Ví dụ điển hình là startup gọi xe và giao hàng tại Đông Nam Á – Grab, hiện đang hợp tác cùng Altimeter Growth Corp. và có kế hoạch niêm yết tại Mỹ vào tháng 7 tới. Thương vụ này sẽ giúp công ty có trụ sở tại Singapore đạt mức vốn hóa là 39,6 tỷ USD, cao hơn so với mức 16 tỷ USD vào đầu năm nay.
Đối với nhà đồng sáng lập kiêm CEO – Anthony Tan, người sẽ nắm giữ 2,2% cổ phần của Grab sau thương vụ này, thì thương vụ trên sẽ giúp khối tài sản của ông tăng lên 829 triệu USD, dựa trên số cổ phiếu mà ông sẽ sở hữu.
Ngoài ra, số cổ phiếu nhà đồng sáng lập Hooi Ling Tan và Chủ tịch Ming Maa sẽ sở hữu lần lượt khối tài sản trị giá 256 triệu USD và 144 triệu USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Hiện tại, cổ phiếu của SPAC này đang giao dịch cao hơn 3 USD so với mức giá thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa với việc Anthony Tan có thể sớm trở thành tỷ phú.
Asad Hussain – nhà phân tích cấp cao về công nghệ di động tại PitchBook, nhận định: "Phản ứng tích cực của thị trường đối với thương vụ sáp nhập của Grab cho thấy sự hứng khởi của nhà đầu tư đối với công nghệ vận chuyển và tương lai của tính di động."
Hai nhà đồng sáng lập của Grab gặp nhau tại Trường Kinh doanh Harvard, khi họ đang theo học khóa MBA từ năm 2009 đến 2011. Họ có ý tưởng cung cấp dịch vụ taxi an toàn ở quê nhà là Malaysia, sau đó Anthony Tan đã ngừng làm việc tại công ty của gia đình - một trong những nhà phân phối ô tô lớn nhất quốc gia, để tập trung vào kế hoạch phát triển.
Năm 2012, hai nhà đồng sáng lập đã thành lập một ứng dụng gọi taxi có tên MyTeksi. Sau khi huy động vốn để mở rộng phạm vi hoạt động, công ty này chuyển đến Singapore. Năm 2016, MyTeksi được đổi tên thành Grab và cung cấp các dịch vụ bao gồm giao thực phẩm, thanh toán trực tuyến và các dịch vụ tài chính.
Theo hồ sơ công bố vào tuần trước, Grab đã tạo ra 1,6 tỷ USD doanh thu ròng được điều chỉnh vào năm 2020.
Ngoài ra, startup này dự báo lợi nhuận trước lãi, thuế, khấu hao tài sản cố định hữu hình (depreciation) và khấu hao tài sản cố định vô hình (amortization) sẽ chuyển sang mức dương vào năm 2023, với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu thuần đã điều chỉnh là 42% trong 3 năm tới.
Cũng như một số startup khác sắp niêm yết, Grab đã thành lập một quỹ hiến tặng cho các đối tác và cộng đồng Đông Nam Á.
Ở nỗ lực ban đầu, GrabForFood sẽ hỗ trợ hoạt động tiêm vắc-xin Covid-19. Khoản đóng góp ban đầu uóc tính là khoảng 275 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu, với 2 nhà đồng sáng lập và chủ tịch Maa cam kết quyên góp 25 triệu USD cổ phiếu.
Anthony Tan cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi không theo dõi việc khối tài sản của mình là bao nhiêu, vì điều đó không quan trọng. Chúng tôi rất may mắn khi có thể niêm yết Grab. Chúng tôi đã thành lập quỹ hiến tặng GrabForFood để đảm bảo rằng sự cam kết và nguồn lực của chúng tôi về phục vụ cộng đồng sẽ tiếp tục mở rộng ngay cả khi công ty phát triển."
Khi thương vụ niêm yết của Grab đang giúp khối tài sản của các nhà điều hành tăng lên, thì người được hưởng lợi lớn nhất chính là SoftBank.
Tập đoàn của tỷ phú Masayoshi Son đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào Grab, thông qua một loạt khoản đầu tư bắt đầu từ năm 2014. Sau thương vụ này, Quỹ Vision sẽ sở hữu gần 19% cổ phần Grab, trị giá khoảng 7 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phần trong Uber, Didi Chuxing lần lưt trị giá 5,4 tỷ USD và 2,8 tỷ USD.
Trước đó, các công ty châu Á có liên quan đến ngành công nghệ đã ghi nhận những thành tích tốt khi niêm yết tại Mỹ. "Gã khổng lồ" ngành thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang – cũng được SoftBank hậu thuẫn, chứng kiến cổ phiếu tăng 41% khi bắt đầu giao dịch tại New York hồi tháng trước. Theo đó, nhà sáng lập Bom Kim đã lọt top những người giàu nhất thế giới.
Dù sự hứng khởi đối với các SPAC đang dần hạ nhiệt khi SEC siết quy định, nhưng Hussain vẫn lạc quan. Ông cho hay: "Nhà đầu tư nhìn vào thương vụ của Grab và thấy rằng đó là một dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ đang ở điều kiện rất phù hợp để gia nhập ở thời điểm này.
Thành công của Grab sẽ mở đường cho nhiều startup Đông Nam Á khác cân nhắc việc niêm yết thông qua sáp nhập với SPAC."