Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Gorbatko ra đi không chỉ là mất mát…

Tùng Đinh (Thực hiện) |

Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ những cảm xúc sau sự ra đi của phi công vũ trụ nổi tiếng người Nga Viktor Gorbatko.

Ngày 17/5, Thiếu tướng, phi hành gia Viktor Gorbatko, người từng bay cùng Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân vào vũ trụ năm 1980 qua đời ở tuổi 83.

Chia sẻ với VTC News về sự ra đi này, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người từng có mối quan hệ thân tình với phi hành gia Gorbatko nói:

"Gorbatko coi Việt Nam như Tổ quốc của mình, ông ra đi, có thể xem như một chuyến bay vào cõi vĩnh hằng của một cánh bay vĩ đại. Do đó, mỗi người chúng ta cần phải có trách nhiệm giúp mối quan hệ Việt Nam - Nga và quân đội hai nước được duy trì, củng cố hơn nữa để đóng góp vào hòa bình thế giới".

Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Gorbatko ra đi không chỉ là mất mát… - Ảnh 1.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn khoác chiếc áo của phi hành gia Viktor Gorbatko trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam năm 2015. (Ảnh: NVCC)

- Là một phi công được đào tạo tại Liên Xô và từng đón Thiếu tướng, phi hành gia Viktor Gorbatko, bạn đồng hành của Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân khi bay vào vũ trụ năm 1980 sang thăm Việt Nam, cảm xúc của Thượng tướng là thế nào khi biết tin người phi công vũ trụ nổi tiếng này qua đời?

Trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, có rất hiều phi công vũ trụ, nhưng ở Việt Nam, đến nay chỉ duy nhất có Trung tướng Phạm Tuân. Gorbatko là bạn đồng hành của Phạm Tuân trong chuyến bay lịch sử năm 1980, vì vậy, có thể nói ông là người rất đặc biệt với Việt Nam.

Chuyến bay Việt - Xô vào vũ trụ năm 1980 rất đặc biệt, cho đến nay, đây vẫn là lần duy nhất một người Việt Nam bay vào vũ trụ. Vì vậy, người Việt Nam nói chung và một phi công, người có trách nhiệm trong lĩnh vực không quân như tôi nói riêng, có sự quan tâm và gắn kết mật thiết với phi hành gia Gorbako.

Ngày 17/5, khi nghe tin ông Gorbatko qua đời, tôi có rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc.

- Xin ông chia sẻ rõ hơn về điều này?

Năm 2015, trong chuyến thăm Việt Nam kỷ niệm 35 năm chuyến bay vào vũ trụ cùng anh Phạm Tuân của ông Gorbatko, tôi vinh dự được thay mặt Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu tiếp đón và tham gia các hoạt động của sự kiện này.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Gorbatko ra đi không chỉ là mất mát… - Ảnh 2.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân và phi hành gia Gorbatko trong chương trình kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Việt - Xô, tháng 7/2015. (Ảnh: NVCC)

Khi đó, ông Gorbatko đã 81 tuổi và sức khỏe không còn tốt. Vì vậy, khi nghe tin phi hành gia này qua đời, tôi cho đó là một phần quy luật của cuộc sống, sinh - lão - bệnh - tử là chuyện không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, tôi vẫn không thể ngăn được sự xúc động trào dâng trong suy nghĩ trước sự ra đi của một con người sở hữu những tố chất mà ai có cơ hội tiếp xúc đều luôn ghi nhớ như Gorbatko.

Gorbatko là biểu tượng của mối quan hệ Việt - Xô, Việt - Nga hàng chục năm qua và là biểu tượng của chuyến bay lịch sử năm 1980. Do đó, khi ông ra đi, với tôi đó không chỉ là sự mất mát của một con người mà còn là sự hụt hẫng trong chiều dài sự kiện trải dài 37 năm qua, kể từ khi ông cùng anh Phạm Tuân bay vào vũ trụ.

- Thời điểm chuyến bay năm 1980 diễn ra, Thượng tướng đang ở đâu và cảm xúc của ông khi trải qua thời điểm lịch sử đó như thế nào?

Năm 1980, khi chuyến bay của anh Phạm Tuân và ông Gorbatko diễn ra, tôi đã về nước sau khi được đào tạo ở Liên Xô nhưng trước đó may mắn được gặp anh Phạm Tuân và theo dõi quá trình chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này.

Gorbatko là biểu tượng của mối quan hệ Việt - Xô, Việt - Nga hàng chục năm qua và là biểu tượng của chuyến bay lịch sử năm 1980.

Khi đó, anh Phạm Tuân đang được huấn luyện trong trung tâm ở Thành phố Ngôi sao.

Đây là chuyến bay đặc biệt khi Liên Xô dành sự ưu tiên cho Việt Nam để có thể thực hiện sớm hơn so với dự kiến.

Thời điểm đó, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa hàng năm đều cử phi công tới Liên Xô huấn luyện và bay vào vũ trụ. Theo lịch trình ban đầu, đại diện của Việt Nam có thể sẽ chinh phục không gian vào khoảng năm 1985.

Tuy nhiên, sau giải phóng miền Nam năm 1975, sự kiện có thể xem như chiến thắng chung của các nước xã hội chủ nghĩa thời điểm đó và Liên Xô đã ưu tiên cho Việt Nam.

Ngoài ra, trong quá trình tham gia luyện tập, các phi công Việt Nam đã thể hiện được sự chăm chỉ, nghiêm túc và khả năng của mình nên quá trình chinh phục vũ trụ được đẩy lên sớm hơn.

Khi chuyến bay diễn ra, tôi đang ở Hà Nội, chuẩn bị trở lại Liên Xô học chuyển loại lên thế hệ máy bay mới hiện đại hơn. Sau khi trở về Trái đất, 2 phi hành gia Phạm Tuân và Gorbatko đã đến Hà Nội và được đón tiếp rất trọng thị.

Tôi may mắn được tham dự vào sự kiện này. Mặc dù khi đó mới là Thiếu úy phi công, chưa có dịp tiếp xúc gần gũi với ông Gorbatko nhưng ấn tượng của tôi về ông rất rõ ràng.

- Ấn tượng về phi hành gia nổi tiếng này của ông khi đó là gì, thưa Thượng tướng?

Do theo dõi chuyến bay rất kỹ, tôi có tìm hiểu về quá trình chinh phục vũ trụ của Gorbatko và rất kính nể phi hành gia này, dưới tư cách là một phi công.

Sau này, khi biết ông là con người rất chân tình, chất phác và có tình cảm sâu nặng với Việt Nam, lại càng thêm kính trọng và quý mến Gorbatko.

- Năm 2015, Thượng tướng có cảm xúc và kỷ niệm đặc biệt gì khi là người đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ tổng tham mưu đón tiếp và tham gia các hoạt động của ông Gorbatko khi thăm Việt Nam, kỷ niệm 35 năm cùng Trung tướng Phạm Tuân bay vào vũ trụ?

Trong bữa cơm thân mật cùng gia đình Gorbatko, tôi rất bất ngờ khi biết ông chuẩn bị một huy chương đặc biệt của Không quân Nga dành cho những người có thành tích, trong đó ghi tên tôi và tự tay trao và gài lên áo cho tôi.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Gorbatko ra đi không chỉ là mất mát… - Ảnh 4.

Phi hành gia Gorbatko cài huy chương của Không quân Nga có tên Thượng tướng Võ Văn Tuấn lên áo ông trong bữa cơm thân mật nhân dịp sang thăm Việt Nam năm 2015. (Ảnh: NVCC)

Đây xem như sự công nhận của ông dành cho những cống hiến của tôi với Không quân Việt Nam nói riêng và các hoạt động chung giữa Không quân Việt Nam và Không quân Liên Xô trước đây hay Không quân Nga hiện nay.

Điều đó khiến tôi rất cảm động, khi không ngờ được người phi công vũ trụ nổi tiếng lại chuẩn bị món quà đặc biệt như vậy cho mình.

Tôi cảm nhận được sự chân tình, tốt bụng vốn sẵn có của người Nga lại được củng cố trong quá trình lịch sử gắn bó lâu dài với Việt Nam, kể cả những giai đoạn khó khăn nhất.

- Như vậy, có thể nói mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô, Nga rất khăng khít, gắn bó và chuyến bay năm 1980 của Trung tướng Phạm Tuân với Thiếu tướng Gorbatko là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Theo thượng tướng, mối quan hệ này sẽ phát triển thế nào trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, quân sự và cụ thể là không quân?

Hai con người Viktor Gorbatko và Phạm Tuân là mối quan hệ cá nhân, được trải qua sự kiện quan trọng là chuyến bay vào vũ trụ năm 1980. Nhưng họ cũng là đại diện cho hai dân tộc, hai quân đội đã có sự gắn bó chặt chẽ với nhau do số phận của lịch sử.

Vì vậy, Gorbatko luôn chia sẻ những khó khăn cũng như thành công với Việt Nam và coi Việt Nam như Tổ quốc của mình.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Gorbatko ra đi không chỉ là mất mát… - Ảnh 5.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn dìu phi hành gia Gorbatko xuống cầu thang trụ sở Bộ Quốc phòng bên cạnh Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân năm 2015. (Ảnh: NVCC)

Với tôi, trước tiên là một công dân Việt Nam rồi sau đó là người có trách nhiệm trong quân đội và lực lượng không quân, cho đến nay, có thể nói vũ khí trang bị của Việt Nam hiện nay cơ bản là từ Liên Xô - Nga.

Trong thời kỳ hiện nay, Việt Nam muốn thúc đẩy mối quan hệ đa phương, đa dạng, hội nhập và sẵn sàng làm bạn với mọi quốc gia.

Tuy nhiên, vũ khí, trang bị quốc phòng Việt Nam vẫn lựa chọn những người bạn truyền thống, lịch sử, trải qua nhiều giai đoạn và Nga vẫn là đối tác quan trọng nhất và sẽ còn phát triển trong tương lai.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Gorbatko ra đi không chỉ là mất mát… - Ảnh 6.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn bắt tay Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân trong chương trình kỷ niệm 35 năm chuyến bay Việt - Xô vào vũ trụ, tháng 7/2015. (Ảnh: NVCC)

Gorbatko ra đi, có thể xem như một chuyến bay vũ trụ vào cõi vĩnh hằng của một cánh bay vĩ đại. Do đó, mỗi người chúng ta cần phải có trách nhiệm giúp mối quan hệ Việt Nam - Nga và quân đội hai nước được duy trì, củng cố hơn nữa để đóng góp vào hòa bình thế giới.

Đối với không quân, đa số các vũ khí, trang bị hiện nay đều của Liên Xô và Nga, vẫn được sử dụng rất hiệu quả, do đó, chúng ta cần phát triển, củng cố mối quan hệ này.

Cuối cùng, tất cả sự hợp tác dù trong lĩnh nào giữa Việt Nam và Nga đều hướng đến mục tiêu đảm bảo hòa bình, ổn định cho thế giới, khu vực và củng cố quan hệ của hai nước.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại