Dự thảo luật không làm tăng số lượng cấp tướng
Thảo luận tại tổ về dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi) chiều nay, 7/6, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, qua nhiều cuộc tiếp xúc, cử tri có phản ánh việc cân nhắc số lượng tướng, nhất là vị trí phong tướng và người dân quan niệm "tướng phải cầm quân".
"Hiện nay một số vị trí làm công tác tham mưu, công tác khám chữa bệnh, công tác khoa học, nghệ thuật, kinh tế quy định cấp tướng có phù hợp không?. Người dân phản ánh, chúng ta cũng phải nên có lý giải" – bà Lê Thị Nga nêu ý kiến và cho biết, qua tiếp xúc với một số người làm ở những vị trí này thì có ý kiến nói không nhất thiết hàm cấp tướng nhưng cần chính sách phù hợp.
Cũng theo vị đại biểu này, với cấp tỉnh thì cũng cần cân nhắc địa bàn phức tạp, nơi có số lượng quân lớn để thể hiện đó là tướng cầm quân.
Cũng trao đổi tại tổ vào chiều nay, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, đối với quy định cấp bậc hàm cấp tướng, dự thảo Luật không làm thay đổi cơ cấu.
Theo Bộ trưởng, trước đây, các đại biểu Quốc hội cứ nói sao mà tướng nhiều thế, tuy nhiên Bộ Chính trị đã quy định rõ tổng số cán bộ có quân hàm cấp tướng trong công an nhân dân là 205.
Hiện nay số lượng này không vượt quá và phải đủ tiêu chuẩn mới được xét duyệt phong hàm tướng.
Ông dẫn chứng đối với Bộ trưởng phải lên Thượng tướng 4 năm rồi mới được Đại tướng. 6 Thứ trưởng là 6 Thượng tướng đã ghi rõ trong luật nhưng không phải cứ Thứ trưởng được lên Thượng tướng mà hiện có Thứ trưởng là Trung tướng vì chưa đủ tiêu chuẩn.
Đối với vấn đề quy định Cục đặc biệt, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, những Cục đặc biệt mà gộp 5 - 6 Cục, dối với Cục trưởng phải được phong hàm Trung tướng.
Người đứng đầu ngành công an thông tin thêm, sau khi tinh gọn bộ máy, Bộ Công an có 60 Cục, nếu bố trí tất cả Cục trưởng và Giám đốc Công an địa phương 63 tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cấp tướng, tổng số mới hơn 120, cộng với số tướng còn lại vẫn chưa đủ 200.
Còn nếu đề nghị Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I mang cấp bậc hàm cấp tướng "chỉ hơn chục người".
Bộ trưởng Tô Lâm nêu một bất cập khác, nếu Giám đốc Công an tỉnh chỉ có quân hàm Đại tá mà được quy hoạch Thứ trưởng không thể lên Thượng tướng, vì phải mất mười mấy năm.
"Nếu đúng đề xuất như chúng tôi sẽ thuận lợi, còn nếu không rất bất cập, khó trong luân chuyển cán bộ.
Số Giám đốc công an địa phương rất vất vả, chúng tôi muốn cơ cấu nhiệm vụ anh em tăng, "tỉnh mạnh" chính sách cũng phải phù hợp", Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Ảnh buổi họp tổ chiều 7/6.
Lực lượng công an chính quy xuống xã để sát với dân
Về bố trí 25.000 công an chính quy xuống cấp xã, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phân tích, về mặt hành chính, xã và phường tương đương nhau.
Trong hệ thống hành chính, phường thì rất chính quy rồi mà xã thì không được như thế. Vì vậy, việc bố trí lực lượng công an chính quy xuống xã để sát với dân, lắng nghe, giải quyết căn cơ nhiều vấn đề.
"Chúng tôi quan điểm rằng ngăn ngừa tội phạm phải từ xã, phường, cấp cơ sở là chính", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết với chính sách bố trí lực lượng như vậy, Bộ sẽ tinh gọn, chỉ còn gần 15% biên chế trong tổng số lực lượng, còn 85-90% biên chế sẽ là lực lượng ở tỉnh, địa phương. Định hướng tinh gọn bộ máy Bộ Công an, giảm biên chế là rất rõ.
Trước băn khoăn rằng việc chuyển 25.000 công an chính quy xuống làm công an xã có gây khó khăn cho địa phương hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết qua khảo sát, nhiều lãnh đạo địa phương trao đổi rằng như thế này rất "khỏe".
Ông thông tin thêm, trước đây biên chế Công an xã do hội đồng nhân dân tỉnh trả lương, giờ không phải trả nữa mà Bộ Công an trả lương, kinh phí cho lực lượng này. Không hề có gánh nặng gì cả.
Với số công an xã chưa phải chính quy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ sẽ có chính sách tuyển chọn vào lực lượng chính quy và cũng không lo việc này làm tăng biên chế "vì số biên chế nghỉ hưu mỗi năm khoảng vài nghìn suất sẽ bù vào".
Cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) tại tổ vào chiều 7/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công an phải công khai, minh bạch tốt hơn, sát dân, sát cơ sở để phục vụ nhân dân tốt hơn và đây là nguyên tắc rất quan trọng.
Theo Thủ tướng, cùng với công khai minh bạch, sát dân, vì dân, cần phải làm sao đừng để người dân sợ công an, bởi phần lớn hiện nay người dân còn sợ công an.
"Không có công an một ngày rất nguy cập nhưng họ cũng rất e ngại. Vì thế công an phải sửa phong cách, cách làm nhưng nhất là luật làm sao để người công an nhân dân sát dân hơn, gần dân hơn. Lực lượng công an cùng với quân đội là lực lượng trụ cột, chủ công đảm bảo an ninh xã hội", Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng, lực lượng công an cần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tốt hơn và vừa qua lực lượng này đã cố gắng nhưng an toàn của người dân trên một số lĩnh vực còn bất cập, trách nhiệm một phần thuộc chính quyền song chính là trách nhiệm của lực lượng công an.
Theo Thủ tướng, cần thiết kế luật này theo hướng nhằm đảm bảo xã hội an toàn hơn.