Hình ảnh máy bay chiến đấu Su-75 Checkmate. Ảnh: Rostec
Nga đặt mục tiêu hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình Su-75 Checkmate (Chiếu tướng) mới của mình với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một động thái có thể hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng đang gặp khó khăn của Nga, đồng thời giảm sự phụ thuộc của UAE vào Mỹ và phương Tây về máy bay chiến đấu.
Hai bên hiện đang đàm phán để cùng sản xuất các vật liệu composite cần thiết và công nghệ viễn thông cho máy bay chiến đấu phản lực Su-75, theo các báo cáo.
Nếu đàm phán thành công, thỏa thuận sẽ có lợi về mặt kinh tế cho UAE, tạo ra sự thúc đẩy đáng kể cho ngành công nghiệp quốc phòng khi nước này cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của mình.
Việc UAE quyết định tham gia các cuộc đàm phán hợp tác sản xuất Su-75 với Nga được đưa ra sau khi nước này quyết định đình chỉ các cuộc đàm phán với Mỹ về việc mua máy bay chiến đấu F-35.
UAE viện dẫn áp lực của Mỹ trong việc loại bỏ Huawei khỏi mạng viễn thông của họ và tranh chấp về số lượng công nghệ F-35 sẽ được chuyển giao là lý do để đình chỉ đàm phán.
Đây không phải là hợp tác chiến lược đầu tiên giữa Nga và UAE. Năm 2017, hai nước đã công bố khởi động chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, nhằm mục đích đưa loại máy bay này vào phục vụ từ năm 2025.
Việc UAE thay đổi loại máy bay chiến đấu ưa thích cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Trung Đông và có thể tạo tiền lệ mua sắm cho các nước giàu dầu mỏ khác trong khu vực.
Su-75 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, được thiết kế nhằm giúp Nga tái gia nhập phân khúc thị trường máy bay chiến đấu từng được thống trị bởi các chiến đấu cơ hạng nhẹ như MiG 21. Nó được thiết kế hướng đến các khách hàng như Việt Nam, Ấn Độ và các nước châu Phi.
Su-75 nhắm tới lợi thế bán hàng chính là cung cấp các khả năng của thế hệ thứ 5 với giá chỉ bằng một phần nhỏ của F-35.
Các đặc điểm của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 bao gồm khả năng quan sát thấp, kết nối mạng và công nghệ tổng hợp dữ liệu. Những công nghệ này mang lại cho chúng một lợi thế đáng kể so với chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hiện tại.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ngành công nghiệp quốc phòng của Nga có thể đáp ứng được kỳ vọng hay không. Kể từ năm 2017, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã bị suy giảm về năng lực và quy mô.
Su-75 chủ yếu dựa vào vật liệu composite trong khi ngành công nghiệp vật liệu của Nga không tiên tiến như ở Mỹ và châu Âu. Động cơ Izdeliye-30 của Su-75 vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và Moskva vẫn chưa thể sản xuất radar AESA hiệu quả về chi phí, khi các báo cáo cho thấy họ gặp khó khăn trong việc phát triển các mô-đun chuyển / nhận của radar.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga cũng đang phải vật lộn với những thách thức về nguồn nhân lực công nghệ cao, các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Mặc dù Nga có khả năng sản xuất “siêu vũ khí” như tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik và tàu lặn không người lái dưới nước chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon, nhưng nước này lại gặp khó khăn trong việc sản xuất các mặt hàng thông thường hơn.
Ví dụ, hầu hết các máy bay chiến đấu xuất khẩu của Nga là các biến thể hiện đại hóa của máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Su-27 và MiG-29 từ thời Liên Xô, có thiết kế cơ sở sắp lỗi thời vào những năm 2020.
Do đó, Nga phải loại bỏ các thiết kế có từ thời Liên Xô cũ này và sản xuất các thiết kế mới nếu muốn chiếm lại thị phần máy bay chiến đấu hạng nhẹ trong tương lai gần.
Thực tế cho thấy, Su-75 là một thiết kế mới ra đời từ nhu cầu của Nga về cập nhật danh mục xuất khẩu máy bay chiến đấu và thu hút khách hàng mới. Nhưng có thể phải mất nhiều năm nữa Su-75 mới sẵn sàng cho những khách mua tiềm năng.