới Mặt Trăng trong một thời gian. Giữa năm 2019, vị tỷ phú này đã công khai kế hoạch đưa tàu đổ bộ Blue Moon lên Mặt Trăng với ý nghĩa 'cứu thế giới'.
Tỷ phú Jeff Bezos nói về kế hoạch Mặt Trăng của mình. Ảnh: Magellantv
"Thực tế nhức nhối chúng ta đang đối mặt là nóng lên toàn cầu, là ô nhiễm môi trước, là nghèo đói, bệnh tật. Dẫu vậy, Trái Đất vẫn là hành tinh tuyệt diệu nhất. Vì thế, đã đến lúc chúng ta chung tay cứu lấy 'viên ngọc đẹp đẽ' này. Bởi, đến một ngày nào đó, tài nguyên trên Trái Đất sẽ cạn kiệt, nếu chúng ta 'chuyển nhà' ra ngoài vũ trụ, chúng ta sẽ nắm trong tay nguồn lực vô hạn.
Sứ mệnh của tôi là mong muốn nhân loại có cơ hội phát triển bền vững. Khi đó, ngành công nghiệp nặng phải rời khỏi bề mặt Trái Đất để khai thác các nguồn khoáng sản bất tận trong Thái Dương Hệ. Cực Nam của Mặt Trăng (chứa đất hiếm, băng đá) là một đích đến cần có.
NASA hẳn nhiên không nằm ngoài tham vọng đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng. Cơ quan của Mỹ này đang ráo riết thực hiện Chương trình Artemis, nhằm đưa 2 phi hành gia (nam, nữ) đổ bộ cực Nam Mặt Trăng năm 2024 theo đúng yêu cầu của Tổng thống Trump.
"Trở thành con người là một trải nghiệm khá kỳ lạ, và một trong những điều kỳ lạ nhất - theo tôi, là nhìn lên bầu trời đêm, và nhận ra rằng bóng tối bạn nhìn thấy là một không gian vô tận, rộng theo mọi hướng." - Cây viết Eden Arielle Gordon của Magellantv cảm nghĩ.
Hành trình ra ngoài không gian để thỏa mãn khát vọng thông hiểu của loài người là một hành trình chưa thể nào có hồi kết. Không gian rộng lớn đòi hỏi trí tưởng tượng và khả năng hiện thực tưởng tượng thành chân lý là hành trình không thể kể ngày một ngày hai. Chỉ biết rằng trên hành trình đó, chúng ta đều đang nỗ lực mong có được những thứ tốt đẹp hơn.
Bài viết sử dụng nguồn: Magellantv
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.