Cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã dành cả cuộc đời để cống hiến vì Độc lập, Tự chủ, vì nền Hòa bình bền vững và sự phát triển trường tồn của dân tộc. Ông là con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một vị tướng toàn vẹn, đức độ, sáng trong như ngọc với tài năng thao lực xuất chúng. Qua lời kể và những ký ức của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hiện lên với hình ảnh một người cha dịu dàng, sâu lắng, sống thật đời thường và vô cùng tình cảm.
Cái tên Nguyễn Chí Vịnh được lấy từ tên cha. Ngày trước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có tên là Nguyễn Vịnh, sau này ông mới lấy tên là Nguyễn Chí Thanh. Ở Đại hội Tân Trào năm 1945, khi công bố danh sách lãnh đạo có tên Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không biết là ai và có hỏi đồng chí Phạm Văn Đồng thì nhận được câu trả lời là: "Chính anh". Từ đó, vị đại tướng đã mang tên Nguyễn Chí Thanh trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng. Dù vậy, Đại tướng vẫn tiếc cái tên "cúng cơm" nên sau này đặt tên Vịnh cho cậu con trai út – chính là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Là con trai của một vị Đại tướng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không chỉ thừa hưởng tên tuổi mà còn sẵn có trong huyết quản một bổn phận sâu sắc đối với Tổ Quốc. Trong cuộc đời hơn 40 năm binh nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông để lại nhiều di sản quan trọng trong lĩnh vực tình báo quốc phòng, đối ngoại quốc phòng và xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại.
Nhắc về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhớ lại năm 1967, thời điểm khi người cha thân yêu đã rời xa mãi mãi lúc ông chỉ mới là một cậu bé 8 tuổi. Chính vì vậy, những ký ức về cha với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không còn nhiều. Nhưng đó lại là những ký ức tuổi thơ rất sâu đậm.
Một trong những điều nữa mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ấn tượng và nhớ mãi về cha đó là tiếng cười của ông. "Tôi không biết mọi người như thế nào nhưng với tôi, tôi không thấy có ai có điệu cười hết cỡ như ba. Đó cũng là động lực để tôi hiểu rằng, cuộc sống nhiều lúc sẽ có khó khăn nhưng nếu không có nụ cười, không có sự lạc quan thì cuộc sống không thể tốt đẹp hơn được" - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhớ lại.
Ngày còn bé, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng gọi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là "binh bét" và luôn bảo rằng khi lớn lên con đường của cậu con trai út là đi bộ đội.
Đây cũng là điều thôi thúc ông kế tục sự nghiệp của cha mình, trở thành một người lính phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân như cha. Để đủ tuổi được nhập ngũ khi xin đi bộ đội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã khai nhiều lên 2 tuổi. Chính vì thế, dù ông sinh ngày 15 tháng 5 năm 1959 tại Hà Nội nhưng trong giấy tờ lý lịch chính thức lại ghi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh năm 1957.
Về chuyện khai gian tuổi để đi lính, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhớ lại hồi ấy: "Khi tôi xin đi bộ đội thì mới có 17 tuổi, nếu khai tuổi thật người ta không cho nhập ngũ, nên phải khai thêm 2 tuổi". Sau này, khi Đảng và Nhà nước có cho điều chỉnh tuổi, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng không điều chỉnh lại. Ông có nói: "Tôi để vậy không điều chỉnh, kẻo người ta lại nghĩ mình chạy tuổi thì buồn lắm".
Nhắc đến hai chữ "Nhân dân", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn còn nhớ những câu chuyện kể từ cha – một vị đại tướng của nông dân, của lòng dân, tình dân. Ngày còn nhỏ, trong chuyến đi đến Hưng Yên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được đi theo cha. Trên đường nhìn từ cửa sổ xe, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thấy các bà, các mẹ đang cấy lúa. Vị Đại tướng nói ngày xưa ở quê đi cấy, ông không cần chăng dây mà vẫn thẳng hàng. Thấy vậy, mọi người mới bảo Đại tướng xuống cấy thử nhưng cấy được một lúc thì vừa chậm, vừa xiên, vừa vẹo. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đứng vậy vươn vai nói "đúng là có khoa học kỹ thuật có hơn, tôi chịu thua". Câu chuyện này in sâu trong tâm trí Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông còn thuộc lòng câu nói của cha: "Không có ai là ngoài dân hết. Chúng ta đều là dân, mỗi người một việc khác nhau".
Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và đề cao mối quan hệ quân và dân. Quân với dân như cá với nước là hình ảnh đẹp nói về tình nghĩa sâu nặng, gắn bó keo sơn mật thiết, là tình cảm vô cùng thiêng liêng, ấm áp nghĩa tình của quân đội và Nhân dân ta. Quân đội Nhân dân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu. Tinh thần đó được phát huy qua nhiều cuộc kháng chiến và vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Thậm chí giá trị đó đang ngày càng phát huy hiệu quả, đưa nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới trong thời kỳ hội nhập, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đất liền và trên không, qua đó góp phần bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Khi được hỏi về danh xưng Quân đội Nhân dân Việt Nam, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cụm từ này đã thể hiện đầy đủ bản chất của quân đội chúng ta. Quân đội của chúng ta là quân đội của dân, do dân và vì dân, cho nên mọi hành động quân đội đều phụng sự Nhân dân. Trong mọi giai đoạn của lịch sử thì quân đội luôn luôn lấy mục tiêu tối thượng là phục vụ Nhân dân. Trước hết là phục vụ Nhân dân để có được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, có được độc lập, tự do. Bây giờ phục vụ Nhân dân là có được hòa bình, có sự ổn định để phát triển.
Đối với người chiến sĩ quân đội thì có một danh xưng rất đáng tự hào. Đấy là Bộ đội cụ Hồ, mang hàm ý trong người chiến sĩ đó luôn có những phẩm chất được bác Hồ truyền lại. Đó là lòng yêu nước, sự giản dị, lòng yêu Nhân dân, tinh thần hi sinh. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh danh xưng "Bộ đội cụ Hồ" đáng tự hào như vậy nhưng cũng đặt ra cho mỗi người một trách nhiệm là chúng ta phải làm sao không được xa rời những phẩm chất của Bác Hồ và trong những phẩm chất của bộ đội cụ Hồ, đáng trọng nhất là phụng sự Nhân dân.
"Quân đội Việt Nam không thể nói có chuyện đi trấn áp Nhân dân, không thể có chuyện vô cảm trước đau khổ của người dân và không thể có chuyện đứng ngoài khi người dân gặp khó khăn. Trong thời bình, khi thấy tính mạng dân bị đe dọa thì quân đội phải hành động để giúp dân" - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng nói.
Cùng với những câu chuyện về cha, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng không thể nào quên những mất mát khi mẹ rời xa ông. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể lại lúc ấy ông 21 tuổi, mà ở tuổi đó với một chàng thanh niên trẻ tuổi, vẫn chưa hiểu lắm về sự sống và cái chết. Nhưng khi nghe tiếng búa đập từng nhát vào quan tài mẹ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh mới nhận ra rằng ông đã mất hết.
"Nhà phải trả, sự nghiệp không có gì, học hành cũng không. Và giờ thì mẹ đã mất. Lúc đó tôi hiểu ra rằng một là buông, nếu không buông thì phải cố. Khi đó bản năng sinh tồn trỗi dậy mạnh mẽ" - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.
Tiếp nối truyền thống gia đình, sau nhiều năm gắn bó với con đường binh nghiệp, phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không còn điều gì trăn trở. Ông tự thấy rằng mình đã hoàn thành những nhiệm vụ được giao trong suốt cuộc đời binh nghiệp và đã hoàn thành nhiệm vụ ấy với tất cả cái tâm và với hai bàn tay sạch của mình. Con trai Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hiện tại cũng là một người lính trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với tư cách là một người cha, một người đi trước, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn luôn tin rằng đơn vị của con trai ông trong một bức tranh chung của toàn Quân đội đủ khả năng để dạy được con những điều cần phải làm.
"Và nếu nó nên người là do Quân đội chứ không phải do những lời giáo huấn hoặc những lời dặn dò của mình. Tuy nhiên, nếu nói về mong muốn, kì vọng hay ước mơ gì ở con trai mình thì tôi chỉ mong đúng như câu ba tôi từng dặn tôi là "Người ta sao thì mình cũng vậy". Còn mong muốn hơn nữa thì qua cuộc đời binh nghiệp, tôi thấy có hai chữ bạn phải giữ. Chữ thứ nhất là chữ "Tin", ở đâu cũng phải có lòng tin. Để cho người ta tin mình và hành động để người ta tin. Thứ hai là phải giỏi, việc nhỏ cũng giỏi" - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đúc kết lại.
Trên đây là những suy nghĩ của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về ngành tình báo – ngành mà ông đã công tác suốt hơn 20 năm của cuộc đời binh nghiệp.
Sau khi ông Vịnh từ chối đi học Liên Xô để xin ra chiến trường, năm 1983, Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia khi ấy là cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi gắm ông đến công tác tại đơn vị đặc biệt của Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Trần Đức. Đó là khi cuộc đời của chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Chí Vịnh bước sang trang mới.
Ai cũng có một người thầy, một tấm gương của trong cuộc sống của mình. Đối với tướng Vịnh, người đó chính là ông Đặng Trần Đức - nhân vật chính là trong cuốn sách "Người Thầy" do chính Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là tác giả.
Đặng Trần Đức, hay còn gọi là Ba Quốc được tôn vinh là một chiến sĩ tình báo huyền thoại với nhiều hi sinh thầm lặng để đóng góp vào chiến thắng 30/4/1975 thống nhất đất nước của dân tộc. Với cái tên Nguyễn Văn Tá, ông ẩn mình dưới danh nghĩa sĩ quan tình báo của địch, có khi là làm việc cho Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống giữa trung tâm Sài Gòn sôi động với hàng tá cuộc chính biến suốt 20 năm.
Dù là con em cán bộ, nhưng chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Chí Vịnh cũng không hề nhận được sự ưu ái từ nhà tình báo lỗi lạc Đặng Trần Đức, thậm chí ông còn bị "dội gáo nước lạnh" ngay lần đầu gặp mặt.
"Câu đầu tiên ông nói với tôi là ‘cậu sung sướng từ bé còn đây là chuyện sống chết, cậu xem làm được thì làm không thì về" – ông Đức nói.
Ấy thế mà cậu trung úy khi đó lại gắn bó với ông Ba Quốc suốt 20 năm tiếp theo. Giải thích cho sự gắn bó ấy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đúc kết lý do đó là sự tin tưởng: "May rằng tôi gặp một người thầy nghiêm khắc. Ông nghiêm khắc vì sự không tin tưởng. Nhưng cái nghiêm ấy mà tôi vượt qua được thì ông lại rất tin tôi và tôi ở với ông được 20 năm".
Vừa nghiêm khắc, vừa ân cần, dạy dỗ, ông Ba Quốc đã đào tạo nên một thế hệ các nhà tình báo mới của nước nhà, nổi bật trong số đó là cố Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh.
Những bài học của vị tướng tình báo luôn được ông Vịnh nhắc đến nhiều lần khi sinh thời: "Người làm tình báo chỉ lộ một chút xíu thôi là mất mạng. Mà mình hy sinh thì thôi cũng chấp nhận nhưng cả hệ thống tổ chức của mình sẽ bị tổn thất. 24/24 giờ 1 ngày, 7 ngày 1 tuần, 365 ngày 1 năm, ông Ba Quốc sống với tư cách một cán bộ tình báo. Ông không có một đời thường. 19 năm sống cùng, tôi cũng chưa thấy ông lúc nào của đời thường".
"Tình báo là hết mình về nghề nghiệp. Ăn tình báo, ngủ tình báo, sống tình báo mới giỏi được. Nhưng quan trọng là sự trung thành với đất nước và lý tưởng. 2 cái đó phải sống trong người tình báo thì mới làm tình báo giỏi".
"Những người làm tình báo như ông Ba thường là những người trầm lặng. Có thể nói đây là một nghề có những sự mâu thuẫn nhưng lại là các mặt đối lập tồn tại trong một sự thống nhất. Chính trong mâu thuẫn, dường như họ lại tìm ra chân lý, tìm ra sự thật… Tôi nghe theo lời dạy và rút ra bài học là khi mình thấy mâu thuẫn, mình dừng lại một chút chứ đừng gạt nó đi vội. Vì sao như vậy? Khi mình tìm thấy cách giải thích nghĩa là mình đã tìm ra một điều mới" – Tướng Vịnh phân tích.
Dưới sự dìu dắt của Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Trần Đức, ông Vịnh cùng các chiến sĩ tình báo khác đã lập nhiều chiến công quan trọng nhưng thầm lặng trong những giai đoạn khó khăn của đất nước, đặc biệt là cuộc chiến chống diệt chủng Pol Pot và những năm Liên Xô sụp đổ.
Trải qua nhiều thời khắc khó khăn cùng đất nước trước những biến động của thế giới, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh càng hiểu rõ giá trị của Hòa bình, của Độc lập dân tộc.
"Dân tộc Việt Nam nhận thức sâu sắc về Hòa bình thực sự là chỉ khi chúng ta có độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Nhân dân Việt Nam không chấp nhận hòa bình trong nô lệ. Chúng ta có khát vọng Hòa bình, Độc lập tự do như vậy. Đất nước bị xâm hại thì toàn dân cầm súng. Cha chưa đánh hết thì đánh đến đời con, đời con chưa đánh được, đánh đến đời cháu bao giờ có Độc lập, Tự do thì thôi" – vị Thượng tướng nói.
Đất nước có được hòa bình, vai trò người lính vẫn còn nguyên đó.
Khi đã trở thành lãnh đạo của Tổng cục Tình báo, ông góp phần quan trọng trong việc xây dựng ngành Tình báo Quốc phòng giữ vững phẩm chất tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân và có những bước phát triển đột phá, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Năm 2009, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và phụ trách mảng đối ngoại quốc phòng. Trong cương vị một nhà ngoại giao, Tướng Vịnh đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng đối ngoại quốc phòng trở thành một mũi chủ công trong thế trận bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp có thẩm quyền làm sao để xây dựng trong cộng đồng ASEAN có sự hợp tác thống nhất giữa các lực lượng quốc phòng. Chính vì thế, Việt Nam đã có sáng kiến về thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Với các nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có những sáng kiến, đề xuất để làm sao sự phối hợp, hiểu biết lẫn nhau, dẫn tới xây dựng mối quan hệ với các nước trên cơ sở quan hệ hợp tác quốc phòng là rất quan trọng.
Một vai trò không thể không kể đến là việc ông đã góp phần trong việc đưa các chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam tham gia Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Kết quả đạt được của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Việt Nam được đánh giá rất cao trên nhiều lĩnh vực quan trọng, tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, trong đó có đóng góp quan trọng của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Nhớ về người chỉ huy của mình, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng kể lại: "Cả cuộc đời mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn trăn trở, tìm tòi để đổi mới tư duy về bảo vệ Tổ quốc. Ông luôn nhấn mạnh rằng, khi quân đội luôn sẵn sàng thì đất nước sẽ không bị tổn thương. Sẵn sàng chiến đấu là để Nhân dân được sống trong hòa bình, trong xã hội yên bình và phát triển. Giữ được hòa bình cho Tổ quốc vẹn toàn mới là điều quan trọng nhất, cần vươn tới, cần đạt được. Nỗ lực xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, đẹp hơn… nhưng không được quên các yếu tố cơ bản, giá trị cốt lõi của một dân tộc phải giữ cho bằng được, đó là toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc và hòa bình!".
Ghi nhận công lao đóng góp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho đồng chí những phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng được trao tặng: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất của Campuchia; Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự) của Campuchia; Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga; Huân chương Antonio Maceo của Nhà nước Cộng hòa Cuba; Huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản.
Tháng 12/2021, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nghỉ hưu, hoàn thành nhiệm vụ của một người quân nhân đã cống hiến hết mình cho quân đội, cho đất nước.
Những năm tháng còn lại của cuộc đời, người lính về hưu dành cho sự tri ân. Năm 2022, ông viết cuốn sách Người Thầy để kể về những câu chuyện vĩ đại nhưng ít người biết về nhà tình báo Đặng Trần Đức.
Tháng 6/2023, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh mở cửa đón khách tham quan bảo tàng mang tên cha ông: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với mong muốn đem hình ảnh, dấu ấn "Đại tướng nông dân" đến gần thế hệ ngày nay.
Khi ra mắt bảo tàng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, ông đang viết 100 câu chuyện chưa ai nghe về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tiếc rằng, vị Thượng tướng đã ra đi vĩnh viễn khi những câu chuyện còn đang dang dở.
Song cuộc đời hơn 40 năm binh nghiệp của Tướng Vịnh cũng đã để lại những bài học có giá trị muôn đời sau về tình yêu nước, về khát vọng hòa bình.
Nguồn tham khảo: Media 21, Kênh QPVN, VTC1, Báo QĐND, SGGP...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!