Vụ việc cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón một lần nữa nhắc nhở chúng ta về việc trang bị cả về vật tư lẫn kiến thức để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ.
Đề xuất ôtô chở học sinh phải có thiết bị "chống bỏ quên trẻ em trên xe"
Sáng 11/6, tại Phiên họp thứ 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị cho bổ sung quy định xe ôtô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ôtô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của dự thảo Luật.
Đề xuất này được đưa ra nhằm ngăn chặn các sự cố đáng tiếc như vụ bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Thái Bình.
Các cơ sở giáo dục cần xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh và trẻ mầm non, đồng thời chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự và an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón. Xe đưa đón học sinh và trẻ mầm non cũng được ưu tiên trong tổ chức giao thông và bố trí nơi đỗ xe tại khu vực trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón.
Ví dụ từ thực tiễn
Trên thế giới, các quy định về phương tiện, thiết bị dành cho việc chuyên chở trẻ em đã không còn xa lạ.
Điển hình, trong suốt 80 năm qua, chiếc xe buýt trường học của Mỹ vẫn giữ nguyên màu vàng. Bởi lẽ đây là một trong những màu sắc dễ phát hiện nhất bằng mắt thường, ngay cả trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo. Điều này giúp giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.
Cục An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia của Mỹ cho biết những chiếc xe buýt học sinh có thiết kế đặc biệt giúp hành khách bên trong chịu lực va chạm ít hơn nhiều so với xe du lịch hay xe tải.
Đáng nói, những chiếc xe buýt tại Mỹ hiện tại được trang bị hệ thống cảnh báo an toàn để hạn chế việc trẻ bị bỏ sót trên xe. Hệ thống này hoạt động khá đơn giản. Một nút bấm được thiết kế và đặt ở phía đuôi xe. Sau khi tắt máy, tài xế phải đi xuống để nhấn nút bấm này. Nhờ vậy, tài xế có thể biết xem liệu còn em nhỏ nào ngủ quên trên xe hay không.
Trong trường hợp tài xế quên nhấn nút, sau một thời gian nhất định, hệ thống báo động sẽ kích hoạt và âm báo sẽ vang lên. Âm báo chỉ kết thúc khi tài xế có thao tác nhấn nút.
Một ví dụ gần gũi hơn đó là hệ thống xe buýt Thông Học ở Trung Quốc. Để tránh những tai nạn đáng tiếc, các xe chuyên chở học sinh sẽ được lắp 13 camera, nhiều hơn nhiều so với xe buýt thông thường. Chức năng của những camera này không chỉ là ghi lại hình ảnh, âm thanh mà còn theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.
"Xe buýt Thông Học lần đầu tiên được trang bị camera chống quên. Sau khi tài xế thao tác xong và rút chìa khóa, trên xe sẽ có âm thanh nhắc nhở kiểm tra. Trước khi xuống xe, tài xế sẽ kiểm tra xe để thực hiện đảm bảo rằng không có học sinh nào bị bỏ lại trên xe bus", ông Vương Lỗi cho biết thêm. Trong trường hợp camera phát hiện học sinh bị bỏ quên trên xe, nó sẽ tự động kết nối với máy chủ và thông báo cho người sử dụng.
Đồng thời, độ an toàn của xe buýt Thông Học được nâng cấp toàn diện so với xe buýt truyền thống. Sàn, mái và thân xe được phủ chăn chống cháy nano và đổ đầy vật liệu cách nhiệt. Xe còn được trang bị hệ thống cảnh báo sớm, thiết bị chống va chạm bên hông... Khi xảy ra hiện tượng thoát nhiệt, hệ thống chữa cháy ắc quy điện có thể tự động khởi động.
Xe buýt Thông Học có hệ thống quan sát xung quanh 360 độ và camera BSD (giám sát điểm mù). Xe được trang bị hệ thống ADAS (cảnh báo hỗ trợ lái xe), bao gồm cảnh báo va chạm phía trước, cảnh báo chệch làn đường, cảnh báo va chạm cho người đi bộ, giám sát và cảnh báo khoảng cách xe, nhận dạng giới hạn tốc độ và tải lên dữ liệu từ xa.
Xe còn được trang bị camera DMS (giám sát hành vi người lái). Hệ thống có thể theo dõi và phân tích trạng thái lái xe bất thường của người lái và đưa ra các cảnh báo sớm có liên quan.