Thương vụ táo bạo từ bầu Hiển và tấm HCV khiến cả Đông Nam Á thán phục của Việt Nam

Linh Đan |

26 năm, 13 kỳ SEA Games chờ đợi khiến khoảnh khắc Mai Ngọc – Anh Hoàng giành huy chương vàng nội dung đôi nam nữ trên đất Campuchia như bùng nổ với những ai yêu thích bóng bàn. Và đứng sau thành công ấy là bóng dáng của một vị doanh nhân vốn được nhắc tới nhiều trong bóng đá. Đó là bầu Hiển.

TẤM HUY CHƯƠNG VÀNG SAU 26 NĂM MÒN MỎI

"Chúng em đã cố gắng hết sức mình để có được thành quả này, giành lấy tấm HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp. Ban đầu chúng em có chút áp lực, dù bị đối thủ dẫn trước nhiều điểm nhưng vẫn suy nghĩ ghi từng điểm một chắc chắn, tất cả vì Tổ quốc, vì đất nước mình", Trần Mai Ngọc bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc lên ngôi vô địch đôi nam nữ môn bóng bàn SEA Games 32.

Nếu không theo dõi từ những ngày đầu tiên, có lẽ ít ai biết rằng hành trình tại SEA Games 32 của Mai Ngọc và Anh Hoàng suýt chút nữa đã phải dừng lại ngay từ trận mở màn.

Đối đầu cặp đôi của Philippines tại vòng 1/8, hai VĐV Việt Nam khởi đầu không tốt và để thua liền 2 set đầu với cùng tỉ số 10-12. Tuy nhiên vào thời điểm không còn đường lùi, Mai Ngọc cùng Anh Hoàng đã thể hiện được bản lĩnh của những thần đồng bóng bàn Việt Nam, liên tục giành điểm để ngược dòng thắng 3-2 chung cuộc.

Kịch tính tiếp tục được đẩy lên trong trận tứ kết với Malaysia. Hai bên liên tục ăn miếng trả miếng, hòa 2-2 sau 4 set. Thêm một lần nữa, Mai Ngọc - Anh Hoàng phải bước vào set 5 căng thẳng. Và tại đây, thắng lợi kịch tính 12-10 đã giúp cặp đôi của Việt Nam có vé chơi trận bán kết. Và những gì diễn ra sau đó là lịch sử.

Thương vụ táo bạo từ bầu Hiển và tấm HCV khiến cả Đông Nam Á thán phục của Việt Nam - Ảnh 1.

Khoảnh khắc Mai Ngọc và Anh Hoàng ăn mừng điểm số quyết định. (Ảnh: QLB)

Thắng dễ Thái Lan 3-0, hai tay vợt trẻ Việt Nam bước vào trận chung kết nhiều thử thách khi đối thủ là hai VĐV của Singapore, nơi vẫn được biết đến với tư cách cường quốc bóng bàn ở Đông Nam Á.

Nhưng rồi trong một ngày thi đấu bùng nổ, Mai Ngọc và Anh Hoàng đã xuất sắc đánh bại đôi Clarence Chew - Jian Zheng với tỉ số 3-1 để giành huy chương vàng duy nhất cho bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 32.

Cần nói thêm rằng Mai Ngọc và Anh Hoàng đều là những tay vợt chưa có nhiều kinh nghiệm ở các giải đấu quốc tế. Bù lại, sự ăn ý của cặp đôi tại những giải đấu trong nước khiến ban huấn luyện quyết định để hai VĐV mới 19 và 21 tuổi này tham dự SEA Games 32.

Khoảnh khắc hai VĐV Việt Nam vỡ òa trong cảm xúc, có lẽ rất nhiều người hâm mộ bóng bàn nước nhà cũng cảm thấy rưng rưng. Sau 26 năm dài chờ đợi, bóng bàn Việt Nam mới lại giành được huy chương vàng SEA Games ở nội dung đôi nam nữ, kể từ sau chiến tích tại SEA Games 1997 của Vũ Mạnh Cường và Ngô Thu Thủy.

Và càng thú vị hơn khi biết biết rằng, người dìu dắt, uốn nắn bộ đôi này từ nhỏ tại CLB bóng bàn Hà Nội T&T lại chính là HLV Vũ Mạnh Cường. Cuộc đời của cả thầy và trò có thể đã rẽ theo một hướng rất khác, nếu như bầu Hiển không đưa ra một quyết định táo bạo vào 16 năm trước.

Thương vụ táo bạo từ bầu Hiển và tấm HCV khiến cả Đông Nam Á thán phục của Việt Nam - Ảnh 2.

Những nhà vô địch SEA Games ở tuổi mười chín, đôi mươi của bóng bàn Việt Nam. (Ảnh: QLB)

QUẢ NGỌT SAU THƯƠNG VỤ TÁO BẠO CỦA BẦU HIỂN

Năm 2013, ở tuổi lên 9, Trần Mai Ngọc cùng em gái sinh đôi Trần Ngọc Ngà khăn gói từ Bình Dương ra Hà Nội để gia nhập CLB bóng bàn Hà Nội T&T.

Tài năng của cả hai các tuyển trạch viên tại Bình Dương phát hiện và giới thiệu cho HLV Vũ Mạnh Cường. Đồng thời, việc này cũng nhằm giúp mẹ Mai Ngọc và Ngọc Ngà giảm bớt gánh nặng tài chính khi phải một mình nuôi con với đồng lương công nhân sau khi chồng qua đời. Tuy nhiên, hành trình để đưa "mầm non" này vươn tầm lên trở thành nhà vô địch SEA Games lại là chặng đường đầy gian nan.

"Hằng năm, CLB bóng bàn Hà Nội T&T có chính sách từ thiện nên dù lúc đó tôi không biết Ngọc, Ngà có khả năng không nhưng vẫn nhận các cháu vào CLB. Trước lúc quyết định cho con ở lại CLB tập luyện, mẹ hai cháu cũng ra Hà Nội tham quan nhà tập, nơi ăn ở của CLB. Khi chị ấy trở về Bình Dương và để hai bé ở lại, chúng khóc hết nước mắt khiến các thầy phải thay nhau dỗ dành", HLV Vũ Mạnh Cường kể lại.

Thương vụ táo bạo từ bầu Hiển và tấm HCV khiến cả Đông Nam Á thán phục của Việt Nam - Ảnh 3.

HLV Vũ Mạnh Cường và trò cưng Trần Mai Ngọc ăn mừng chức vô địch quốc gia năm 2021. (Ảnh: FBNV)

10 năm trôi qua, nhà cựu vô địch SEA Games vừa gánh trách nhiệm của người thầy chỉ dạy chuyên môn, vừa chăm lo cuộc sống cho các VĐV như con cái của mình. Từ chuyện mua quần áo, đưa đi cắt tóc rồi đến lúc đau ốm, thầy Cường đều tất tả lo lắng cho học trò của mình.

Mỗi năm, Mai Ngọc và em gái chỉ có một lần được về quê vào dịp Tết. Tận tay HLV Vũ Mạnh Cường lại đưa hai chị em ra sân bay, làm việc với nhân viên hàng không để nhờ họ hỗ trợ, giám sát các con trong suốt hành trình, rồi sau đó gọi điện cho mẹ của Ngọc, Ngà để bàn giao hai cháu sau khi máy bay hạ cánh.

Thầy Cường kể rằng sau mỗi lần nghỉ Tết 2-3 tuần như vậy, Ngọc, Ngà lại không chịu ra Hà Nội. Lần nào thầy ra sân bay Nội Bài đón các con trở lại CLB, nước mắt chúng cũng đầm đìa.

"Khi rời Bình Dương ra Hà Nội, do còn quá nhỏ nên hai chị em chỉ ôm nhau khóc vì sợ xa mẹ. May có thầy ở bên động viên, hỗ trợ và dìu dắt hai chị em. Bọn em quyết tâm ở lại vì nghĩ nếu mình tập luyện, thi đấu tốt sẽ có thể giúp đỡ được gia đình sau này. Hôm giành được huy chương vàng SEA Games, em ước có mẹ trên khán đài để lên ôm mẹ", Trần Mai Ngọc hồi tưởng.

Thương vụ táo bạo từ bầu Hiển và tấm HCV khiến cả Đông Nam Á thán phục của Việt Nam - Ảnh 4.

Mai Ngọc và Anh Hoàng hứa hẹn mang đến thêm nhiều thành công trong tương lai nếu được đầu tư đúng mức. (Ảnh: QLB)

Trước khi lên ngôi tại SEA Games 32, Mai Ngọc từng gây sốt làng bóng bàn Việt Nam với kỳ tích ở tuổi 15.

Khi ấy, tại Giải bóng bàn toàn quốc báo Nhân Dân 2019 diễn ra tại Nha Trang, Trần Mai Ngọc xuất sắc giành huy chương bạc khi chỉ chịu thua tay vợt kỳ cựu Mai Hoàng Mỹ Trang (TP.HCM) trong trận chung kết. Mọi thứ còn ấn tượng hơn khi tay vợt này tiếp tục giành thêm 2 huy chương bạc ở nội dung đồng đội nữ và đôi nữ.

HLV Vũ Mạnh Cường cho biết gần 20 năm mới lại có một tay vợt dưới 15 tuổi giành huy chương đơn nữa ở giải vô địch toàn quốc.

Thưở ấy, Mai Ngọc thổ lộ ước mơ được thi đấu tại SEA Games trong một ngày không xa và thậm chí đã nói về mong muốn được đứng trên bục cao nhất của đại hội này.

Và rồi ở tuổi 15, cô bé quê Bình Dương trở thành VĐV trẻ nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2019. Hai năm sau, Mai Ngọc thể hiện sự tiến bộ vượt bậc khi giành chức vô địch quốc gia ở nội dung đơn nữ.

Nên nhớ, khi đó tay vợt này mới 17 tuổi nhưng đã tạo nên "cơn địa chấn", vượt qua rất nhiều đàn chị như Nguyễn Thùy Kiều My, Mai Hoàng Mỹ Trang, Phan Hoàng Tường Giang để lên ngôi.

Thương vụ táo bạo từ bầu Hiển và tấm HCV khiến cả Đông Nam Á thán phục của Việt Nam - Ảnh 5.

Bóng bàn Việt Nam giành 1 huy chương vàng tại SEA Games 32 nhờ nỗ lực vượt bậc của hai VĐV trẻ tuổi. (Ảnh: QLB)

Tấm huy chương vàng SEA Games 32 là thành quả của hành trình dài với nhiều gian khổ của thầy trò HLV Vũ Mạnh Cường. Mai Ngọc, Anh Hoàng và thầy Cường đã phải trải qua không ít khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, sự đầu tư và đảm bảo tương lai của bầu Hiển cho CLB bóng bàn Hà Nội T&T chính là điểm tựa vững chắc để thầy và trò cùng nhau vững tin trên hành trình của mình.

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 10 năm 2007, khi bầu Hiển quyết định thành lập CLB bóng bàn Hà Nội T&T. Chỉ năm 1 sau khi dấn thân vào bóng đá, ông bầu này quyết định đầu tư thêm vào bóng bàn, một môn thể thao cũng nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam.

Nước đi đầu tiên của bầu Hiển trong kế hoạch đưa CLB non trẻ của mình vươn tầm chính là chiêu mộ HLV Vũ Mạnh Cường, người khi đó đang giữ vị trí Trưởng bộ môn bóng bàn tại quê nhà Hải Dương.

Bị thuyết phục bởi tình yêu và khát vọng với bóng bàn của bầu Hiển, tay vợt từng giành 3 huy chương vàng SEA Games quyết định nhận lời, sau đó ngược xuôi khắp nước tìm kiếm tài năng trẻ để đào tạo, ươm mầm, đặt những viên gạch đầu tiên để gây dựng nên thương hiệu CLB bóng bàn Hà Nội T&T.

Thương vụ táo bạo từ bầu Hiển và tấm HCV khiến cả Đông Nam Á thán phục của Việt Nam - Ảnh 6.

Bầu Hiển khen thưởng thành tích cho HLV Vũ Mạnh Cường và các học trò. (Ảnh: Đ.H)

Tấm huy chương vàng mang tính lịch sử mà Mai Ngọc và Anh Hoàng vừa giành được tại SEA Games 32 chính là minh chứng cho thành công trong việc đầu tư có trọng điểm và hiệu quả của bầu Hiển, góp phần làm rạng danh thể thao Việt Nam.

Trước đó, ở cả bóng đá và bóng bàn, các CLB của bầu Hiển đều đã có nhiều năm đóng góp các VĐV tài năng cho các đội tuyển quốc gia giành tích cao tại đấu trường quốc tế.

Nhiều người hâm mộ đã nói vui rằng, Mai Ngọc và Anh Hoàng đã góp phần "vẽ lại" bản đồ bóng bàn Đông Nam Á với chiến tích vừa qua trên đất Campuchia, bởi với độ tuổi còn rất trẻ, cả hai đủ khả năng để tiếp tục duy trì phong độ cao trong nhiều năm nữa, thậm chí mơ về giấc mơ vươn tầm châu lục.

Trao đổi với truyền thông, cá nhân bầu Hiển cũng không ngần ngại khẳng định sẽ phối hợp với Liên đoàn bóng bàn Việt Nam để đưa những tài năng như Mai Ngọc hay Anh Hoàng tập huấn dài hạn ở Trung Quốc nhằm nâng cao trình độ, gặt hái thêm nhiều thành tích hơn nữa cho thể thao Việt Nam.

Với tiềm năng của mình, chắc chắc tấm huy chương vàng SEA Games 32 mới chỉ là điểm khởi đầu với Mai Ngọc và Anh Hoàng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại